Cao Bằng: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt gần 3%

03/01/2020 11:53 GMT+7
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi, song năm 2019, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng vẫn đạt gần 3%/năm.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đạt 2,94%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng sản xuất trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 277,9 nghìn tấn, đảm bảo an ninh lương thực địa phương; giá trị thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/ha/năm.

Trong năm 2019, một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao tăng cả về diện tích, sản lượng, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, như: gừng trâu, nghệ, chanh leo, dâu tằm... Ngoài ra, diện tích cây trồng lâu năm của tỉnh Cao Bằng tăng 506,31ha so với năm 2018, trong đó tập trung chính vào cây trồng có múi như cam, quýt, bưởi…

Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao có mặt trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tỉnh Cao Bằng có 11 sản phẩm nông nghiệp được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh với doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm, gồm: hạt dẻ, gạo nếp (nếp Ong, nếp Hương, nếp Pì Pất, nếp cẩm), miến dong Nguyên Bình, miến dong Án Lại (Hòa An), thạch đen, đậu tương, lạc đỏ, lê vàng, thịt lợn đen, thịt gà ri, chiếu trúc xuất khẩu.

Cao Bằng: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt gần 3%  - Ảnh 1.

Cây gừng trâu được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại vùng cao Lục Khu (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Báo Cao Bằng

Để hướng đến sản xuất hàng hóa hiệu quả, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất theo hướng áp dụng thâm canh tăng vụ, đưa vào sản xuất các giống chất lượng cao và thực hiện các hoạt động hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất. Chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện quy hoạch ngành và các đề án, dự án phát triển nông nghiệp.

Cũng trong năm 2019, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến thực hiện 326,3 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2020, dự kiến kinh phí thực hiện 76,3 tỷ để lựa chọn 30 sản phẩm thế mạnh của địa phương đưa vào Chương trình OCOP; công nhận ít nhất 15 sản phẩm OCOP.

Đến nay, UBND tỉnh Cao Bằng cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cho 32 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 6.158 tỷ đồng. Hiện đã có 29 dự án triển khai đầu tư với số vốn đăng ký 5.530 tỷ đồng, một số dự án có sản phẩm cung cấp ra thị trường. 

Đặc biệt, trong tháng 7/2019, UBND tỉnh Cao Bằng cấp chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Trang trại và chế biến bò sữa công nghệ cao thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại huyện Phục Hòa với quy mô 20.000 con bò sữa, công suất chế biến sữa đạt 49.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 4.300 tỷ đồng. Đây là dự án lớn, sau khi hoàn thành và hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cao Bằng: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt gần 3%  - Ảnh 2.

Sắn được tập kết tại bãi thu mua của Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp huyện Phục Hòa trước khi chở về Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng. Ảnh: Báo Cao Bằng

Theo ông Bế Xuân Tiến - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, năm 2019, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi (làm giảm 20% tổng đàn lợn của tỉnh), nhưng nhiều chỉ tiêu chính trong sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cũng theo ông Tiến, trong năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh còn một số chỉ tiêu kết quả đạt thấp so với kế hoạch. Diện tích một số cây trồng như: đỗ tương, lạc, sắn, thạch đen, thuốc lá đạt thấp; quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định; kỹ thuật canh tác còn lạc hậu; nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm còn hạn chế. Vấn đề đầu ra cho nông sản vẫn là khâu yếu của tỉnh. Một số nơi nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, nhất là thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Kinh tế hộ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn kém phát triển dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở mức thấp.

Nhìn nhận rõ lợi thế, khắc phục những tồn tại và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tổng sản phẩm (GRDP) nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,11%/năm; tổng sản lượng lương thực 277,9 nghìn tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40 triệu đồng; bình quân đạt 12 tiêu chí nông thôn mới/xã; 14,1% xã đạt chuẩn nông thôn mới..., đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020.

P.V
Cùng chuyên mục