Cao tốc Bắc - Nam: Bộ GTVT không chia sẻ doanh thu giảm, nhà đầu tư "câu giờ" ký hợp đồng

Thế Anh Thứ tư, ngày 21/04/2021 12:30 PM (GMT+7)
Cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức hợp tác công tư (PPP) gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dù đã đấu thầu, nhưng các nhà thầu chưa ký hợp đồng do Bộ GTVT không chia sẻ phần doanh thu giảm.
Bình luận 0

Nhà đầu tư trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam chưa ký hợp đồng

Hiện nay, 3 dự án cao tốc Bắc - Nam nêu trên đều đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các nhà đầu tư trúng thầu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn; tiến độ yêu cầu hoàn thành rất gấp, triển khai theo hình thức PPP phức tạp cả về hình thức quản lý và hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh, quá trình quản lý thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực...

Các dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai.

Quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, đàm phán hợp đồng tín dụng dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng...

"Đặc biệt, Luật Đối tác công tư (Luật PPP) mới có hiệu lực còn chưa quy định được hết các tình huống thực tế xảy ra. Những vướng mắc này dẫn đến quá trình đảm phán hợp đồng dự án PPP đã phát sinh một số nội dung chưa thống nhất", Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

Về các điều khoản trong hợp đồng, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, dự thảo hợp đồng dự án cao tốc Bắc - Nam kèm theo hồ sơ mời thầu được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật trước khi Luật PPP ban hành.

Để thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ đàm phán với nhà đầu tư theo hướng cập nhật các quy định của Luật PPP vào nội dung hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ mời thầu và chủ trương đầu tư. Đặc biệt, phù hợp với quy định tại điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP và các văn bản liên quan.

Hiện nay, các vấn đề cần làm rõ trong hợp đồng của Bộ GTVT đang đàm phán với nhà đầu tư là cần làm rõ cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, quy định tại Điều 82 Luật PPP: "Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính".

Nhà đầu tư trúng thầu lo ngại rủi ro.

Nhà đầu tư trúng thầu lo ngại rủi ro.

Bộ GTVT không chịu chia sẻ doanh thu giảm

Được biết, trong quá trình đàm phán hợp đồng, Bộ GTVT chỉ đề xuất phương án chia sẻ phần doanh thu tăng, không chia sẻ phần doanh thu giảm, do vậy, các nhà đầu tư không đồng thuận. Do đó, các nhà đầu tư đề nghị chia sẻ rủi ro trong cả trường hợp tăng và giảm để đảm bảo công bằng khi ký kết hợp đồng.

Để tháo gỡ những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư theo nguyên tắc: "trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh trường hợp này, Bộ GTVT sẽ thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng".

Về thanh toán vốn nhà nước, tại hợp đồng đàm phán quy định, việc thanh toán phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án phù hợp với khối lượng giá trị xây dựng đã hoàn thành được nghiệm thu; đồng thời, đảm bảo nằm trong phạm vi kế hoạch vốn đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các dự án PPP.

Điều chỉnh vấn đề này Nghị định 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý tài chính các dự án PPP quy định "nguồn vốn thanh toán, điều kiện thanh toán, mức vốn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán phải được quy định trong hợp đồng PPP.  Mặt khác, vốn nhà nước trong dự án PPP được thanh toán khi được giao kế hoạch vốn đầu tư công...".

Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, các nhà đầu tư đều có ý kiến được tính các chi phí phát sinh trong trường hợp kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí chậm so với kế hoạch. Hoặc, được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong trường hợp nhà nước chậm bố trí vốn ngân sách theo kế hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Vụ trưởng Nguyễn Viết Huy thông tin, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư có tính toán bổ sung chi phí phát sinh hoặc điều chỉnh thời gian xây dựng trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước bố trí chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến chi phí và thời gian thực hiện dự án.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem