Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2: "Nhức đầu" lo giải phóng mặt bằng

Thế Anh Thứ năm, ngày 17/11/2022 06:15 AM (GMT+7)
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo về dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 bị chậm với những khó khăn do giải phóng mặt bằng chậm.
Bình luận 0

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 nguy cơ bị chậm vì giải phóng mặt bằng

Bộ GTVT cho biết, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa, kiểm kê tài sản trên đất, công tác phê duyệt phương án bồi thường đã thực hiện được 1.702/6.006ha (đạt 28%).

"Khối lượng giải ngân đạt 2.303/7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 (đạt 32%)", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT "nhức đầu" vì cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025? - Ảnh 1.

Giải phóng mặt bằng đang là vấn đề khiến Bộ GTVT lo ngại. Ảnh: Thế Anh

Bên cạnh những công việc nêu trên, Bộ GTVT cũng điểm tên hàng loạt các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện giải ngân tốt như Bạc Liêu 86 tỷ đồng (94%), Kiên Giang 151 tỷ đồng (79%), Bình Định 505 tỷ đồng (65%), Hậu Giang 715 tỷ đồng (63%), Hà Tĩnh 457 tỷ đồng (36%).

Ngoài ra, một số địa phương triển khai còn chậm như Quảng Trị (8%), Khánh Hòa (17%), Cần Thơ (6%), Cà Mau (12%). Riêng tỉnh Phú Yên, tỷ lệ giải ngân đạt 0% do chưa phê duyệt phương án bồi thường vì chưa ban hành giá đất và giá bồi thường cây trồng.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay: "Bộ GTVT đã làm việc, thống nhất với các địa phương về vị trí, diện tích, trữ lượng bảo đảm đủ nhu cầu cho các dự án tại khu vực Trung bộ".

Bộ GTVT "nhức đầu" vì cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025? - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến thông xe trước ngày 31/12/2022. Ảnh: Thế Anh

"Các địa phương này còn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới (thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất)"

Đối với 2 dự án thành phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) hiện chưa có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn cát đắp cho các dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục về khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải và sẽ làm việc với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nguồn vật liệu cát vào cuối tháng 11/2022.

Đồng thời, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu, thử nghiệm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ có vào cuối năm 2023.

Bộ GTVT "nhức đầu" vì cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025? - Ảnh 3.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết gặp khó vì mặt bằng. Ảnh: Thế Anh

Thời điểm hiện tại, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp, đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 12 gói thầu khởi công (331/721,2km đạt 46%).

Dự kiến, hồ sơ sẽ được chuyển sang Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước ngày 20/11 đồng thời thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu xong trước ngày 20/12/2022 để khởi công 12 gói thầu vào cuối năm 2022.

Với các gói thầu còn lại, các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán đang được Bộ GTVT tiếp tục khẩn trương hoàn thiện để đáp ứng tiến độ khởi công vào quý 1/2023.

Bộ GTVT "nhức đầu" vì cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025? - Ảnh 4.

Chưa thể di dời các cột điện cao thế khiến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết gặp khó khăn. Ảnh: Thế Anh

4 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ thông xe

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ GTVT đặt kế hoạch đến ngày 31/12/2022 sẽ thông xe kỹ thuật 4 dự án để tạm thời đưa vào vận hành khai thác.

Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km được chia thành 4 gói thầu với quy mô mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư... Dự kiến sẽ về đích đúng hẹn.

Bộ GTVT "nhức đầu" vì cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025? - Ảnh 5.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết đang nỗ lực đưa dự án về đích. Ảnh: Thế Anh

Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong 4 tuyến thuộc "Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020" cùng với các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại gói thầu số  4 do liên danh nhà thầu Tổng công ty Thăng Long - CTCP và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông số 6 với chiều dài 16 km đi qua TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã hiện rõ hình hài tuyến đường.

Các đơn vị thi công đang huy động thêm hàng trăm thiết bị máy móc, nhân lực để tiến hành trải thảm một số đoạn đường đã cơ bản hoàn thành, giải phân cách giữa cao tốc cũng đang được khẩn trương lắp đặt.

Tại vị trí đấu nối với gói thầu số 3 các đơn vị đang khẩn trương san gạt đắp nền dự kiến sang tuần sẽ bắt đầu lu nền phối cấp đá để tiến hành trải thảm nhựa cho tuyến đường này. Liên danh nhà thầu cũng đang tiến hành đắp nền đầu nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với cao tốc TP.HCM - Long Thành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem