Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 không còn đường lùi tiến độ đã cam kết

Thế Anh Thứ tư, ngày 15/09/2021 10:14 AM (GMT+7)
Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần đang đối diện với những khó khăn về thiếu nguồn vật liệu dẫn tới nguy cơ bị chậm tiến độ.
Bình luận 0

Theo Bộ GTVT, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có 8/11 dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công và 3 dự án còn lại đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Đến nay, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng được 10/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam và đã triển khai thi công 25,09% tổng giá trị các hợp đồng; 1 dự án thành phần còn lại đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

Trong thời gian vừa qua, dự án cao tốc Bắc – Nam gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu, dịch Covid-19, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án thành phần. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới một số dự án đang bị chậm tiến độ, khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 không còn đường lùi tiến độ đã cam kết - Ảnh 1.

Tháng 6/2021, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang trong giai đoạn gấp rút thi công. Ảnh: Thế Anh

Để tháo gỡ khó khăn, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực và có những kết quả, chuyển biến tích cực, tuy nhiên các dự án thi công gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ. Trong đó 2 vướng mắc lớn là thiếu vật liệu đất đắp nền và tiến độ giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình thực hiện dự án xây dựng cao tốc Bắc  - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, Ngành địa phương, nhà thầu tháo gỡ dứt điểm những khó khăn

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bước đầu khắc phục thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tuy nhiên các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục, đảm bảo công tác phòng chống dịch để duy trì công trường, không để gián đoạn thi công, từ đó có cơ sở để cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 không còn đường lùi tiến độ đã cam kết - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Quảng Trị đang được các nhà thầu khẩn trương triển khai thi công đảm bảo tiến độ hoàn thành. Ảnh: Thế Anh

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cho xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam. Muốn vậy, các Bộ, ngành, địa phương, nhà thầu phải xác định rõ trách nhiệm để cùng có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc hiện nay.

Bộ GTVT phải tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế để chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để kịp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhà thầu phải cam kết đảm bảo đảm cung ứng đủ vật liệu xây dựng theo đúng hồ sơ dự thầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 60 của Chính phủ, các chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu với yêu cầu cao nhất là đảm bảo đáp ứng đủ vật liệu cho các công trường xây dựng cao tốc Bắc - Nam.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết; yêu cầu các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2021. Các nhà thầu phải có giải pháp bù tiến độ đã chậm trên công trường như tăng ca, tăng phương tiện, thiết bị, nhân lực trên công trường.

Đồng thời, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh, thiết lập và giữ vững các công trường xanh, định kỳ xét nghiệm Covid-19 hàng tuần cho công nhân trên công trường.

Bộ GTVT vừa có thông báo số 352/TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp trực tuyến về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Bộ GTVT chỉ rõ nhiều tồn tại cần phải khắc phục để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn về đích.

Cụ thể, công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy có cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, phần giải ngân cho khối lượng thi công còn thấp. Công tác quản lý, điều hành dự án của một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án còn bị động, chưa đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa thể xử lý triệt để, ảnh hưởng đến tiến độ thi công như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ GTVT được giao khoảng 43.401 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2021, Bộ đã giải ngân khoảng 22.386 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch cả năm. Một số dự án có tỷ lệ giải ngân cao như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Những tháng cuối năm, ngành giao thông tiếp tục "chạy nước rút" để giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem