Cấp chứng chỉ hành nghề cho lái xe kinh doanh vận tải: 'Nhà nước nên để doanh nghiệp tự quyết'
- Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), trong đó có nói tới việc cấp chứng chỉ hành nghề cho lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Ông có đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Ông Nguyễn Công Hùng: Luật Giao thông đường bộ (2008) đã ra đời từ lâu và bây giờ sửa đổi là lẽ tất yếu. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng đề xuất này là hoàn toàn phù hợp và đúng.
Chúng ta cần phải hiểu rằng nghề lái xe là một nghề dịch vụ, do đó cần phải hiểu đúng bản chất thế nào là nghề dịch vụ. Tôi lấy ví dụ, khi khách lên xe thì người lái xe cần phải thực hiện những động tác hay phải giao tiếp với khách hàng như thế nào cho phù hợp, cho chuẩn mực. Đến một người lễ tân tại khách sạn còn phải học chứ đừng nói là người lái xe. Người lái xe ngoài việc học văn hoá của doanh nghiệp thì cần phải học thêm các kỹ năng về sơ cứu, y tế và học các kỹ năng để bảo vệ khách hàng.
Trong Luật Giao thông đường bộ cũng có những điều khoản, quy định xử phạt cả doanh nghiệp khi lái xe không mang giấy phép lái xe. Ngoài việc xử phạt lái xe ra, luật này còn quy định xử phạt luôn doanh nghiệp đó.
- Có ý kiến cho rằng việc quy định có thêm chứng chỉ hành nghề sẽ khiến công tác tuyển dụng lái xe ở các đơn vị kinh doanh vận tải càng khó khăn hơn. Ông nghĩ sao?
Đó là những ý kiến bao biện. Một đất nước muốn văn minh thì điều cốt lõi nằm ở con người. Chứng chỉ thể hiện rằng người lái xe đã trải qua được một lớp đào tạo kỹ năng.
Tuy vậy, việc chứng chỉ hành nghề lái xe được cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước là điều cản trở đến việc tuyển dụng lái xe và ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Nhà nước không nên tham gia sâu vào việc điều hành của doanh nghiệp mà nên giao lại cho các doanh nghiệp để họ tự quyết, tự xây dựng kế hoạch phát triển cho công ty.
- Việc quy định có thêm chứng chỉ hành nghề cho lái xe sẽ khiến vận tải công cộng khó phát triển hơn, ông nghĩ sao?
Vận tải công cộng không phát triển được là do những người lái xe có những hành vi phục vụ khách hàng không tốt, ví dụ như nhồi nhét, chèn ép hay thu tiền ngoài của khách hàng.
Trong nghành nghề kinh doanh vận tải, người lái xe chính là những người trực tiếp tạo dựng nên thương hiệu, làm hình ảnh thương hiệu tốt nhất cho công ty. Người lái xe cũng là người thay mặt cho ban lãnh đạo, HĐQT công ty để tri ân khách hàng, phục vụ khách hàng.
- Ông có lo ngại đề xuất trên tạo ra gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe hoặc doanh nghiệp?
Không thể bao biện rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ làm gia tăng thủ tục hành chính được.
Lấy ví dụ, hiện nay chứng chỉ hành nghề của các tài xế lái xe của công ty chúng tôi vẫn do chúng tôi cấp. Chúng tôi vẫn đào tạo và ký chứng chỉ cấp cho các lái xe. Tất cả các chương trình đào tạo đều được báo cáo về Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố.
- Có ý kiến đề xuất nên tích hợp giấp phép lái xe và chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải làm một, việc tích hợp này không chỉ tránh lãng phí thời gian cho lái xe mà còn tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính. Ông có đồng tình không?
Chúng ta muốn đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào để quản lý thì cần phải giải quyết được bài toán đó là phía cơ quan nhà nước đã có nền tảng, có trung tâm số hay chưa. Ngoài ra, nếu muốn xây dựng một chương trình như thế thì cần phải có lộ trình rõ ràng (5 năm, 10 năm hay 20 năm).
Chốt lại, việc quy định người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có giấy chứng chỉ hành nghề là điều đương nhiên. Tôi chỉ đề xuất là nên giao chứng chỉ hành nghề này về cho doanh nghiệp để cho doanh nghiệp cấp, điều này đồng nghĩa rằng doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội và trước khách hàng.
Hơn 3 triệu xe máy điện sẽ phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc