dd/mm/yyyy

Trồng cây mận hậu trên núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cao

Cây mận hậu trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của thành phố Sơn La (Sơn La), giúp người dân nâng cao thu nhập. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Clip: Cây mận hậu giúp đồng bào dân tộc thu nhập ổn định

Đồng bào dân tộc thiểu số chọn cây mận hậu để làm giàu

Bản Tò Lọ xã Chiềng Đen (Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) có hơn 200 hộ, trên 600 nhân khẩu; 100% là đồng bào dân tộc Thái. Những năm gần đây, cuộc sống của bà con nông dân trong bản đã được nâng lên, nhà nào cũng có của ăn của để. Diện mạo nông thôn từng bước được nâng cao. Bản Tò Lọ có được như ngày hôm nay là nhờ sự cần cù, chịu khó, mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế của người dân, phần nữa là có sự định hướng đúng đắn của địa phương trong việc phát triển cây mận hậu.

Lên với bản Tò Tọ lần này, chúng tôi gặp được anh Tòng Văn Xum, gia đình anh là một trong những hộ gia đình có vườn mận xen với vườn cà phê lớn nhất của bản. Từ việc phát triển loại cây ăn quả này gia đình anh đã vươn lên làm giàu. Nhắc lại cách đây hơn 10 năm về trước, anh Xum tâm sự: Những năm 2003, giá mận giảm sút, nhiều hộ đã chặt phá vườn mận. Rồi cà phê bị sương muối, bà con cũng định phá đi. Hội Nông dân đã vào cuộc vận động bà con giữ lại vườn cây, áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây sớm phục hồi, nâng cao năng suất và chất lượng quả; cách thức thu hoạch… Nhờ thế, diện tích cà phê và mận hậu trong bản đã tăng, trở thành cây trồng chủ lực. Hậu như hộ dân nào trong bản đều gắn bó với 2 loại cây này.

"Với cùng một diện tích đất, việc trồng cây mận hậu xen với cây cà phê cho hiệu quả kép. Mình chỉ cần áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, thì cả 2 loại cây này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình tôi có hơn 2ha trồng mận xen với cà phê, mỗi năm từ vườn cây này gia đình tôi thu hơn 150 tiền lời", anh Xum nói.

Trồng cây mận hậu trên núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cao - Ảnh 2.

Gia đình anh Tòng Văn Xum, bản Tò Lọ xã Chiềng Đen (Thành phố Sơn La, Sơn La) có thu nhập ổn định từ việc trồng cây mận hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Cà Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen (Thành phố Sơn La, Sơn La) cho biết: Toàn xã hiện có hơn 500 ha mận ở 14/14 bản của xã. Sản lượng quả mận tươi đạt trung bình trên 6.500 tấn, giá trị ước đạt trên 40 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu không nhỏ, giúp người dân trên địa bàn ấm no. Những năm gần đây, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, nên mùa mận năm nay được mùa được giá, bà con rất phấn khởi.

Cùng với xã Chiềng Đen, xã Chiềng Cọ cũng là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của thành phố Sơn La (Sơn La). Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Toàn xã hiện có hơn 780 ha mận, trong đó gần 450 ha mận hậu, sản lượng trung bình trên 6.630 tấn, giá trị ước đạt 53 tỷ đồng. Về sức tiêu thụ năm 2022 so với năm 2020 và 2021 thuận lợi hơn nhiều, vì các tuyến xe chở hàng đi các tỉnh, thành phố và các chợ đầu mối được thông hành. Hơn nữa, năm nay nhiều hộ trồng mận đã áp dụng khoa học kỹ thuật, nên có được mận trái vụ, một số hộ thu được trên 1 tấn với giá bán 90.000 - 120.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Trồng cây mận hậu trên núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cao - Ảnh 3.

Xã Chiềng Đen và Chiềng Cọ là 2 địa phương của thành phố Sơn La (Sơn La) có diện tích cây mận hậu lớn. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển cây mận hậu trở thành cây trồng chủ lục

Nói về cây mận hậu ở thành phố Sơn La ông Tòng Văn Vui, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Thành phố Sơn La hiện có khoảng gần 2.500 ha mận, năng suất trung bình đạt 9-10 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần và phường Chiềng An. Mận hậu đã mang lại lợi nhuận cho người trồng, nhiều hộ gia đình thu được trên một trăm triệu đồng/năm. 

Trồng cây mận hậu trên núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cao - Ảnh 4.

Đến nay cây mận hậu đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Cây mận cơ bản được tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập trung bình khoảng 120 triệu – 150 triệu đồng/ha. Thành phố chuyển đổi canh tác những vùng chưa áp dụng khoa học kỹ thuật sang ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh... để cho ra những quả mận có chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.

Để nâng cao giá trị sản phẩm mận, Thành phố Sơn La (Sơn La) tuyên truyền cho bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trái vụ, áp dụng kỹ thuật tỉa tán, đưa cây mận hậu ở Thành phố Sơn La trở thành một trong những cây ăn quả, phục vụ du khách trải nghiệm mùa hoa và mùa thu hái quả.

Trồng cây mận hậu trên núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cao - Ảnh 5.

Những năm gần đây từ việc trồng và phát triển cây mận hậu đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Sơn La (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm mận, Thành phố tiếp tục tuyên truyền bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rải vụ, trái vụ, áp dụng kỹ thuật tỉa tán, tỉa quả trồng mận Ruby, đưa cây mận hậu ở Thành phố trở thành một trong những cây ăn quả, phục vụ du khách trải nghiệm mùa hoa và mùa thu hái quả.

Nhiều hộ ở xã Chiềng Cọ và Chiềng Đen đã chỉnh trang lại cảnh quan khu vườn, làm nhà sàn, chòi nghỉ, khu vực cắm trại, mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm hái mận trực tiếp tại vườn.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh