Video: Trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP

Là một người phụ nữ có rất nhiều lĩnh vực để bà có thể lựa chọn theo đuổi, tại sau bà lại lựa chọn gắn bó với cái nắng, cái gió của biển cả, với nghề nuôi biển của ngư dân Việt?

Trước tiên phải nói đến cái tên của tôi. Tôi rất tự hào với tên gọi của mình là Hải Bình, với ý nghĩa mang đến bình yên cho biển, số mệnh của tôi có lẽ cũng từ chính cái tên này.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, tình yêu với biển đã được bồi đắp và nuôi dưỡng cùng với tuổi thơ của tôi. Tôi sống tại vùng biển, tôi yêu biển, yêu cái sóng cái gió của biển cả, yêu những những con người tảo tần vươn khơi bám biển mỗi ngày.

Hình ảnh những người diêm dân một nắng hai sương trên những vựa muối hay hình ảnh những ngư dân về bờ, đem theo những giỏ cá tôm đầy ắp vào mỗi sớm bình minh đã in sâu vào tâm trí của tôi.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 1.

Chính bởi vậy, nên dường như tôi thấu hiểu biển, thấu hiểu những nhọc nhằn của những người diêm dân, ngư dân nơi đây. Cũng vì thế nên khi trưởng thành, tôi muốn làm điều gì đó cho biển cả, cho quê hương của mình.

Những khó khăn mà bà cũng như doanh nghiệp gặp phải trong hành trình xây dựng một nền kinh tế xanh là gì?

Trong một hành trình dài xây dựng và phát triển STP Group, bản thân tôi cùng những cộng sự của mình thực sự đã gặp phải không ít khó khăn. Nếu như đem những khó khăn ấy mà so sánh với thuận lợi thì có lẽ khó khăn phải chiếm tới 70% trong quá trình gây dựng và phát triển doanh nghiệp. Khó khăn từ khoa học công nghệ cho đến cơ sở vật chất và đến cả con người.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 2.

Chúng tôi vươn ra biển với những vùng xa tới 6 hải lý, làm thế nào để những cái lồng, những cái rọ, nhà hạ tầng,… có thể neo đậu bền vững trong sóng gió để làm sao khi bão đến, người dân vẫn giữ được những con cá mình đã chăm bẵm bao ngày, những cái lồng nguyên vẹn. Đó là thách thức mà chúng tôi đã phải thử nghiệm rất nhiều lần thí nghiệm giữa biển khơi rộng lớn. Đã có những bài học về sự thất bại khiến anh em viện nghiên cứu của chúng tôi từng rùng mình cảm thấy sợ hãi trước biển cả.

Làm chủ được công nghệ, cơ sở vật chất, pháp lý,… chưa phải là tất cả. Khi mà bà con vẫn còn nuôi biển với quy mô nhỏ lẻ với những tập quán nuôi trồng cũ, bà con vẫn đang dùng những vật liệu cũ thô sơ như xốp, tre, gỗ, thậm chí là những cái can nhựa. Những vật liệu này không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển mà còn không bền, dễ gặp phải rủi ro khi xảy ra sự cố, mưa to, bão lớn. Việc thay đổi sang sử dụng vật liệu HDPE yêu cầu bà con phải liên kết sản xuất với quy mô lớn hơn, với mức đầu tư lớn hơn. Nhưng cùng với đó, những vật liệu này sẽ giúp bà con giảm thiểu thiệt hại sau mỗi mùa mưa lũ, những vật liệu này cũng an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Điều này sẽ mang đến những giá trị bền vững hơn cho bà con nuôi biển và cho thế hệ tương lai của chúng ta. Vậy nhưng, để bà con hiểu được vấn đề đó và thay đổi tập quán canh tác vẫn luôn là trở ngại vô cùng lớn của chúng tôi.

Nhưng người ta vẫn nói rằng khi vươn mình vượt qua được rất nhiều thử thách thì mình sẽ có một bản lĩnh vững vàng hơn. Với tôi và toàn thể thành viên của STP Group cũng vậy, chúng tôi đã nỗ lực vượt qua mọi rào cản và chúng tôi đang trưởng thành và phát triển mỗi ngày. Trong suốt 13 năm qua, STP Group chúng tôi vẫn mang trong mình khát vọng giữ gìn màu xanh của biển cả với mục tiêu bảo vệ sinh kế cho thế hệ tương lai.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 3.

Đứng trước những sóng to, gió lớn của biển cả như vậy, đã khi nào chị cảm thấy chùn bước?

Chưa bao giờ! Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ dừng lại hành trình này.

Khi bước vào hành trình này tôi biết rằng mình sẽ gặp những khó khăn, thách thức, thậm chí là nhiều thất bại. Và tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ còn thất bại nữa. Nhưng khi nhìn thấy những sản phẩm của STP trên biển, thấy người dân nuôi biển an toàn sau mỗi cơn bão, bà con ấm no, đủ đầy, biển ngày một xanh trong hơn là tôi lại tiếp thêm động lực, tôi biết tôi và STP đã tạo ra được những giá trị thiết thực cho chúng ta. Tuy những thành quả đó chưa nhiều, chưa phải là những điều lớn lao, nhưng đó là động lực to lớn để tôi và STP sẽ kiên cường với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển và đem đến những giá trị bền vững cho cộng đồng và cả thế hệ tương lai.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 4.

Trong suốt hành trình đồng hành cùng với người dân nuôi biển, đâu là điều mà bà cảm thấy đau đáu nhất?

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 5.

Tôi đã khóc khi xem đoạn clip về cơn bão Damrey đổ bộ vào Khánh Hòa năm 2017, cơn bão kỷ lục ấy đã cướp đi sinh mạng của nhiều người cùng nhiều tài sản của người nông dân trên biển. Có gia đình đã mất đi người chồng, người cha và mất cả gia tài là những lồng cá trên biển. Họ đã nói rằng tại sao họ không được cảnh báo sớm và nếu họ được cảnh báo sớm hơn thì họ đã không bị tổn hại đến như vậy. Nhưng khi đến nơi chúng tôi thấy rằng cơn bão đã được cảnh báo trước một tuần và cảnh báo ở cấp 12. Điều này cho thấy chúng ta chưa trang bị đầy đủ kiến thức cho người dân. Đơn giản là về cơn bão cấp 12 sẽ gây tổn hại cho người dân như thế nào để người dân kịp thời chuẩn bị và phòng chống.

Sau chuyến đi đó, tôi thấy rằng thứ người nông dân thật sự cần đó là sự thấu hiểu, là kiến thức và cần những ngư cụ an toàn và bền vững hơn để có thể bảo vệ tài sản và hơn hết là tính mạng của họ trước sóng to gió lơn của biển cả. Điều này càng thôi thúc tôi phải cố gắng, kiên trì và trách nhiệm hơn nữa với hành trình của mình.

Với những người nông dân Việt Nam, việc thay đổi tư duy và chi ra một khoản tiền rất lớn để đầu tư vật liệu nuôi biển bền vững là một vấn đề rất lớn khi mà người nông dân vẫn còn rất khó khăn, vất vả. Doanh nghiệp của bà đã có những chính sách như thế nào để đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân nuôi biển với mục tiêu hướng tới tương lai xanh, bền vững?

Chúng tôi đã dưa ra 3 giải pháp để đồng hành cùng bà con.

Đầu tiên, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng các dự án phát triển vùng mặt biển. Đào tạo kỹ thuật cho bà con trở thành những người ngư dân có kiến thức, có kỹ thuật.

Thứ hai, chúng tôi chú trọng vào việc phát triển chuỗi sản xuất rong biển. Mong muốn của chúng tôi là bà con ở bất cứ đâu có thể tham gia trong việc nuôi trồng rong biển. Đặc biệt, ở những vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu,… chúng tôi kết hợp canh tác rong biển xen canh với đa canh nhằm tăng cường giá trị và ổn định thu nhập cho bà con. Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp vốn, giống cho bà con, đồng thời đảm bảo tiêu thụ sản phẩm của họ thông qua các cam kết và tuân thủ quy chế để đảm bảo yếu tố chất lượng và chân thật trong quy trình kiểm soát chất lượng.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 6.

Cuối cùng, chúng tôi đang triển khai các gói trả góp cho bà con, giúp họ có thể tham gia vào quá trình nuôi trồng và phát triển sản xuất thủy sản. Với cách tiếp cận này, bà con chỉ cần thanh toán một khoản đầu tiên và trả góp trong 5-15 năm. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ triển khai chương trình này một cách hạn chế do đòi hỏi nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp để hỗ trợ bà con.

Với phương châm: "Trọn tình với thiên nhiên, trọn nghĩa với cộng đồng", hiện nay doanh nghiệp của bà đã và sẽ làm những gì cho thiên nhiên, cho cộng đồng?

Làm thế nào để "trọn tình với thiên nhiên, trọn nghĩa với cộng đồng" với chúng tôi không phải điều dễ dàng. Từ khởi sự kinh doanh với ngành nhựa, tôi đã luôn đau đáu các vấn đề liên quan đến môi trường. Vì vậy, tôi đã lựa chọn hướng đi riêng là sản xuất và cung cấp các dòng sản phẩm từ vật liệu HDPE thân thiện với môi trường.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 7.

STP chúng tôi vận hành trên nền tảng triết lý kinh doanh "Đạo đức – Trí Tuệ – Nghị lực", chúng tôi đang hướng đến một cộng đồng màu xanh ngọc là một cộng đồng mà chúng tôi dùng công nghệ để trải những bức tường màu xanh của cây rong, của biển cả để tạo giá trị cốt lõi cho bà con nông dân và cho xã hội.

Chúng tôi vô cùng khát khao đưa tất cả các sản phẩm rong của Việt Nam đến với thị trường trong nước và quốc tế. Và món rong biển của người Việt Nam sẽ được đặt trên bàn ăn của mỗi gia đình giống như món kim chi của người Hàn Quốc.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 8.

Điều gì đã khiến cho bà – một người phụ nữ mảnh mai, nhỏ bé nhưng lại có nghị lực để làm những điều lớn lao đến vậy?

Từ bé tôi đã là một người phụ nữ nhưng có tính cách của nam giới. Tôi nhìn thấy những tảo tần của người dân vùng biển, chứng kiến sự đổi thay của môi trường biển bởi tác động từ con người.

Tôi rất thích con dã tràng ngoài biển, đôi lúc tôi thấy mình cũng giống nó, cứ xe những hạt cát nhỏ ngoài biển đông với hy vọng một ngày không xa biển sẽ lấy lại được vẻ trong xanh vốn có, hy vọng một ngày không xa bà con bám biển sẽ vơi đi nỗi nhọc nhằn.

CEO Nguyễn Thị Hải Bình: “Tôi muốn xe cát biển Đông”- Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP.

Giờ đây, tôi cũng là một người mẹ của ba cô con gái, tôi muốn trở thành một người mẹ, một nữ doanh nhanh có thể khiến các con tôi tự hào. Và tôi mong rằng với sự cố gắng, nỗ lực của mình sẽ truyền thêm động lực cho các con gái của tôi sau này sẽ trở thành những người tốt, những người có ích cho xã hội.

Trong ngày 8/3 này, tôi muốn nói với tất cả những người phụ nữ Việt Nam rằng: "Mỗi một người phụ nữ chúng ta, dù là doanh nhân, công nhân, nông dân,… ai cũng có những ước mơ của mình và có những nghị lực tiềm ẩn bên trong nội tại của mỗi con người. Quan trọng nhất là chúng ta xác định được mục tiêu, thiết kế được hành trình và nỗ lực hết mình để theo đuổi ước mơ đó."

Thực hiện: THDV
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem