CEO Trần Mạnh Báo kể chuyện vẫn đi học, hiện là học viên cao học lớn tuổi nhất ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam

K.Nguyên Thứ năm, ngày 18/08/2022 06:12 AM (GMT+7)
Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seeds cho biết: "Hiện nay tôi vẫn đang là học viên cao học lớn tuổi nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam".
Bình luận 0

Chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học của mình tại sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm năm 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, cũng là ngôi trường giúp vị giám đốc bắt đầu sự nghiệp sau 7 năm ở chiến trường trở về, Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seeds cho biết: "Hiện nay tôi vẫn đang là học viên cao học lớn tuổi nhất của trường". 

Kể câu chuyện đời mình với các sinh viên, CEO Trần Mạnh Báo cho biết, ông sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

CEO Trần Mạnh Báo kể chuyện vẫn đi học, hiện là học viên cao học lớn tuổi nhất ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng thành quả của ThaiBinh Seeds và bản thân anh hùng lao động, CEO Trần Mạnh Báo tại sự kiện: "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm năm 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17/8. Ảnh: VNUA.

Năm 1968, khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt nhất, khắp các địa phương sục sôi khí thế tuyển quân, bổ sung lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, lúc đó, ông đang là học sinh trường cấp 3 Thái Ninh (huyện Thái Thụy) nhưng đã tình nguyện xung phong ra mặt trận.

"Trong những năm tháng chiến tranh, không ít lần phải đối diện với quân địch, sự sống và cái chết rất mong manh song khí chất của chàng thanh niên trẻ vùng biển đã giúp tôi không chịu khuất phục. Tháng 5/1972, trong trận chiến tại địa bàn thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), tôi bị trúng một mảnh đạn cối và hỏng mắt trái. Năm 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tôi trở về quê hương với thương tật 2/4, tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để có thể giúp được điều gì đó cho nông dân" - CEO Trần Mạnh Báo kể lại.

Rời quân ngũ, ông được nhận vào làm công nhân chăn nuôi lợn ở Trạm Truyền giống lợn Hưng Hà, làm tạp vụ Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Cứ ngày đi làm, đêm về học, vượt qua mọi khó khăn, CEO Trần Mạnh Báo tốt nghiệp cấp III và rồi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).       

 Năm 1987, ông được đề bạt làm Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ Tiền Hải (thuộc Công ty giống lúa Thái Bình) trong tình trạng sản xuất không hiệu quả. 

"Từ kiến thức được trang bị và kinh nghiệm thực tế, tôi luôn trăn trở về vấn đề cần thiết phải cởi trói cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Tôi chủ động xây dựng đề tài "Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh" trước khi có Nghị quyết 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Bộ Chính trị, trong đó xác định giống và quyền tự chủ trong sản xuất là cốt lõi của phát triển nông nghiệp. Thời điểm đó, đề tài vấp phải nhiều sự phản đối bởi cho đây là phương án đi ngược lại chủ trương, song tôi vẫn kiên trì bám đuổi ý tưởng mình đặt ra", ông Trần Mạnh Báo nhớ lại. 

CEO Trần Mạnh Báo kể chuyện vẫn đi học, hiện là học viên cao học lớn tuổi nhất ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

CEO Trần Mạnh Báo chia sẻ quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của mình với các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: VNUA.

Với sự "xé rào" của mình, thành quả là trong hai năm 1988-1989, ông cùng đồng nghiệp đưa Trạm giống lúa Đông Cơ (thuộc Công ty giống lúa Thái Bình) có sự tăng trưởng vượt bậc, nâng cao thu nhập cho người lao động. Năng suất lúa tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước. Thành công này đưa trại giống Đông Cơ trở thành mô hình điểm trong thực hiện Nghị quyết 10.

Đây cũng chính là cơ sở để Công ty Giống cây trồng Thái Bình chuyển mạnh từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh và được nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước học theo.

Năm 2000, ông được bầu giữ chức Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình, khi đó tôi đã đề nghị Tỉnh ủy cho chuyển công ty sang cơ chế cổ phần hóa. Năm 2004, sau khi được tỉnh đồng ý, Công ty hoàn thành công cuộc cổ phần hóa.

Được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ThaiBinh Seed, ông Trần Mạnh Báo đã xây dựng chiến lược phát triển công ty dựa trên 3 trụ cột chính đó là "Trí tuệ - công nghệ - quan hệ", chiến lược đó đã giúp ThaiBinh Seed liên tục phát triển trong suốt những năm qua. 

Năm 2002, ông quyết định thành lập phòng Nghiên cứu phát triển, năm 2007 thành lập "Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới" nay là "Viện nghiên cứu cây trồng - VNC". Đây là Viện nghiên cứu trực thuộc doanh nghiệp đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam và khối doanh nghiệp Thái Bình.

Trong 10 năm qua CEO Trần Mạnh Báo đã làm chủ nhiệm 7 đề tài và là tác giả của 12 giống quốc gia, góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng; góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao đời sống nông dân, xóa đói giảm nghèo, hạn chế nhập khẩu giống, giảm chi ngân sách và ngoại tệ để nhập khẩu giống lúa cho đất nước.

ThaiBinh Seed đã xây dựng hệ thống liên kết sản xuất trên 70 điểm trong cả nước với diện tích 7.000-8.000 ha/năm; tiêu thụ cho nông dân 25.000 - 30.000 tấn giống nguyên liệu và lương thực.

CEO Trần Mạnh Báo cho rằng, trong chiến lược phát triển của nền kinh tế đất nước ở giai đoạn tới Đảng và Nhà nước đã xác định "nông nghiệp, du lịch và kinh tế số" là những lĩnh vực được ưu tiên và đây cũng chính là một lợi thế của nền kinh tế Việt Nam. 

Điều này nói lên rằng cần phải khai thác hết lợi thế để phát triển nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Theo ông Báo, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong những năm qua đã giúp ThaiBinh Seed từ doanh nghiệp nhỏ bé của tỉnh Thái Bình vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành giống cây trồng Việt Nam và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp nước nhà. 

"Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng của cả nước, trong đó khoa học công nghệ tiếp tục được coi là nền tảng chiến lược để phát triển. Trong đó việc hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước luôn được ThaiBinh Seed ưu tiên", CEO Trần Mạnh Báo khẳng định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem