Sản phẩm tiềm năng OCOP TP.HCM: Chả lụa gia truyền mấy chục năm tại Củ Chi, ai ăn cũng khen

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 12/10/2022 13:52 PM (GMT+7)
Về huyện Củ Chi, ghé chợ Củ Chi, hỏi chả lụa Duyên, hầu như bà nội trợ nào cũng biết. Đây là thương hiệu chả lụa mấy chục năm qua quen thuộc với người dân vùng "Đất thép thành đồng".
Bình luận 0

Thương hiệu chả lụa Duyên tại huyện Củ Chi được xác định là sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP TP.HCM. Chả lụa Duyên bao năm qua quen thuộc với người dân địa phương nay có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu nhiều hơn tới người dân, du khách.

Bà chủ chả lụa Duyên làm chả bằng chữ tâm

Bà Nguyễn Thị Duyên - chủ cơ sở chế biến thực phẩm giò chả Duyên (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM) hồ hởi khoe sản phẩm chả lụa vừa tham gia chương trình hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM diễn ra đầu tháng 10, tại quận 1 bán rất chạy và được người dân đánh giá cao.

Hội chợ này diễn ra liên tục trong 5 ngày, ngày nào bà cũng mang thêm chả lên để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều người được giới thiệu dùng thử, cảm nhận được hương vị tươi ngon của chả, khen ngon và "chốt đơn" cùng lúc vài đòn.

Sản phẩm tiềm năng OCOP TP.HCM: Chả lụa gia truyền mấy chục năm tại Củ Chi, ai ăn cũng khen - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Duyên và sản phẩm chả lụa Duyên - sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Sản phẩm chả lụa Duyên vừa được vinh danh là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM". Chả lụa Duyên cũng đã được huyện Củ Chi gửi đề xuất UBND TP.HCM đánh giá, xếp hạng công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của TP.HCM năm 2022.

Theo bà Duyên, các danh hiệu, chứng nhận là sự khích lệ lớn cho quá trình sản xuất nghiêm túc mấy chục năm qua và đặc biệt, sản phẩm chả lụa gia truyền của mình được người tiêu dùng đánh giá cao, có nhiều cơ hội hơn trong việc quảng bá, giới thiệu với người dân TP.HCM cũng như người dân cả nước trong tương lai.

Bà Duyên cho biết nghề làm chả lụa được ba mẹ mang từ Bắc vào, bà đã tiếp nối nghề của gia đình, giữ cách chế biến truyền thống, công thức gia truyền để có được những đòn chả thơm ngon nhất.

"Tôi bắt đầu sản xuất đến bây giờ là khoảng 35 năm. Khi làm, tôi học hỏi thêm, rút kinh nghiệm để cho ra sản phẩm phù hợp người tiêu dùng. Với chả lụa, bí quyết để ngon và giữ được khách đó chính là nguyên liệu tươi ngon, an toàn. Tôi lựa từng miếng thịt một. Chất lượng lúc nào là cũng phải ưu tiên hàng đầu", bà Duyên nói với Dân Việt.

Về quy trình sản xuất hiện nay, bà Duyên cho biết vì mang tính chất gia đình, lại là nghề truyền thống lâu đời nên bà rất khắt khe trong khâu lựa chọn nguyên liệu, cơ sở sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm của chả lụa Duyên hiện nay đều không sử dụng hàn the.

"Tôi làm chả lụa với chữ tâm và giữ uy tín với người tiêu dùng", bà Duyên nhấn mạnh.

Sản phẩm tiềm năng OCOP TP.HCM: Chả lụa gia truyền mấy chục năm tại Củ Chi, ai ăn cũng khen - Ảnh 3.

Chả lụa Duyên đã được công nhận "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM" năm 2021. Ảnh: Hồng Phúc

Chả lụa Duyên: Sản phẩm tiềm năng OCOP TP.HCM

Sau nhiều năm có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, đến năm 2000, bà Duyên đã đăng ký hộ kinh doanh, xây dựng được thương hiệu chả lụa Duyên cho riêng mình. Sản phẩm hiện được bà bán cho các mối quen, cung cấp nhiều cho các tiểu thương chợ Củ Chi và chợ Tân Thông.

Ngoài chả lụa, bà còn phát triển thêm chả gân, giò thủ từ thịt heo, thịt bò… và không ngừng nỗ lực cải tiến từng ngày để có thể tạo ra những sản phẩm đa dạng, chất lượng.

Bà Duyên cho biết khi chả lụa được gắn sao OCOP, sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội hơn để đến tay người tiêu dùng cả nước. Chả lụa đặc sản của Củ Chi sẽ không chỉ phục vụ bà con trong huyện mà còn được người tiêu dùng biết đến và thu hút khách mua làm quà tặng khi đến thăm "Đất thép thành đồng" Củ Chi.

Sản phẩm tiềm năng OCOP TP.HCM: Chả lụa gia truyền mấy chục năm tại Củ Chi, ai ăn cũng khen - Ảnh 5.

Ngoài chả lụa, bà Duyên còn phát triển thêm chả gân, giò thủ từ thịt heo, thịt bò…

Bà Dương Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Củ Chi, đánh giá làm chả lụa là một nghề truyền thống tiêu biểu tại thị trấn và cơ sở sản xuất chả lụa Duyên khá tiêu biểu trong các hộ đang tham gia sản xuất kinh doanh.

Đây cũng là sản phẩm thường xuyên có mặt trong các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp, thương mại trên địa bàn huyện Củ Chi và được người tiêu dùng đánh giá ngon, chất lượng.

"Chúng tôi phối hợp với UBND thị trấn, phòng Kinh tế huyện hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ gửi huyện đánh giá sản phẩm chả lụa Duyên. Cô Duyên cũng rất năng nổ, hiểu về Chương trình OCOP và muốn đưa sản phẩm đặc sản của mình, của thị trấn được nâng tầm với Chương trình OCOP", bà Yến nói thêm.

Chương trình OCOP bắt nguồn từ Nhật Bản nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy giá trị nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị. Sau thành công của Nhật Bản, mô hình này sau đó được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Tại Việt Nam, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Đầu tháng 8/2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 919 phê duyệt Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Tại TP.HCM, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019. Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình tìm kiếm sản phẩm OCOP trên toàn thành phố, gồm 5 huyện nông thôn mới, 16 quận và TP.Thủ Đức.

Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP TP.HCM cũng nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem