Chậm “cứu” Tân Sơn Nhất, thiệt hại càng chất chồng

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 27/06/2017 06:30 AM (GMT+7)
Trong lúc chờ được giải cứu, sự tắc nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất đang gây lãng phí lớn cho toàn xã hội. Do đó, theo các chuyên gia không nên chậm trễ quá trình mở rộng Tân Sơn Nhất và không bỏ phí nghiên cứu của Bộ GTVT.
Bình luận 0

Lo chậm tiến độ “giải cứu”

img

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) đang ở trong tình trạng quá tải. Ảnh: TGTT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài tiến hành làm việc độc lập để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trên cơ sở hiệu quả tiết kiệm và bảo đảm tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải, với yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm thời gian; khảo sát đánh giá khách quan độc lập. Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đã đồng ý thành lập nhóm nhà khoa học, chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không để xây dựng đề án mở rộng sân bay này. 

Liên quan tới việc thuê tư vấn nước ngoài, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chi phí dự kiến vào khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị này thông tin sẽ không dễ để mời các đơn vị tư vấn thiết kế có tiếng trên thế giới vì “gói thầu không lớn”. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thuê tư vấn nước ngoài là không cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Mùi - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho rằng việc thuê tư vấn nước ngoài khảo sát là không cần thiết và có thể làm chậm tiến độ triển khai mở rộng Tân Sơn Nhất trong khi việc này hiện rất cấp thiết.

Theo ông Mùi, dù không nên xây đường băng số 3 nhưng có thể xem xét thu hồi sân golf, triển khai mở rộng cả về phía bắc và phía nam để xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật.

Còn TS Phạm Sanh – chuyên gia về giao thông tại TP.HCM cho rằng không nên để chậm trễ quá trình mở rộng Tân Sơn Nhất và không bỏ phí nghiên cứu của Bộ GTVT. Do đó, nên triển khai mở rộng ra phía nam trước và song song với đó là công tác nghiên cứu việc thu hồi sân golf để mở rộng phía bắc. Theo các chuyên gia, trong lúc chờ được giải cứu, sự tắc nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang gây lãng phí lớn.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2016, do sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, chi phí khai thác của hãng tăng thêm 188 tỷ đồng.

Có nên xây dựng đường băng thứ 3?

Đã có những ý kiến trái chiều quanh đề xuất của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống làm đường băng thứ 3 trên phía đất thu hồi từ sân golf và có khoảng cách với đường cất/hạ cánh (CHC) số 1 hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không – đơn vị độc lập thẩm tra điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng 2030 nếu xây dựng đường băng số 3 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

“Nếu xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng - an ninh, an sinh - xã hội và quy hoạch của TP.HCM. Đặc biệt, kinh phí xây dựng quá tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài” - ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, để nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận chuyển hành khách tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị chấp thuận phương án điều chỉnh quy hoạch theo phương án là xây dựng đường lăn song song và đường lăn nối giữa; Xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 15 triệu khách và xây dựng khu bãi đỗ, bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc với tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng, thời gian xây dựng dự kiến 2 - 3 năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem