Chậm thủ tục, dự án hạ tầng kéo dài: Chỉ có 2 lựa chọn!

24/09/2019 11:47 GMT+7
Ách tắc, khó khăn trong các thủ tục hành chính khiến hàng loạt dự án hạ tầng, dự án bất động sản bị đình trệ, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Dự án nhà ở giảm hơn 82%

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích 2,23 ha và 924 căn hộ. Số lượng dự án mới giảm 16 dự án, tương ứng giảm 84,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tương ứng giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%, căn hộ bình dân giảm 34,7%. Đặc biệt trong quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền nào được đưa ra thị trường.

“Hiệp hội rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường BĐS thành phố, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp (DN) đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ quả là nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường BĐS, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn. Đối với phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cũng nhận định hiện nay hệ thống luật pháp liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng rất nhạy cảm, được ví như “mớ bòng bong”. Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh cho DN. Từ đó khiến cán bộ thụ lý, giải quyết hồ sơ không biết phải thực hiện theo quy định nào mới đúng. Hiện tâm lý sợ sai, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, tốt nhất là xin ý kiến cấp trên chính là “điểm nghẽn lớn” cho cả nền kinh tế.

Tháo nút thắt quản lý

Việc chậm trễ trong quá trình phê duyệt các thủ tục dự án hạ tầng hay BĐS đang diễn ra ở nhiều nơi, khiến DN khốn đốn và một phần gây ra tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), phân tích trên thực tế, có nhiều dự án thu gom, tập hợp đất đai rất lâu và nguồn gốc khá phức tạp. Do đó việc thẩm tra, xem xét các dự án sẽ mất nhiều thời gian và gần đây quy trình này được đánh giá kỹ hơn. Đây cũng là mặt tốt để hạn chế những dự án chưa hoàn thiện pháp lý theo đúng quy định, gây rủi ro cho người mua. 

Tuy nhiên, quan trọng hơn là do có quá nhiều văn bản liên quan đến BĐS và xây dựng chồng chéo nhau. Các quy định lại thuộc quyền xử lý của nhiều sở ngành khác nhau nên buộc các DN phải chạy vòng quanh, mất thêm nhiều thời gian và chi phí. Bản thân các sở ngành lại lo sợ trách nhiệm nên cứ chần chừ hỏi ý kiến bên này bên kia.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận xét ngoài các thủ tục lằng nhằng, chồng chéo thì hiện nay tình trạng hệ thống công quyền nhiều địa phương đang hoạt động chậm lại. Nguyên nhân là các quy định về quyền hạn và trách nhiệm chưa rõ ràng. Người có quyền phê duyệt các dự án... sợ rủi ro khi nguy cơ chịu trách nhiệm quá lớn.

Để giải quyết tình trạng này chỉ có 2 lựa chọn. Đó là tách rời quyền hạn và trách nhiệm, không quy trách nhiệm cho người có quyền phê duyệt dự án. Hai là quy định rõ quyền hạn gắn liền với trách nhiệm của bộ máy quản lý. Người có quyền xử lý các công việc thế nào thì sẽ biết rõ nếu có sai phạm sẽ bị xử lý ở mức độ nào. Từ đó mỗi cá nhân sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn dựa trên các quy định cụ thể.

“Lựa chọn phương án một thì đưa bộ máy nhà nước quay lại như cũ là không ai chịu trách nhiệm khi có sai sót, thất thoát ngân sách... là không được. Như vậy chỉ có cách thứ hai là phải đưa ra các quy định rõ ràng cụ thể. Dường như các nơi đang lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng việc này phải được thực hiện từ T.Ư xuống địa phương theo nguyên tắc phân quyền quản lý nhà nước chứ không thể đi ngược từ dưới lên”, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa đề nghị: Cần có một cơ quan làm đầu mối để giải quyết các bất cập hiện nay. Bởi nếu để các DN càng chạy lòng vòng thì lại càng tắc.

Đồng thời, nhà nước phải có một cơ quan độc lập để rà soát lại toàn bộ khung pháp lý liên quan đến thủ tục dự án BĐS, hạ tầng, xây dựng để đưa ra hướng sửa đổi đồng bộ.

Báo Thanh niên
Cùng chuyên mục