Chân dung 4 lãnh đạo cấp cao mới vào HĐQT VNG của ông Lê Hồng Minh

An Vũ Chủ nhật, ngày 11/12/2022 16:14 PM (GMT+7)
Cùng 4 gương mặt mới vừa được bầu, HĐQT của VNG sẽ có 6 người, trong đó ông Lê Hồng Minh làm Chủ tịch HĐQT và ông Vương Quang Khải là thành viên HĐQT.
Bình luận 0

Hồ sơ khủng của 4 thành viên mới HĐQT của VNG

Kỳ lân Công ty CP VNG vừa công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Theo đó, cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT, đồng thời bổ sung 4 thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2022-2025.

Theo đó, 3 thành viên HĐQT được thông qua miễn nhiệm là ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won và ông Vũ Việt Sơn.

 4 ứng cử viên VNG được bầu bổ sung gồm: ông Nguyễn Lê Quốc Anh, ông Võ Sỹ Nhân, bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat.  4 lãnh đạo cấp cao này đều là người từng có kinh nghiệm điều hành nhiều doanh nghiệp lớn.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh tốt nghiệp tiến sỹ công nghệ hạt nhân tại Đại học Purdue bang Indiana và thạc sỹ tại Đại học bang California (Mỹ). Ông từng là CEO của Ngân hàng Techcombank (9/2016-9/2020).

Trước khi đầu quân cho Techcombank, ông từng giữ các vị trí cấp cao tại T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Fortress Investment Group, McKinsey.

Giai đoạn 2016 - 2019, dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh, lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng trưởng bình quân 63%/năm. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 19%/năm; trong khi vốn chủ sở hữu tăng bình quân 42%/năm.

Chân dung 4 lãnh đạo cấp cao mới vào HĐQT VNG của ông Lê Hồng Minh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh

Ông Võ Sỹ Nhân có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản. Hiện ông đang là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập quỹ GAW NP Capital, Phó Chủ tịch Công ty Tiến Phước.

Được thành lập vào năm 2019, Gaw NP Capital là một liên doanh giữa Gaw Capital Partners và NP Capital Partners chuyên tập trung vào các hoạt động phát triển bất động sản và quản lý đầu tư tại Việt Nam. Theo giới thiệu từ website của Gaw NP Capital, danh mục đầu tư của quỹ đã trải rộng khắp các lĩnh vực bất động sản từ nhà ở, thương mại, bán lẻ, khách sạn, công nghiệp đến trung tâm dữ liệu. Cụ thể có thể kể đến các dự án như: Empire City, Onehub Saigon, 1hub Data Center, Lim Tower, Hyatt Regency Đà Nẵng, Indochina Plaza Hà Nội...

Bà Christina Gaw hiện là người điều hành chính của Gaw Capital Partners. Đây là một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông, hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 34,3 tỷ USD tính đến quý 2/2022. Các khoản đầu tư của Gaw Capital Partners trải rộng trên toàn bộ các lĩnh vực bất động sản, bao gồm phát triển khu dân cư, văn phòng thương mại, trung tâm bán lẻ, khách sạn, kho hậu cần và các dự án IDC.

Ngoài ra, bà còn là Giám đốc điều hành Pioneer Global Group và Giám đốc không điều hành độc lập CLP Holdings.

Chân dung 4 lãnh đạo cấp cao mới vào HĐQT VNG của ông Lê Hồng Minh - Ảnh 2.

Bà Christina Gaw

Bà Christina Gaw có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đầu tư và ngân hàng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bà từng làm việc tại các ngân hàng hàng đầu thế giới như: UBS và Goldman Sachs. Bà từng được Forbes vinh danh Top 25 nữ doanh nhân mới nổi của Châu Á vào năm 2008.

Ông Edphawin Jetirawat hiện là Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Temasek - quỹ đầu tư hàng đầu Singapore từng rót vốn vào VNG, Vinhomes... Trước đó, ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch quỹ đầu tư Lombard Investment.

Như vậy, cùng 4 gương mặt mới, HĐQT của VNG sẽ có 6 người, trong đó ông Lê Hồng Minh làm Chủ tịch HĐQT và ông Vương Quang Khải là thành viên HĐQT.

4 kỳ liên tiếp VNG lỗ đậm

Trong quý III/2022, VNG đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021, lỗ sau thuế quý 254,5 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 31,8 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 150 tỷ đồng. Với kết quả này, đây là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận lỗ đậm.

Lũy kế 9 tháng, VNG ghi nhận doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 764 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái lãi 196 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, VNG mới hoàn thành khoảng 56% kế hoạch doanh thu năm 2022, còn lợi nhuận sau thuế âm theo kế hoạch là khoảng 993 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VNG giảm nhẹ so với đầu năm xuống 9.189,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 55,8% với 5.126 tỷ đồng, giảm 29,5% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền biến động không đáng kể với 2.448,6 tỷ đồng, đáng chú ý khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn sụt giảm mạnh 67,5% còn 837,6 tỷ đồng, đây là các khoản tiền gửi tại ngân hàng tương mại có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm và hưởng lãi suất dao động đến 5,6%. Như vậy trữ tiền của VNG "bốc hơi" hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm.

Phải thu ngắn hạn khác giảm một nửa xuống 504 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 59% xuống gần 71 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn tăng mạnh lên hơn 107% lên hơn 4.063 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng mạnh, trong đó đầu tư vào công ty liên kết tăng gần 360% lên 1.273 tỷ đồng, đầu tư vào các đơn vị khác đạt hơn 278 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 24% lên 3.610 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 2.671,5 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; trong đó chi phí phải trả ngắn hạn tăng 41,4% lên 1.353 tỷ đồng. Nợ dài hạn tăng 74,5% lên 939 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG vào các công ty liên kết đã lên tới hơn 603 tỷ đồng, tăng hơn 82 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy, VNG hiện đang nắm hơn 65% vốn Công ty Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay). Công ty đã đầu tư vào Zion hơn 2.560 tỷ đồng, tăng 680 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty đã trích lập thêm 214 tỷ đồng vào cuối quý 2, nâng tổng trích lập lên gần 2.060 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNG còn phải gánh thêm các khoản lỗ từ công ty liên kết khác. Đến cuối tháng 9, công ty lỗ lũy kế tới 510 tỷ đồng tại Tiki Global, 46 tỷ đồng tại Telio, 21 tỷ đồng tại Funding Asia và 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem