Ông Lê Triệu Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

An Linh Thứ tư, ngày 29/03/2023 14:25 PM (GMT+7)
Sáng nay 29/3, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã công bố, trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.
Bình luận 0

Ông Lê Triệu Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Theo đó, ông Lê Triệu Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ngoài Chủ tịch Lê Triệu Dũng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia còn có 3 Phó Chủ tịch, bao gồm: Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên và ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Ông Lê Triệu Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - Ảnh 1.

Tân Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng (Ảnh Bộ Công Thương).

Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, ông Lê Triệu Dũng từng giữ chức Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại từ ngày 24/12/2018. 

Ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thay ông Lê Triệu Dũng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.

Được biết, dàn lãnh đạo của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia còn có 7 thành viên gồm: Ông Ngô Đức Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại; Ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương; Bà Lê Thị Hoàng Thanh - Vụ phó Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); bà Hồ Phương Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Lê Triệu Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - Ảnh 2.

Tân Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia ông Lê Triệu Dũng (Ảnh Bộ Công Thương).

5 nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Tại Hội nghị triển khai nghị định số 03/2023/NĐ-CP và QUyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tham mưu kiện toàn các tổ chức đoàn thể và bộ máy giúp việc.

Hai là, xây dựng kế hoạch hành động, chương trình công tác, quy chế hoạt động cụ thể để triển khai công việc hiệu quả ngay từ những ngày đầu hoạt động, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Ba là, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải chú trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp.

Bốn là, Uỷ ban này cần tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động về tố tụng cạnh tranh và quản lý nhà nước về cạnh tranh để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.

Ông Lê Triệu Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - Ảnh 3.

Ban lãnh đạo, thành viên Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Ảnh Bộ Công Thương).

Trước đó, ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, trong đó từ 1/12/2022, Bộ Công Thương sẽ có 28 đầu mối, giảm hai đầu mối so với hiện nay, trong đó có 01 Tổng cục, 10 Cục, 10 Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ và các đơn vị sự nghiệp khác.

Ở lần thay đổi cơ cấu tổ chức này, Bộ Công Thương sẽ có thêm đầu mối mới là Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia.

Ngày 10/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia. Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng và Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được xem là mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp hiện nay cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tố tụng, tài phán. Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Công Thương, nhiệm kỳ 5 năm.

Ủy ban là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tân Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng sinh năm 1978, tốt nghiệp Thạc sĩ Chính sách và phân tích kinh tế tại Anh.

Ông Dũng có thời gian công tác công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2001 ở các đơn vị như: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Cục Phòng vệ thương mại.

Ông Lê Triệu Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) từ tháng 12/2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem