Chẳng cần Trump kêu gọi, Doanh nghiệp Mỹ cũng đang dần chia tay Trung Quốc
Hôm 23.8, Tổng thống Trump qua Twitter ra lệnh cho các công ty Mỹ ngay lập tức chuẩn bị phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả việc rút mọi hoạt động sản xuất kinh doanh về Mỹ sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế số hàng hóa trị giá 75 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ. Ông Trump thậm chí trích dẫn đạo luật Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp IEEPA ban hành năm 1977 với điều khoản ngăn chặn hoạt động của một số công ty riêng lẻ hoặc toàn bộ thành phần kinh tế trong trường hợp hoạt động đó vi phạm nghiêm trọng lợi ích thương mại của Mỹ để thúc giục các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.
Ngay sau lời kêu gọi của Trump, chứng khoán Mỹ chao đảo, Dow Jones giảm hơn 600 điểm. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có một vị Tổng thống nào ngoài Trump viện dẫn IEEPA như một đòn bẩy, một vũ khí trong tranh chấp thương mại như hiện tại. Kể từ khi được ban hành đến nay, IEEPA chủ yếu được dùng để truy tố tội phạm ma túy hoặc khủng bố tài chính xuyên biên giới.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng nếu Trump thật sự làm mạnh tay trong chuyện ép các doanh nghiệp Mỹ về nước, họ có thể đâm đơn kiện Chính phủ vì quyền lợi kinh tế to lớn bị mất đi. Bên cạnh Apple, gã khổng lồ công nghệ từng nhiều lần bị Trump “bóng gió” vì dây chuyền sản xuất lắp ráp tại Trung Quốc, thì General Motors mới đây cũng “lọt mắt xanh” ngài Tổng thống vì dây chuyền sản xuất ô tô quan trọng tại quốc gia Đông Á này. Trump sau đó đề nghị GM xem xét chuyển dây chuyền về nước, y như những gì ông đã làm với Apple.
Trong khi nhiều doanh nghiệp Mỹ phản ứng khá mạnh trước lời kêu gọi của Tổng thống, các quan chức Mỹ lại tỏ ra đồng tình. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng: “Đôi khi chúng ta cần những biện pháp nghiêm khắc”. Ông này đồng thời lưu ý các doanh nghiệp nên nghiêm túc xem xét lời kêu gọi rời khỏi Trung Quốc của Tổng thống.
Sản xuất của Trung Quốc suy yếu
Trước khi thương chiến Mỹ Trung nổ ra, một số tập đoàn đã quyết định rời khỏi thị trường Trung Quốc do hàng loạt nguyên nhân như chi phí cho lao động tăng lên, quy định đầu tư kinh doanh chặt chẽ hơn và tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm tốc. Tất nhiên, cùng với cuộc chiến tranh thuế quan của Trump, áp lực giờ đây đã tăng lên gấp bội. Các Doanh nghiệp Mỹ hoàn toàn có lý do để suy nghĩ lại về thị trường Trung Quốc.
Kết quả cuộc khảo sát hàng năm được thực hiện vào tháng 6.2019 bởi Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung chỉ ra gần 30% trong số 220 doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã trì hoãn hoặc hủy bỏ đầu tư vào Trung Quốc và Mỹ do những bất ổn thương mại. 13% cho biết họ có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Năm 2017, chỉ có 8% doanh nghiệp có ý định này và con số ấy năm 2018 là 10%. Rõ ràng, tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc đang tăng lên.
Đáng nói hơn, 14% số doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự bi quan về môi trường kinh doanh của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Con số này năm 2018 chỉ là 9%.
Một nhà máy sản xuất giày ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
Chia tay Trung Quốc: điều viển vông?
Quyết định áp thuế 550 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ nay đến cuối năm của ông Trump đồng nghĩa với việc gần như tất cả hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc đều bị áp thuế. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là một trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Không ngạc nhiên vì sao các nhà kinh tế liên tục cảnh báo nguy cơ suy thoái đến gần.
Ngay từ khi thương chiến leo thang, nhiều công ty Mỹ đã bắt đầu kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tất nhiên, ngay cả khi Doanh nghiệp Mỹ lên kế hoạch tìm kiếm các phương án thay thế cho Trung Quốc, chỉ một số ít công ty dự định chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất kinh doanh khỏi quốc gia này. Trung Quốc từ lâu đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, được mệnh danh là thị trường tỷ dân, công xưởng của thế giới. Sản xuất của quốc gia Đông Á này chiếm tới 25% tổng khối lượng hàng hóa sản xuất trên toàn thế giới. Có lý do để truyền thông Trung Quốc cảnh báo Doanh nghiệp Mỹ rằng rời khỏi thị trường này chẳng khác nào “tự sát”.
Một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia gần đây nổi lên như điểm thu hút làn sóng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư và dây chuyền sản xuất thay thế cho Trung Quốc. Vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc, nguồn nhân công rẻ...đã biến các quốc gia này thành sự lựa chọn mới đầy tiềm năng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao và cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu lại trở thành bài toán khó.
Một ví dụ cụ thể, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ chắc chắn không sẵn lòng từ bỏ thị trường Trung Quốc sau khi mở nhà máy sản xuất máy bay phản lực 737 Max tại quốc gia này hồi cuối năm 2018. Ước tính mỗi năm, Boeing sẽ bổ sung hơn 1 tỷ USD vào nền kinh tế Trung Quốc, nên việc ông Trump hy vọng hãng trở về Mỹ là điều chắc chắn. Tuy nhiên, việc di dời dây chuyền sản xuất không chỉ tốn kém hàng tỷ USD mà còn có nguy cơ khiến Boeing thất thủ trước Airbus - đối thủ đang cạnh tranh mạnh mẽ với Boeing về thị phần ngành hàng không máy bay.
Hay Apple, gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đang sở hữu dây chuyền sản xuất lắp ráp khổng lồ tại Trung Quốc. Foxconn, một trong những đối tác lớn nhất của Apple hiện là nhà sản xuất lắp ráp trực tiếp khâu cuối cùng tạo nên sản phẩm iPhone, với hệ thống 29 nhà máy và hàng triệu công nhân lao động. Ước tính, khoảng 50% nhà sản xuất, cung cấp đang hợp tác với Apple đều đặt trụ sở tại Trung Quốc. Việc ép Apple rời khỏi Trung Quốc lúc này sẽ dọn chỗ cho các đối thủ như Samsung chiếm lĩnh thị phần, hạ bệ vị thế của nhà Táo Khuyết. Trong năm nay, Apple đã lên tiếng yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá tác động và chi phí trong trường hợp dịch chuyển 15-30% năng lực sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á khác, do sức ép thuế quan từ Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, việc rút chân hoàn toàn khỏi thị trường tỷ dân là điều gần như không thể.
Cũng như Apple, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như HP hay Dell được cho là đang xem xét chuyển khoảng 30% dây chuyền sản xuất laptop ra khỏi Trung Quốc. Hồi cuối tháng 8, có nhiều nguồn tin cho rằng Google dường như đang lên kế hoạch chuyển hẳn dây chuyền sản xuất smartphone Pixel - thương hiệu smartphone lớn thứ 5 tại Mỹ - từ Trung Quốc sang Việt Nam. Kế hoạch dịch chuyển có thể bắt đầu ngay mùa thu này hoặc muộn hơn. Bên cạnh smartphone Pixel, Google cũng xem xét chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất phần cứng sang Việt Nam.
Ted Decker, Phó chủ tịch Home Depot hôm 20.8 cho hay: “Tôi thấy rõ hàng trăm công ty đang chuyển dịch một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đó là lý do chúng tôi xem xét chuyển dịch một phần sang các thị trường lân cận như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia…, hoặc thậm chí là về Mỹ”.
Rời Trung Quốc cũng không quay đầu về Mỹ
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Mỹ, chỉ có một nhóm rất ít các công ty có kế hoạch quay lại Mỹ sau khi chuyển dịch khỏi thị trường Trung Quốc.
Việt Nam từ lâu đã nổi lên như một trong những quốc gia hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ Trung. Tăng trưởng GDP Việt Nam đại 6,7% trong quý II.2019, vượt xa mức tăng trưởng 6,2% của Trung Quốc. Giấy phép xin đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng tăng vọt 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt Doanh nghiệp như hãng may mặc Chico, nhà sản xuất nước hoa Sensient Technologies, nhà cung cấp phụ tùng ô tô Genuine Parts Company và nhà sản xuất máy móc công nghiệp Ingersoll-Rand… đều đang lên kế hoạch cho dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Còn các Doanh nghiệp Mỹ đã đặt chân tới Việt Nam từ trước, như Carthage hay Leggett & Platt giờ đây đang tăng cường mở rộng dây chuyền sản xuất mặc dù xét một cách công bằng, các CEO đều thừa nhận năng lực sản xuất của nhà máy tại Việt Nam hiện chưa thể bằng Trung Quốc.
Cùng với Việt Nam, các thị trường Đông Nam Á khác cũng đang thu hút dòng dịch chuyển đầu tư đáng kể. iRobot, công ty công nghệ nổi tiếng với dòng máy hút bụi robot Roomba đang lên kế hoạch chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Malaysia trong bối cảnh thương chiến leo thang. Công ty thời trang danh tiếng Colin Angle thì đã bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia vào năm 2015.
Mexico, đất nước láng giềng với Mỹ cũng nhận được nhiều sự chú ý, đặc biệt là từ các công ty phụ tùng ô tô và linh kiện công nghệ. Juniper Networks và Microchip Technology đều đã chuyển sản xuất đến Mexico để tránh tác động trực tiếp của thuế quan mà ông Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Rời Trung Quốc không phải giải pháp triệt để
Một nhà máy may mặc tại KCN Đại Từ, Thái Nguyên
CEO Stanley Szeto từ Lever Style, một doanh nghiệp may mặc có trụ sở tại Hồng Kông cho rằng thay vì đơn giản là chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, các Doanh nghiệp tốt nhất nên tìm cách phân tán rủi ro chuỗi cung ứng. Ông Stanley viện dẫn cách hành xử đầy ngẫu hứng của ông Trump: “Biết đâu năm tới ông ta có thể áp thuế Việt Nam hay tuyên bố cấm vận với vài quốc gia khác thì sao? Vì vậy, chìa khóa là sự linh hoạt và nhạy bén. Hãy phân tán rủi ro địa chính trị bằng cách xem xét nhiều quốc gia hơn cho chuỗi cung ứng”.
Lever Style từng chọn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy sản xuất trong hàng thập kỷ, nhưng vấn đề chi phí tăng cao đã khiến Doanh nghiệp này suy nghĩ lại. Giờ đây, Lever Style có nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Campuchia và Indonesia.
Không chỉ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Lever Style còn ngày càng hoàn thiện khâu quản lý và sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực thay vì hoạt động độc lập, riêng lẻ. Nhờ vậy, hãng đang có hợp tác với hàng loạt thương hiệu thời trang danh giá như Coach và Paul Smith.
“Trước đây, để xây dựng một nhà máy, người ta mất nhiều năm để mua đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm lao động… Giờ đây, chúng tôi vận hành mọi thứ theo cách linh hoạt hơn. Tuy nhiên, đặc thù ngành sản xuất may mặc là đòi hỏi nhiều lao động tay nghề cao. Đây là yếu tố hạn chế tính linh hoạt của doanh nghiệp” - CEO Stanley Szeto nhận định. “Chúng tôi liên tục đánh giá và xem xét những phương án tối ưu nhất mang lại hiệu quả, chi phí và sự linh hoạt cao” - ông chia sẻ về phương thức đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà Lever Style đang theo đuổi.