Chàng trai 8X “ôm” hàng chục tỷ đồng về “phù phép” vùng đất hoang thành nông trại

Hồng Cảnh Thứ năm, ngày 21/01/2021 04:55 AM (GMT+7)
Nhìn nông trại rộng mênh mông với đủ các loại trái cây sai trĩu trịt được ứng dụng công nghệ mới hiện đại bậc nhất tại một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, ít ai biết được đó là tâm huyết của chàng trai thành phố, trước đây chưa một ngày làm nông nghiệp.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên ở thành phố, trải qua nhiều công việc khác nhau với mức thu nhập cao nhưng anh Nguyễn Văn Vy (SN 1981 tại Thanh Hóa) luôn đau đáu trong mình ước mơ được sống trong căn nhà với khu vườn ngập tràn hoa trái, được hít thở bầu không khí trong lành và sớm sớm được nghe ríu rít tiếng chim kêu.

Vừa làm vừa tích lũy vốn và tìm hiểu thổ nhưỡng của từng vùng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, anh Vy quyết định dừng chân lập nghiệp tại thôn Thung Lai, thuộc thị trấn Vân Du (Thạch Thành).

img

Đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Vy đã thuê lại hơn 34 ha đất hoang hóa để lập thành vùng chuyên canh cây có múi.

“Tôi được các cụ cao niên trong xã kể lại, trước đây vùng đất này từng là “thủ phủ” cây ăn quả có múi với những vườn cam với phong vị thơm ngon nổi tiếng. Có thời, các nông trường quốc doanh ở vùng đất này đã trồng cam xuất khẩu sang Đông Âu. Nhưng sau đó, những vườn cam dần biến mất và được thay thế bằng cây luồng rồi chuyển sang mía nguyên liệu rồi thành mảnh đất hoang hóa từ lúc nào không hay”, anh Vy cho biết.

Nghiên cứu và nhận thấy đây là vùng đất đỏ bazan cực kỳ màu mỡ, anh Vy đã tìm đến Thung Lai đặt vấn với chính quyền và các hộ dân để mua và thuê lại đất canh tác đã hoang hóa để lập thành vùng chuyên canh cây có múi.

img

Nông trại được xây dựng bài bản, có cả khu nhà ở cho công nhân và khu vực dừng nghỉ dành cho khách tham quan.

Khi đã tích luỹ được 34 hecta, anh bắt đầu triển khai đầu tư nông trang trong suốt 3 năm trời. Trong thời gian xây dựng, anh đã bỏ công tìm đọc các tài liệu, đi tham khảo thực tế tại các vùng chỉ dẫn địa lý cây có múi nổi tiếng trong nước để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh cũng lặn lội khắp nơi “thọ giáo” các cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm thực tế triển khai thành công các trang trại cam sạch để ứng dụng, triển khai tại nông trang của mình.

Bắt tay vào làm, anh đã cùng với cán bộ kĩ thuật tính toán tối ưu hoá diện tích, đánh luống từng vị trí cây trồng. Vừa san lấp vừa mua đất màu ở các mỏ đất trong khu vực về cải tạo đất trồng, đào rãnh thoát nước, tạo đường đi bộ cho công nhân tiện chăm sóc, thu hoạch. Anh còn cho xây bể nước, trại phân trùn quế hữu cơ, nhà ở cho công nhân cũng như khu vực dừng nghỉ dành cho khách đến tham quan trang trại.

img

Các loại cây ăn quả trồng tại nông trại luôn đảm bảo tiêu chí 3 không: Không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không dùng chất kích thích tăng trưởng.

Với tiêu chí, nói không với phân bón hoá học, anh Vy đã đầu tư khu chuồng trại nuôi giun trùn quế hữu cơ với quy mô 6000 m2. Tận dụng rỉ mật và phụ phẩm mía của nhà máy mía đường gần đó để nuôi giun, mỗi năm khu chuồng trại này có thể sản xuất ra khoảng 4.000 tấn phân trùn quế để bón trực tiếp cho cây trồng và khoảng 5.000 lít dịch giun quế để ủ với đậu tương, xỉ than để thay thế cho phân đạm giúp cây cam, cây bưởi sinh trường và phát triển tốt hơn.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, toàn bộ cây ăn trái tại nông trại được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến của Israel với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho cây cam và tưới xoay phun tia cho cây bưởi. Vì thế, nhu cầu nước cho cây sinh trưởng luôn được cung cấp đầy đủ, tiết giảm được tối đa chi phí, nhân công lao động.

img

Nông trại được làm đường rộng đến từng khu vực để thuận tiện trong việc thu hoạch.

img

Ngoài trồng các loại cây có múi, anh Vy còn nuôi ngựa và lạc đà.

Nói không với thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, với sự giúp đỡ và tư vấn của các kỹ sư nông nghiệp, anh Vy đã sử dụng công nghệ bẫy, tiêu diệt côn trùng bằng đèn HB hắt sáng. Đặc biệt, ánh sáng của loại đèn này làm nổ mắt một số loại côn trùng gây hại được anh triển khai thành công.

Tận dụng lượng cỏ sạch dưới gốc cam, gốc bưởi, anh Vy đã đầu tư mua hơn 20 con ngựa và lạc đà các loại để chăn nuôi tại nông trại. Vừa có nguồn phân hữu cơ để nuôi giun quế vừa tăng thêm giá trị kinh tế cũng như đa dạng hóa các loại cây con được nuôi tại nông trại.

img

Nông trại tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động với mức lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Sau 3 năm, nông trại của anh với gần 40.000 gốc cam bưởi các loại theo công nghệ mới, trong đó có khoảng 8.000 gốc bưởi da xanh; 9.200 gốc cam Vinh; cam đường 9.500 gốc; 3.000 gốc cam trái vụ và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao đã cho thu hoạch những quả vàng đầu tiên theo chuẩn organic. Số lượng cam, bưởi tại nông trại thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó với giá từ 30-35.000 đồng/kg.

img

Những quả vàng đầu tiên tại nông trại được trồng theo hướng hữu cơ.

Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Vy cho biết, làm nông nghiệp mà lại là nông nghiệp sạch thì để có kết quả phải trải qua những chuỗi ngày vô cùng vất vả. “Lúc nào tôi cũng tự động viên mình phải cố gắng hết mình rồi đất sẽ không phụ lòng người”, anh Vy bộc bạch.

“Ôm” hơn 30 tỷ về quê, biến mảnh đất bán sơn địa hoang vu thành nông trại bao la tràn đầy sự sống với hàng chục nghìn gốc gây ăn trái đang vươn mình sinh sôi, nảy nở trong khu vườn hạnh phúc, tình yêu, niềm đam mê và nỗ lực của mình, anh Vy đã và đang nhận về những trái ngọt, làm giàu đẹp hơn cho chính quê hương của mình và cho đất nước.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem