Châu Âu thiếu vắc xin Covid-19 trầm trọng, Mỹ tuyên bố không đưa vắc xin đến EU
EU giữa mối lo sợ làn sóng dịch bệnh tiếp theo và thiệt hại kinh tế khủng khiếp
Các nhà lãnh đạo EU đang ngập trong những lời chỉ trích về một chương trình tiêm chủng chậm chạp và mối quan ngại làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát.
Từ Paris cho đến Praha, những ca nhiễm mới đang tăng lên nhanh chóng. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến việc số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao tại EU trong tuần này là do sự lây lan của nhiều biến chủng virus từ các nước Tây Âu như Pháp cho đến Đông Âu như Hungary.
Pháp đã báo cáo 30.303 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 10/3, lần đầu tiên trong vòng 2 tuần số ca nhiễm mới ở quốc gia này vượt mốc 30.000. Các chuyên gia y tế cho hay hệ thống bệnh viện ở khu vực quanh Paris đã gần chạm mốc quá tải. Trong khi đó, Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan đều ghi nhận sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm mới; điều khiến các chính phủ Đông Âu khẩn trương thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Bulgaria và Serbia cũng nằm trong số các quốc gia có số ca bệnh tăng cao cùng với Thụy Điển và Ý.
Trong khi mối nguy cơ dịch bệnh nóng lên và làn sóng chỉ trích ngày càng lan rộng, không có nhiều thời gian cho các nhà lãnh đạo EU nhìn lại những thiệt hại trong một năm tồi tệ vừa qua. Nhưng cho đến nay, thống kê cho thấy đã có ít nhất 547.000 người châu Âu chết vì đại dịch Covid-19 cùng vô số người mất việc làm khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh EU, đã có hơn 22,5 triệu ca nhiễm Covid-19 được báo cáo ở EU cho đến nay. Đại dịch cũng buộc hầu hết các quốc gia EU thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như đóng cửa phần lớn nền kinh tế ngoại trừ các cửa hàng, siêu thị bán nhu yếu phẩm. Một số quốc gia thậm chí phải đóng cửa thêm lần nữa khi biến chủng virus xuất hiện và lây lan mạnh mẽ trong mùa đông đen tối vừa qua. Dữ liệu sơ bộ từ Eurostat - cơ quan dữ liệu của khối cho thấy đại dịch đã làm sụt giảm 6,8% GDP trên toàn khu vực đồng EURO trong năm 2020. Cũng theo Eurostat, vẫn có khoảng 15,6 triệu công dân EU thất nghiệp vào thời điểm tháng 1/2021.
Mỹ: Không có chuyện vận chuyển vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đến EU
Trong bối cảnh đó, tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn EU vẫn chậm một cách đáng kể nếu so sánh với Anh - quốc gia vừa ly khai EU hay Mỹ - đồng minh thân cận của EU bên kia bờ Đại Tây Dương. Dữ liệu mới nhất từ Pháp cho thấy chỉ có 4,1 triệu người dân đã được tiêm mũi đầu vắc xin Covid-19 tính đến ngày 9/3. Con số này ở Anh tại cùng thời điểm là 22,8 triệu người.
Nguy cơ làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát đã khiến một số quốc gia tìm cách “vượt mặt” quy tắc chung của khối bằng cách cho phép sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga, dù dòng vắc xin này hiện vẫn được cơ quan dược phẩm của khối chấp thuận.
Tiến độ triển khai vắc xin chậm được đổ lỗi do việc EU đặt mua vắc xin trên cơ sở toàn khối thay vì các quốc gia riêng biệt. Thêm vào đó, tổng nguồn cung vắc xin cho khối cũng đang đối diện sự thiếu hụt nghiêm trọng.
Trước đó, AstraZeneca đã thông báo sẽ cắt giảm ít nhất một nửa nguồn cung vắc xin Covid-19 đến EU trong quý II xuống chỉ còn 90 triệu liều. AstraZeneca sau đó đã xoa dịu các quan chức EU bằng lời đề nghị bổ sung vắc xin từ các nguồn sản xuất bên ngoài châu Âu, bao gồm Mỹ. Nhưng mới đây, Washington đã gửi thông điệp tới EU rằng khối này không nên mong đợi sẽ sớm nhận được vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại Mỹ - một đòn giáng mới vào nguồn cung vắc xin vốn đã mong manh của khối.
Một quan chức cấp cao EU, người trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán vắc xin giữa EU và Mỹ cho hay: “Phía Mỹ đã tuyên bố rằng sẽ không có chuyện họ vận chuyển vắc xin AstraZeneca đến EU”.