Cháy rừng kinh hoàng ở Australia: bảo hiểm trả hàng nghìn tỷ bồi thường

06/01/2020 13:33 GMT+7
Cùng với sự bùng nổ của những trận hỏa hoạn tại Australia, hoạt động kinh doanh ở quốc gia Châu Đại Dương này cũng đang ngừng trệ khi các khu nghỉ dưỡng đóng cửa hàng loạt, các nhà máy sản xuất thiếu hụt nguyên liệu cùng hàng loạt yêu cầu bảo hiểm từ các cá nhân, tổ chức.
Cháy rừng kinh hoàng ở Australia: bảo hiểm trả hàng nghìn tỷ bồi thường  - Ảnh 1.

Cháy rừng kinh hoàng tại Australia là hiện tượng tự nhiên gây thiệt hại nặng nề hàng năm

Thống kê mới đây của Hội đồng bảo hiểm Australia (ICA) cho hay đã có tới 5.850 yêu cầu bảo hiểm liên quan đến ảnh hưởng và thiệt hại từ các vụ hỏa hoạn được nộp lên kể từ hồi đầu tháng 11 đến nay. Giá trị số thiệt hại được bảo hiểm ước tính lên tới 260 triệu USD (hơn 6.000 tỷ VNĐ). Trong bối cảnh hỏa hoạn tại Australia vẫn tiếp tục kéo dài dự kiến đến tháng 3-4/2020, số tiền bảo hiểm chắc chắn sẽ còn tăng gấp nhiều lần.

Tập đoàn bảo hiểm Australia thì dự kiến phải bỏ ra khoảng 400 triệu AUD (277,5 triệu USD) cho các khoản bồi thường rủi ro thiên nhiên trong 6 tháng cuối năm 2019.

Một tập đoàn bảo hiểm khác, Rival Suncorp thậm chí còn nhận được tới 1.500 yêu cầu bảo hiểm kể từ khi vụ cháy bắt đầu hồi tháng 11 đến nay, nhưng giá trị tiền bảo hiểm chưa được thống kê chính xác.

Cho đến nay, hỏa hoạn đã tàn phá hơn 6 triệu ha đất đai ở hai bang đông dân nhất nước Australia là New South Wales và Victoria, khiến 24 người thiệt mạng, phá hủy hàng ngàn tòa nhà và công ty, cắt đứt mạng lưới điện và sóng di động ở nhiều thị trấn. Hoạt động kinh doanh tại đây vì thế mà cũng bị đình trệ.

Tập đoàn Aspen chuyên quản lý các công viên du lịch ven biển bang New South Wales hôm 6/1 cho hay họ đã phải từ chối hàng loạt yêu cầu thuê phòng, vui chơi từ khách du lịch do ảnh hưởng của trận hỏa hoạn kinh hoàng. Dự kiến, trận hỏa hoạn sẽ làm thiệt hại ít nhất 350.000 USD doanh thu của công ty. “Vành đai lửa dọc theo bờ biển phía Nam bang New South Wales đã kéo theo những thảm họa cho hàng loạt cơ sở hạ tầng, nhà ở và cả cuộc sống con người” - phát ngôn viên của Aspen cho hay.

Khách du lịch và người dân đã được yêu cầu sơ tán trong một chiến dịch sơ tán lịch sử tại Australia. Đảo Kangaroo, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Châu Đại Dương này cũng chịu ảnh hưởng của thảm họa khi 2 khách du lịch đã chết trong vụ hỏa hoạn tuần qua. Chưa biết đến bao giờ, hoạt động du lịch mới trở lại bình thường. Dù cho những thiệt hại cơ sở vật chất là không đáng kể và có thể khắc phục trong ngắn hạn, nhưng nồng độ bụi trong không khí, chất lượng nguồn nước và cảnh quan...mới là những yếu tố đáng quan ngại.

Bega Cheese, một công ty sản xuất phô mai nổi tiếng của Australia thì tiết lộ nhà máy sản xuất sữa và phô mai của họ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ cháy rừng, khi nguồn cung nguyên liệu sữa không được đảm bảo. Cổ phiếu Bega Cheese đã tụt gần 9% trong phiên giao dịch hôm 6/1.

Vitalharvest Freehold Trust, doanh nghiệp cho thuê trang trại chứa rau củ lớn bậc nhất tại Australia mới đây cũng báo cáo thiệt hại một nhà kho, bao gồm cả thiết bị và phương tiện bảo quản do ảnh hưởng của hỏa hoạn. Kho bị thiệt hại chứa khoảng 6% trong tổng khối lượng hoa quả mà Vitalharvest Freehold Trust đang bảo quản. 

Tại bang Victoria, bang sản xuất khoảng 1/3 sản lượng sữa tại Australia, vụ hỏa hoạn kinh hoàng dự kiến sẽ tàn phá ngành công nghiệp chăn nuôi trị giá 3,3 tỷ USD của quốc gia này bằng việc giết chết số lượng lớn vật nuôi. Cho đến nay, gần nửa tỷ động vật đã chết trong ngọn lửa hung tàn bao trùm Australia, một con số kinh hoàng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục