Chế biến rau quả sẽ nâng giá trị, điều này ai cũng biết nhưng vì sao khó thực hiện?

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 01/11/2020 06:01 AM (GMT+7)
Đóng góp của chế biến vào việc tăng giá trị rau quả còn nhiều hạn chế, hiệu quả tác động đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng chưa mạnh. Công tác chế biến rau quả đang là nút thắt trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Bình luận 0

Làm thế nào để nâng cao tỷ lệ chế biến rau quả là chủ đề chính được đưa ra phân tích để tìm hướng tháo gỡ tại Hội nghị tham vấn cho Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), từ năm 2015-2019, ngành rau quả chế biến đã có bước phát triển mạnh so 5 năm trước khi tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 8-10%.

Chỉ có tăng cường chế biến, rau quả mới mở rộng được thị trường - Ảnh 1.

Phần lớn rau quả xuất khẩu đã qua chế biến, tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế chiếm tới 85%.

Nhờ công nghiệp chế biến rau quả tăng mà các mặt hàng xuất khẩu tăng bình quân 20-30%/năm trong 3 năm vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 3,74 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Qua đó, hình thành hệ thống cơ sở chế biến có công nghệ ngày càng hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trồng trọt, khu vực nông thôn, và đưa Việt Nam hội nhập thị trường thế giới. Tính đến năm 2019, cả nước đã hình thành hệ thống 157 cơ sở chế biến rau quả ở quy mô công nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo điều tra của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng công suất thiết kế của các cơ sở chế biến quy mô công nghiệp gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt 600.000-700.000 tấn sản phẩm/năm.

Chỉ có tăng cường chế biến, rau quả mới mở rộng được thị trường - Ảnh 2.

Chế biến thanh long ở nhà máy Lavifood tỉnh Long An

Còn theo báo cáo của các tỉnh, hiện có 10.000 hộ quy mô gia đình tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến, chiếm khoảng 40% sản lượng rau quả chế biến.

Khâu chế biến hiện nay chỉ mới sử dụng 8-10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Rau quả xuất khẩu đã qua chế biến, tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế chiếm tới 85%.

Đánh giá chung, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (CBPTTTNS), công tác chế biến rau quả chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, và vẫn đang là nút thắt trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

"Khâu chế biến chưa tác động nhiều đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ; chưa thực sự định hướng, dẫn dắt được cho khâu sản xuất nguyên liệu", ông Ngô Quang Tú – Trưởng phòng chế biến của Cục CBPTTTNS nói.

Chỉ có tăng cường chế biến, rau quả mới mở rộng được thị trường - Ảnh 3.

Sản phẩm thanh long chế biến ở Bình Thuận

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Công ty xuất khẩu trái cây Vina T&T cho biết, khâu bảo quản là vấn đề cần được tập trung quan tâm.

Công nghệ bảo quản càng tốt thì giá trị cao. Như trước đây, trái dừa ở Vina T&T chỉ bảo quản được 28 ngày thì cơm dừa bị đen. Nay khả năng bảo quản đã tăng lên 70 ngày, giúp đơn vị này xuất khẩu nhiều đơn hàng hơn.

"Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm cho những loại trái cây khác. Thêm nữa là khâu logistics trong nước còn nhiều hạn chế cần khắc phục", ông Tùng đề xuất.

Chỉ có tăng cường chế biến, rau quả mới mở rộng được thị trường - Ảnh 4.

Thương vụ Thái Lan tìm hiểu mặt hàng trái cây chế biến của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, năm nay xuất khẩu trái cây gặp nhiều khó khăn. Hi vọng thị trường sẽ ấm lên vào các tháng cuối năm.

Thứ trưởng khẳng định, dư địa xuất khẩu trái cây còn lớn và thời gian qua cũng đã có 1 số địa phương vươn mình khá tốt như Bình Phước, Sơn La...

"Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là khâu chế biến vì chỉ có chế biến thì mới có thêm cơ hội mở rộng thị trường", Thứ trưởng Doanh nói.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả nhưng chỉ mới chiếm tỷ lệ 15% là còn quá nhỏ bé. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách cho tái cơ cấu nhưng cần thiết phải có đề án riêng cho chế biến rau quả.

Chỉ có tăng cường chế biến, rau quả mới mở rộng được thị trường - Ảnh 5.

Thứ trưởng bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị tham vấn cho Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

"Ý kiến đóng góp từ thực tế sản xuất, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp, địa phương ở khu vực phía Nam sẽ đóng góp đáng kể cho việc hoàn thiện đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt", Thứ trưởng chia sẻ.

Dự thảo đề án phát triển thị trường chế biến rau quả giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên.

Tổn thất sau thu hoạch rau quả giảm bình quân 1-1,5 %/năm.

Trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến.

Công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp 2 lần so với năm 2020.

Thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến, bảo quản rau quả hiện đại với công nghệ sản xuất tiên tiến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, có sản lượng rau quả lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem