Chỉ đích danh loạt yếu tố "cản bước" nhà đầu tư nhà ở xã hội

Gia Linh Thứ hai, ngày 10/04/2023 11:16 AM (GMT+7)
Dù nhu cầu nhà ở của người lao động vẫn rất lớn, nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội vì lo ngại vướng mắc thủ tục, quy trình xét duyệt kéo dài, lợi nhuận thấp so với việc phát triển dự án nhà ở thương mại.
Bình luận 0

Đầu tư nhà ở xã hội còn khó khăn

Thời gian qua, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho công nhân, người thu nhập thấp ngày càng tăng cao. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021 - 2025 là khoảng 1,3 triệu căn. Tuy nhiên, số nhà ở xã hội được đưa ra thị trường vẫn còn thấp.

Riêng tại TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết giai đoạn từ năm 2016 - 2020, thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội, tăng thêm 13,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trong khi chỉ tiêu con số này phải là 18 triệu m2 sàn. Chỉ tiêu 2021-2025, thành phố tăng thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay, thành phố chưa làm được bao nhiêu vì cả mặt thủ tục pháp lý, cơ chế ưu đãi đều rất khó khăn.

Đáng chú ý, lãnh đạo Sở Xây dựng tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 triển khai nhiệm vụ giải pháp quý 2 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 1/4 vừa qua đã cho biết trong 18 dự án nhà ở xã hội đăng ký, có 9 dự án khởi công, động thổ. Tuy nhiên, các dự án sau đó đều nằm "đắp chiếu" do vướng chính sách liên quan các luật nhà ở, đất đai, tài sản công.

Quy trình xét duyệt kéo dài và lợi nhuận thấp "cản bước" nhà đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho công nhân, người thu nhập thấp ngày càng tăng cao. Ảnh: Gia Linh

Chia sẻ với Dân Việt, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng cơ hội tiếp cận thông tin làm nhà ở xã hội còn hạn chế. Còn doanh nghiệp tự đi phát triển quỹ đất làm nhà ở xã hội thì không đơn giản vì thủ tục khó hơn nhà ở thương mại.

Theo ông Phúc, doanh nghiệp cũng muốn làm nhà ở xã hội nhưng việc này không phải dễ. Nguồn vốn rất quan trọng nhưng có cơ hội tiếp cận quỹ đất cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, việc tiếp cận quỹ đất của doanh nghiệp rất khó.

Vì vậy, ông Ngô Quang Phúc mong các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội nghiên cứu tạo ra quỹ đất để doanh nghiệp đấu thầu làm nhà ở xã hội. "Khu đất xây nhà ở xã hội nên ở khu vệ tinh, cách 15 km. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu và chúng ta sẽ có nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội", ông Ngô Quang Phúc nói.

Trong khi đó, đề cập về nút thắt cản trở việc phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh nhu cầu thị trường đang rất cấp bách, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành chia sẻ vướng đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch. Ông Nghĩa nói doanh nghiệp của mình phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án của Lê Thành đã được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh khi được các sở, ngành thành phố vào cuộc.

Một vấn đề khác cũng được ông Nghĩa nêu ra là khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời. Từ đó, ông Nghĩa cho rằng cần đột phát ở những điều này, cũng như đột phá con người. 

"Nhiều khi lãnh đạo TP.HCM, sở ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở các chuyên viên, trong khi đây chính những người trực tiếp xử lý hồ sơ của doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.

Quy trình xét duyệt kéo dài và lợi nhuận thấp "cản bước" nhà đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp gặp khó về pháp lý, nguồn vốn khi đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: Gia Linh

Ngoài ra, về vấn đề nguồn vốn phát triển dự án, lãnh đạo công ty Lê Thành cho biết doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận các gói ưu đãi lãi suất. Lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là trước đây là 14%, gần đây giảm còn 12% và mới đây được điều chỉnh là 8,7%/năm. Mức lãi vay như vẫn cao, doanh nghiệp vẫn lo ngại về lãi suất thả nổi khi hết thúc thời gian ưu đãi.

"Chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội, điều họ quan tâm nhất đó là chính sách pháp lý, ưu đãi của Nhà nước để giảm thuế, giảm giá thành cho doanh nghiệp khi triển khai dự án. Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm đến nguồn cầu của người lao động và quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội của nhóm đối tượng này có gì khó khăn hay không. Từ đó, tính toán về thời gian hoàn vốn khi phát triển nhà ở xã hội", ông Nghĩa cho hay.

Gỡ nút thắt pháp lý là yếu tố cấp bách để phát triển nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của thành phố trong thời gian qua, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác.

Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố vượt 34% mục tiêu phát triển sàn nhà ở với 53,7 triệu m2. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà cho thuê và nhà phù hợp khả năng chi trả rất thiếu trong khi nhu cầu rất lớn vì mỗi năm thành phố có thêm 200.000 người.

Vị lãnh đạo TP.HCM cho biết, thành phố đã đề xuất nhiều chính sách trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội. Đồng thời, giao các sở, ngành thường xuyên phối hợp để giải quyết từng nút thắt, gỡ khó cho nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" vừa qua, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội. Bao gồm: cơ chế chính sách,  quỹ đất, nguồn vốn, trình tự thủ tục đầu tư, nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. 

Để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Hưng cho rằng vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Trong đó, về việc quỹ đất chưa đảm bảo nhu cầu, sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.

Quy trình xét duyệt kéo dài và lợi nhuận thấp "cản bước" nhà đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh 4.

Điểm nghẽn pháp lý khiến nhiều dự án nhà ở xã hội khởi công rồi nằm "đắp chiếu". Ảnh: Gia Linh

Về trình tự thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, hiện nay thủ tục vướng mắc, khó khăn, thậm chí là nhiều thủ tục hơn dự án thương mại. Những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, theo dự thảo sắp tới sẽ miễn tiền nhưng không thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Thủ tục này doanh nghiệp phản ánh mất 1-2 năm.

Ngoài ra, dự kiến đối với đối tượng được thuê nhà ở xã hội thì không phải đảm bảo nhiều điều kiện như hiện nay, và chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tổng thu nhập như hiện nay. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội thì quy định chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Vấn đề nguồn vốn, ông Hưng nhận định trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Thực tế sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.

Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác thì đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ và Bộ đề xuất lên cấp cao hơn. Về cơ chế chính sách, nguồn vốn thủ tục đầu tư, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 thì sẽ trình nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở. Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem