Chi phí logistics cao cản bước tiến nông nghiệp

01/08/2019 13:11 GMT+7
Tại Việt Nam, chi phí logistics chiếm rất cao trong tổng thể chi phí của doanh nghiệp, bên cạnh đó là sự manh mún, thiếu đồng bộ đã khiến hàng hóa Việt Nam suy giảm lợi thế cạnh tranh.

Inforgraphic tổng quan chi phí logistics ở Việt Nam 

 Nguồn: TTXVN

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng sự thiếu đầu tư một cách đồng bộ, bài bản và hiện đại đã đẩy chi phí sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng cao gấp nhiều lần. Trong đó một lần rất lớn là chi phí cho logistics.

Hiểu một cách tổng quát, logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Thực trạng logistics cho nông nghiệp tại Việt Nam

Logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo… So sánh với các nước trên thế thới, chi phí logistics trong riêng ngành nông nghiệp xở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore tới 300%.

Theo TS Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), dịch vụ logisitics phục vụ hoạt động xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ hư hỏng và chất lượng, hình thức hàng hóa.

“Chi phí logistics chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành của nhiều nông sản Việt, cụ thể, ngành thủy sản là hơn 12%, rau quả 29,5% và ngành lúa gạo chiếm gần 30%. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, thậm chí cao hơn Singapore 300%. Chi phí logistics quá cao đã gián tiếp giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới” - ông Kiên nói.

Thêm vào đó là hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, mang tính hình thức, chắp vá, giá cước cao, qua nhiều đường trung gian cũng là một hạn chế cho logistics trong ngành nông nghiệp.

T.S Nguyễn Anh Phong cho rằng: “Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp, năng lực vận chuyển, lưu kho còn hạn chế nên tỷ lệ tổn thất nông sản trong khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển còn cao”.

Hệ quả của việc không có một hệ thống logistics hoàn chỉnh của riêng nông nghiệp.

Có một thực tế ở nông nghiệp Việt Nam là điệp khúc “được mùa mất giá” được lặp lại gần như là liên tục, gây thiệt hại cho cả nông dân và doanh nghiệp vì không tiêu thụ được sản phẩm. Hay các sản phẩm như rau củ bị thối rữa, héo úa phải đổ bỏ hay bán thanh lí giá rẻ do không có hệ thống bảo quản. Trong khi đó chi phí sản phẩm từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng lại bị đội lên nhiều phần.

Quan trọng hơn là chi phí logistics cao sẽ làm giảm giá trị của nông sản Việt. Bởi mặc dù mỗi năm giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta lên tới 40 tỷ USD nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu nông sản lại rất thấp. Năm 2018, hồ tiêu xuất khẩu xếp thứ 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 8, hạt điều đứng thứ 1 thế giới nhưng giá đứng thứ 6, gạo và cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10. 

Và sự thiếu bảo hộ thương hiệu đã dẫn tới nhiều sản phẩm của Việt Nam phải mang "mác" nước khác để được xuất khẩu. Bởi thương hiệu Việt Nam chưa đủ mạnh để được nhiều nước khác biết đến.

Thương hiệu nông sản Việt Nam chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các nước trên thế giới

Một số giải pháp giảm bớt chi phí cho ngành logistics Việt Nam

Đầu tiên, từ thực tế hệ thống vận tải chủ yếu là đường bộ, tốn kém hơn rất nhiều so với đường sắt, đường thủy; hay các chuyến xe chạy chủ yếu 1 chiều, chiều về không chở hàng hóa gây nên sự lãng phí rất lớn; chúng ta cần nâng cấp hệ thống vận tải một cách toàn diện theo hướng đảm bảo các hành lang vận tải đa phương thức đường thủy, đường hàng không, đường sắt, đường bộ bao gồm cả hạ tầng và phương tiện.

Thứ 2, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý logistics minh bạch, phù hợp xu thế phát triển hiện nay, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng để giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí.

Thứ 3, cần kết nối các trung tâm cung ứng nông sản, bao gồm hợp tác xã, trang trại, trung tâm kho, và các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại. Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại cần được phân bố ở các trung tâm lớn, gần trung tâm tài chính, kinh tế… thuận lợi cho việc kết nối với nhiệm vụ kiểm tra chất lượng khử trùng, sơ chế, kho lạnh, vận tải, sàn giao dịch, hỗ trợ tài chính, thương mại, bảo hiểm. 

Mai Trang
Cùng chuyên mục