Chỉ số cải cách hành chính Tây Ninh thấp nhất các tỉnh miền Đông

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 22/10/2019 16:56 PM (GMT+7)
Dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục được cải thiện nhưng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh của Tây Ninh lại có xu hướng giảm và đang đứng thứ hạng thấp.
Bình luận 0

Báo cáo thực trạng công tác cải cách hành chính (CCHC) của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh cho thấy giai đoạn 2015 – 2020 đạt được thành tựu.

img

Tây Ninh đã đơn giản nhiều thủ tục hành chính, rút giảm thời gian cho hoạt động doanh nghiệp

Trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), Tây Ninh đã giảm thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống 3 ngày, giải thể doanh nghiệp còn 5 ngày và bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh còn 1 ngày. Tính đến nay đã có 123 cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế một cửa. Tất cả TTHC đều được số hóa, xây dựng quy trình điện tử trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh...

Tuy nhiên, công tác thực hiện nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế.

Dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục được cải thiện (năm 2018 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành), tuy nhiên chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) có xu hướng giảm và đang đứng thứ hạng thấp.

img

Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Tây Ninh

Đối với chỉ số PAPI, dù điểm số có tăng nhưng thứ hạng xếp hạng của Tây Ninh thấp. Năm 2018 của tỉnh Tây Ninh có một số tiêu chí được đánh giá thuộc nhóm có điểm số cao như kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công.

Tuy nhiên, cũng có nhiều tiêu chí thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất so với cả nước, như tham gia của người dân tại cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân, cung ứng dịch vụ công...

Với Chỉ số PAR INDEX, so với 7 tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ thì Tây Ninh ở vị trí thấp nhất. Năm 2018, TP.HCM xếp thứ 10, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 12, Bình Dương xếp thứ 15, Đồng Nai xếp thứ 20, Bình Phước xếp thứ 39, Bình Thuận xếp thứ 42 còn Tây Ninh xếp thứ 48.

img

Năm 2018, Tây Ninh không đạt điểm về mức độ thu hút đầu tư và tổng số doanh nghiệp được thành lập mới không đủ số lượng.

Bà Huỳnh Thị Hồng Nhung - Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, về bản chất việc tụt hạng chỉ số PAPI và PAR INDEX của tỉnh năm 2018 là do nhiều yếu tố tổng hợp tác động gây ra chứ không phải là do chính quyền chỉ lo cho doanh nghiệp nhiều hơn là tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Điều này được chứng minh rõ nét là trong năm 2018, tỉnh không đạt điểm về mức độ thu hút đầu tư và tổng số doanh nghiệp được thành lập mới không đủ số lượng nên đã bị trừ điểm chỉ số CCHC.

Hạn chế tiếp theo là kết quả giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa liên thông thời gian qua còn trễ hạn nhiều, nhất là ở lĩnh vực đất đai và liên thông với lĩnh vực thuế; những hồ sơ giải quyết trễ hạn, các cơ quan, đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa thực sự kiểm soát được trách nhiệm cá nhân trong hạn chế này.

img

Người dân đến liên hệ làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa của huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Đức An

Ngoài ra, người dân ít tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích dù đã được tuyên truyền sâu rộng nhưng người dân vẫn còn ngại tham gia; quy trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rườm rà nên hồ sơ phát sinh không nhiều.

Bà Nhung cho biết thời gian tới, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh sẽ tập trung cải cách TTHC về đất đai và nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai (thuế), để thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh còn không đáng kể.

img

Tây Ninh sẽ tập trung cải cách thủ tục về đất đai và nghĩa vụ tài chính liên quan đến thuế để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Thí điểm từ tháng 11/2018, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC qua mạng xã hội Zalo (tương đương dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).

Hiện nay, tỉnh đã cung cấp được 53 TTHC thực hiện qua Zalo. Bước đầu, đã tiếp nhận và giải quyết được 2.071 hồ sơ qua Zalo. Dù tình hình chưa được cải thiện rõ nét nhưng đây vẫn là một kênh thông tin quan trọng góp phần vào công tác CCHC của tỉnh trong thời gian vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem