Chiêm ngưỡng cây Sa mu dầu quý hiếm hơn 2.000 tuổi

Thứ hai, ngày 12/05/2014 12:48 PM (GMT+7)
Một cây Sa mu dầu đã hơn 2.000 năm tuổi được công nhận "Cây Di sản Việt Nam" ở vườn quốc gia Pù Mát.
Bình luận 0
Đó là cây Sa mu dầu cao khoảng 70m, đường kính thân hơn 5,5m ở thượng nguồn Khe Bu thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Cây Sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (gọi tắt là VACNE) chứng nhận: “Cây Di sản Việt Nam” cần được bảo tồn và phát triển nguồn gen vào tháng 10.2010.

Nói về bảo vệ "cụ" Sa mu dầu quý này, ông Trần Xuân Cường - PGĐ Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: “Việc cây Sa mu dầu được chứng nhận Cây Di sản Việt Nam là niềm tự hào không riêng gì cán bộ của vườn, mà còn cho cả tỉnh Nghệ An... Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ cây Sa mu dầu một cách tốt nhất để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của loại cây này”.

img

"Cây Sa mu dầu này đã sinh trưởng và phát triển rất lâu năm ở thượng nguồn Khe Bu; hiện vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, có tán lá thưa, hình nón hẹp, thân thẳng, không có bạnh", ông Cường chia sẻ thêm.

Cây có tên khoa học là Cunninghamia konishii hayata, thuộc họ Taxodiaceae. Người dân địa phương (đồng bào Thái) tại Con Cuông gọi là cây Mậy Pẹc.

Hiện công tác bảo tồn “Cây Di sản Việt Nam” - Sa mu dầu đang được lãnh đạo, cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát bảo vệ rất nghiêm ngặt. Để được chiêm ngưỡng cây Sa mu dầu này tại Vườn quốc gia Pù Mát phải đi bộ, lội suối gần một ngày trời.

Theo ông Trần Xuân Cường, để vào được nơi có cây Sa mu dầu này, các cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát đã phải nhờ người dân bản địa dẫn đường, gùi lương thực và phải đi bộ 7 ngày mới vào đến nơi. “Việc tìm thấy cây Sa mu dầu này thêm một lần nữa chứng tỏ vùng rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Pù Mát đang có nhiều bí ẩn về giá trị bảo tồn cần phải tiến hành nghiên cứu và bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Cường chia sẻ.

Được biết, Sa mu dầu là loại cây quý hiếm, có nguy cơ đe doạ tuyệt chủng cao do thế hệ cây mẹ hầu hết đã già, nhưng không phát hiện có cây con tái sinh. Gỗ của loài cây này rất bền, ít mối mọt, có hoa vân và màu sắc rất đẹp nên rất được ưa dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ, làm các vật dụng trong gia đình, làm nhà.

Có một khu dự trữ sinh quyển Thế giới ở miền Tây xứ Nghệ

Pù Mát chính là Khu dự trữ sinh quyểnThế giới (DTSQTG) được Tổ chức Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9.2007. Và đến ngày 29.4.2011, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cho Vườn quốc gia Pù Mát.

Khu DTSQTG trải dài trên 9 huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An với diện tích 1.303.285 ha (lớn nhất Đông Nam Á). Trung tâm “xanh” của KDTSQTG được liên kết bởi Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

img

Đây là khu vực có đặc tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng mưa nhiệt đới phía Bắc dãy Trường Sơn. Mật độ che phủ rừng toàn khu vực trên 70% với nhiều đỉnh núi cao như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đinh, Pù Mát. Giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thể hiện ở sự có mặt của 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam.

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: “Đây như là một phòng thí nghiệm sống lớn nhất Đông Nam Á, góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Hiện nay, nhằm bảo tồn phát triển loài sa mu dầu, các cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Pù Mát) đang tiến hành thử nghiệm nhân giống bằng giâm hom. Ở Việt Nam, loại cây này phân bố hẹp, nằm rải rác dọc biên giới Việt Lào từ huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) đến huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Bênh cạnh đó, KDTSQTG còn là nơi sinh sống của 884.000 người thuộc 7 dân tộc: Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, H'Mông, Đan Lai, Ơ đu (chỉ còn lại khoảng 340 người). Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa đang tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ của khu vực này - địa điểm quan trọng cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa và tiến hành các chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là tài sản qúy không chỉ của xứ Nghệ mà đó còn là tài sản của Việt Nam và cộng đồng thế giới. Sự hình thành của nó có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam, có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển.

Với 3 chức năng ấy của khu dự trữ sinh quyển sẽ giúp tỉnh Nghệ An thiết lập một hành lang bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, đa dạng loài gen, đa dạng văn hóa truyền thống. Đồng thời sẽ tạo ra những động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nguồn lực con người 9 huyện miền Tây một cách bền vững.

Một số hình ảnh kỳ thú ngắm cây Sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi cùng những phong cảnh động vật đến thiên nhiên ở Pù Mát xanh:

img
Tổ công tác chuẩn bị lên đường trong một lần khám phá khu Vườn Pù Mát và chiêm ngắm vẻ đẹp sững sờ của cây Sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi.
img

img
Cây Sa mu dầu này hiện vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, có tán lá thưa, hình nón hẹp, thân thẳng, không có bạnh với chiều cao khoảng 70m, đường kính thân 5,5m.

img
Ông Trần Xuân Cường - PGĐ Vườn quốc gia Pù Mát bên cây Sa mu dầu.
img

img
Cây cũng có những tảng rêu mọc...
img
Thân cây cao hơn 70m.
img
Cây sa mu dầu có đường kính hơn 5,5m phải hàng chục người giang tay mới bao quanh được nó.
Dân Trí (Theo Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem