Chiến lược sống chung với Covid-19 của Singapore: Vừa lo vừa tràn đầy hi vọng

Phương Đăng (theo AP) Thứ sáu, ngày 01/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Sau chiến dịch tiêm chủng thành công bậc nhất trên thế giới và việc áp dụng các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, giúp đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Singapore quyết định bước vào “hành trình sống chung với Covid-19". Hành trình này có những nỗi lo nhưng cũng tràn đầy hi vọng, theo AP.
Bình luận 0
Chiến lược sống chung với Covid-19 của Singapore: Vừa lo vừa tràn đầy hi vọng - Ảnh 1.

Người Singapore đang trong hành trình sống chung với Covid-19. Ảnh AP.

Trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Singapore, Joys Tan, 35 tuổi đã tuân theo các quy tắc giúp "quốc đảo sư tử" giảm thiểu các ca bệnh bao gồm giữ khoảng cách với mọi người, đeo khẩu trang và tự đi tiêm phòng.

Không ai trong gia đình cô bị mắc Covid-19. Vì thế, khi đất nước kiểm soát được dịch bệnh, bắt đầu nới lỏng các hạn chế để chuyển sang trạng thái "bình thường mới", Tan tự tin tới ăn tối tại nhà mẹ đỡ đầu của mình vào đầu tháng 9.

Nhưng 2 ngày sau, Tan nhận được tin mẹ đỡ đầu của cô mắc Covid-19. Tan buộc phải tự cách ly để đề phòng.

Tan - suốt thời gian tự cách ly tại một phòng khách sạn, xa chồng và con trai 2 tuổi trong gần 1 tuần, giống như nhiều người Singapore đã tự hỏi rằng, liệu sống chung với Covid-19 có đồng nghĩa với việc phải sống chung với sự lo lắng thường trực về nguy cơ bị mắc bệnh hay không.

"Tôi lúc nào cũng lo lắng, rất lo vì không biết Covid có ảnh hưởng gì lâu dài đến cơ thể không. Và khi bạn có một đứa con nhỏ, nỗi lo thường xuyên xuất hiện trong tâm trí bạn. Tôi đang cố gắng nắm bắt tư duy  mà chính phủ đang chuyển đổi nhưng thật khó", nhà thiết kế đồ họa 35 tuổi chia sẻ.

Kể từ sau khi Singapore nới lỏng các hạn chế và quyết tâm "sống chung với Covid-19", đặc biệt là những ngày gần đây, các ca mắc Covid-19 mới ở nước này bất ngờ tăng vọt. Hai ngày cuối tháng 9, Singapore ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể ngày 29/9, Singapore ghi nhận 2.258 ca mắc mới trong khi ngày 30/9 có thêm hơn 2.260 ca. Điều này đã gây áp lực và đặt ra những thách thức lớn cho chính phủ.

Nhưng đằng sau những con số có vẻ "đáng lo" trên, đã có những bằng chứng cho thấy "chiến lược sống chung với Covid-19" của Singapore đang bắt đầu có hi vọng.

Chiến lược sống chung với Covid-19 của Singapore: Vừa lo vừa tràn đầy hi vọng - Ảnh 2.

Chiến lược sống chung với Covid-19 của Singapore đầy khó khăn nhưng cũng tràn đầy hi vọng bắt đầu từ tháng 8. Ảnh AP.

Điều này dựa trên đánh giá mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh mới và số ca nhập viện hàng ngày.

Với khoảng 82% dân số trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, theo Bộ Y tế Singapore, các bệnh viện nước này đã không bị quá tải khi 98% trường hợp mắc mới không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ.

Chỉ 0,2% số ca bệnh cần được chăm sóc ICU và tỷ lệ tử vong chỉ là 0,1% - đặc biệt, hơn 65% trong số đó chưa được tiêm ngừa Covid-19 hoặc chỉ mới được tiêm 1 liều.

Từ đầu đại dịch đến ngày 29/9, Singapore mới chỉ báo cáo tổng cộng 93 ca tử vong do Covid-19. Trên eo biển Johor nhỏ hẹp, nước láng giềng Malaysia ghi nhận con số khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ trong ngày 29/9, số ca tử vong vì Covid-19 ở Malaysia đã gấp đôi tổng số ca tử vong vì Covid-19 từ đầu đại dịch cho đến nay ở Singapore.

Malaysia đã ghi nhận 798 ca tử vong do Covid-19 trên một triệu cư dân kể từ khi đại dịch bùng phát còn Singapore thì ít hơn 16.

Sau một đợt tiêm chủng thành công bậc nhất trên thế giới và đại dịch được kiểm soát nhờ các biện pháp dập dịch tích cực, Singapore bắt đầu "sống chung" với Covid vào tháng 8.

Khi làm như vậy, quốc gia Đông Nam Á có 5,5 triệu dân đã ngầm thừa nhận rằng, việc giảm số ca mắc Covid-19 xuống 0 không phải là giải pháp lâu dài khả thi. Nên thay vào đó, họ quyết định dần mở cửa, trở lại cuộc sống bình thường mới.

“Về lâu dài, nó (chiến lược sống chung với Covid-19) thực sự sẽ trở thành tiêu chuẩn. Bởi vì tôi nghĩ rằng hầu hết các chính phủ của hầu hết các quốc gia sẽ chấp nhận sự thật rằng, loại virus Covid-19 này sẽ không biến mất và chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó như bệnh cúm”, ông Tikki Pang, giáo sư thỉnh giảng về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore và từng là nhà nghiên cứu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ.

Đích thân Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cũng đã lên tiếng trấn an những lo ngại ngày càng tăng của người dân Singapore khi nhấn mạnh rằng, đợt bùng phát Covid-19 mới này đã được các nhà chức trách lường trước và nên coi nó như một “nghi thức phải đến” với bất kỳ quốc gia nào hy vọng sống chung với Covid-19.

Trong khi đó, với việc tiêm phòng trên diện rộng, các quan chức Singapore đã đánh giá, Covid-19 không còn là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nữa do các triệu chứng của bệnh đã trở nên nhẹ hơn đối với hầu hết mọi người.

Bộ Y tế Singapore đã dự đoán các ca mắc mới hàng ngày có thể vượt quá 3.200 ca vào cuối tuần với tốc độ lây lan hiện tại và các chuyên gia nhận định, các con số còn có thể tăng hơn gấp đôi trước khi bắt đầu giảm xuống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem