Chiến sự miền đông Ukraine gây hậu quả lâu dài với an ninh lương thực toàn cầu

Lê Phương (Aljazeera) Chủ nhật, ngày 01/05/2022 19:45 PM (GMT+7)
Các nhà phân tích cho rằng việc Ukraine để mất một số cảng cùng những mảnh đất màu mỡ nhất sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với xuất khẩu lương thực toàn cầu.
Bình luận 0
Bước tiến của Nga ở miền đông Ukraine và ảnh hưởng đối với an ninh lương thực toàn cầu - Ảnh 1.

Việc Nga tiếp quản miền đông Ukraine sẽ gây ra hậu quả lớn đối với xuất khẩu lương thực của Kiev. Ảnh: Reuters

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến giá lương thực thực phẩm trong tháng 3 tăng vọt  lên mức cao nhất từng được ghi nhận, làm nổi bật lên tác động toàn cầu của xung đột.

Trong bối cảnh Moscow tái tập trung các nỗ lực quân sự ở phía đông Ukraine, sẵn sàng cho giai đoạn hai của chiến dịch, các nhà phân tích đã cảnh báo ảnh hưởng đối với xuất khẩu lương thực của Ukraine.

Roman Slaston, Giám đốc Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nông nghiệp Ukraine (UCAB), cho biết: "Chúng tôi không có đủ lựa chọn thay thế để bù đắp lỗ hổng".

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ sáu thế giới vào năm 2021, với 10% thị phần, theo Liên Hợp Quốc, đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu lúa mạch và hạt hướng dương hàng đầu thế giới.

Theo Chỉ số Xóa Đói toàn cầu (Global Hunger Index), 1/3 đến 1/2 số bánh mỳ ở châu Phi và Trung Đông được sản xuất từ lúa mì của Ukraine. 47 quốc gia đạt mức độ đói cao vào năm 2021, và cuộc chiến ở Ukraine ước tính sẽ đưa con số này lên hơn 60 quốc gia vào năm 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ ở miền đông nước này để chấm dứt chiến sự với Nga, đồng thời nhấn mạnh Kiev đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp kháng cự cứng rắn.

Nếu Ukraine mất các khu vực Luhansk, Donetsk, Zaporizka và Khersonska, nơi Nga đang dự định thiết lập một cây cầu nối với Crimea, thì có nghĩa nước này sẽ bị tước gần 1/4 sản lượng nông nghiệp, theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ thu thập và Al Jazeera tổng hợp.

Quan trọng hơn, các nhà phân tích cho biết, việc mất các cảng ở miền nam sẽ gây ra thiếu hụt hoa màu và khiến giá lương thực tăng cao, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Không có cảng, không có xuất khẩu

Tuần trước, Moscow tuyên bố rằng họ đã chiếm giữ thành phố cảng chiến lược Mariupol trên Biển Azov, một trung tâm xuất khẩu quan trọng. Moscow cũng cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát Kherson, một thành phố cảng trên Biển Đen và sông Dnepr.

Ngay cả ở các thành phố cảng không bị giao tranh nặng nề nhất, chẳng hạn như Odessa, các tàu chiến của Nga ở Biển Đen cũng khiến những tàu thương mại khiếp sợ.

Slaston, tổ chức phi chính phủ hợp nhất hơn 130 đại diện của lĩnh vực nông sản, cho biết những người nông dân Ukraine đã phải vận chuyển hoa màu bằng đường sắt và đường bộ đến biên giới phía Tây, tuy nhiên phương án này không thực sự hiệu quả.

Slaston cho biết: "Ví dụ, xuất khẩu hạt hướng dương hiện đã giảm xuống còn 15-20% so với mức trước chiến sự. Số lượng này không đủ để cung cấp cho thị trường toàn cầu".

Một báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã cho biết việc tiếp cận lương thực là một vấn đề quan trọng.

Nhà kinh tế học Monika Tothova của FAO nói với Al Jazeera rằng 90% hàng hóa xuất khẩu đều đi qua các cảng ở Biển Đen và Biển Azov trước chiến sự.

"Nếu Ukraine tiếp tục không thể xuất khẩu qua đường biển, điều này sẽ gây thêm áp lực lên giá thị trường toàn cầu, ít nhất là cho đến khi các nhà sản xuất khác (bao gồm cả Liên minh châu Âu EU và Ấn Độ) có thể tăng cường", bà nói.

Chỉ số giá lương thực của FAO đã tăng 12,6% trong tháng 3 so với tháng 2, đã đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập vào năm 1990. Chỉ số giá ngũ cốc cao hơn 17,1% trong tháng 3 do hậu quả của chiến sự, trong khi giá dầu thực vật tăng 23,2%.

Mô hình nông nghiệp dần thay đổi

Sự lấn chiếm của Nga ở phía đông, nơi trồng hầu hết các loại cây rau cho tiêu dùng nội địa, chắc chắn sẽ thay đổi mô hình nông nghiệp của Ukraine.

Theo bà Tothova, nếu rau không còn được bán trên thị trường nội địa, nông dân ở những nơi khác trên đất nước sẽ phải bù đắp bằng việc sử dụng những loại cây trồng trước đây dành cho xuất khẩu.

Bà nói thêm, một khó khăn nữa là người nông dân Ukraine có thể không có đủ nhiên liệu để cung cấp cho máy kéo, máy cày, máy liên hợp và xe tải giao hàng vì hầu hết dầu diesel được đưa vào Ukraine thông qua Belarus và Nga.

Ukraine phụ thuộc vào phân bón, một sản phẩm mà Nga là nước xuất khẩu lớn.

Theo Chỉ số giá phân bón, chi phí năm nay đạt mức tăng kỷ lục 128,1% so với năm ngoái, sau khi chiến dịch của Moscow khiến giá năng lượng tăng vọt và khiến một phần lớn nguồn cung của thế giới gặp rủi ro.

UCAB dự báo điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong giá hoa màu mùa xuân của Ukraine, bao gồm các loại ngũ cốc như lúa mạch và ngô, cũng như các loại cây trồng khác như củ cải đường, hoa hướng dương và đậu nành.

"Chúng tôi hy vọng Ukraine sẽ sớm chiếm lại được những vùng lãnh thổ ở phía đông nước này và giải quyết bài toán khó khăn hiện tại", Slaston nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem