Chiến sự Nga - Ukraine: Nhiều doanh nghiệp lao đao

Huỳnh Dũng (Theo Asia.nikkei) Chủ nhật, ngày 27/02/2022 09:18 AM (GMT+7)
Dù ít tiếp xúc với hai quốc gia Ukraine và Nga hơn so với các công ty châu Âu, nhưng chiến sự Nga - Ukraine vẫn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Châu Á khi giá dầu tăng vọt, giá ngũ cốc bị đe doạ và các hàng hàng không lại rơi vào khó khăn về không phận.
Bình luận 0

Chiến sự Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn quan trọng vào ngày 24/2, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động các cuộc tấn công quân sự vào quốc gia láng giềng này. Trong khi các công ty châu Á ít tiếp xúc với hai quốc gia này hơn so với các công ty châu Âu, nhưng cuộc xung đột vẫn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khu vực này.

Giá dầu tăng sẽ tác động đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong khi lạm phát và căng thẳng địa chính trị có nguy cơ kéo giảm tâm lý đầu tư và nhu cầu đi du lịch ngay khi các công ty bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Cuộc tấn công Ukraine của Nga ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh châu Á? Ảnh: @AFP.

Cuộc tấn công Ukraine của Nga ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh châu Á? Ảnh: @AFP.

Giá dầu tăng vọt sau chiến sự Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp Châu Á chịu nhiều "sức nóng"

Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners ở Singapore cho biết: "Tác động ngay lập tức của cuộc xâm lược của Nga sẽ là giá dầu, vì vậy các công ty sử dụng dầu làm nguyên liệu đầu vào sẽ cảm thấy chịu nhiều "sức nóng", áp lực. Giá dầu đang tăng vọt, với giá dầu thô WTI chạm mức 100 USD / thùng lần đầu tiên sau hơn 7 năm vào hôm 24/2 do lo ngại về nguồn cung từ Nga. Bởi nước này là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê-út.

Margaret Yang, chiến lược gia có trụ sở Singapore tại DailyFX cho biết: "Các nhà kinh doanh, tiêu thụ dầu đang cảnh giác về sự leo thang tiềm tàng trong các cuộc xung đột có thể dẫn đến các hạn chế đối với xuất khẩu dầu của Nga, thêm hạn chế về nguồn cung trong một thị trường vốn đã chật hẹp".

Bà chỉ ra tác động của giá dầu thô và giá khí đốt cao hơn sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các công ty tiêu thụ. "Điều này có thể dẫn đến lạm phát thậm chí cao hơn trên toàn thế giới và thúc giục các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn, đè nặng lên các tài sản rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ nhạy cảm với tỷ giá".

Những lo ngại về không phận phía trên khu vực xảy ra xung đột đã ảnh hưởng đến các hãng hàng không châu Á. Trong một động thái hiếm hoi, Japan Airlines cho biết đã hủy một chuyến bay từ Tokyo đến Moscow, do người phát ngôn cho biết hãng không thể xác định liệu chiếc máy bay có thể hoạt động an toàn hay không trước sự xâm lược của Nga. Một chuyến bay từ Moscow đến Tokyo hôm 25/2 cũng đã bị hủy.

Nhà cung cấp dữ liệu rủi ro Safe Airspace đã nâng mức độ rủi ro của không phận Ukraine lên "Không bay", khi căng thẳng gia tăng trong khu vực. "Bất kể các cuộc di chuyển thực tế của lực lượng Nga vào Ukraine như thế nào, mức độ căng thẳng và bất ổn ở Ukraine hiện đang ở mức cực độ nghiêm trọng. Chính điều này đã làm phát sinh rủi ro đáng kể đối với hàng không dân dụng. Cũng theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24, các hãng hàng không dường như tránh bay qua Ukraine. Nhiều hãng hàng không châu Âu cũng đã hủy các chuyến bay đến Ukraine trong vài ngày qua.

Sự sụt giảm tiềm năng trong việc đi lại quốc tế do căng thẳng, cùng với giá nhiên liệu cao hơn sẽ là một đòn giáng cho các hãng hàng không khi họ cố gắng vượt qua đại dịch Covid-19. Giá cổ phiếu của Singapore Airlines và Japan Airlines đều giảm 6% vào hôm 25/2.

Bên cạnh đó, nhiều công ty Châu Á có cơ sở hoặc đối tác phát triển ra nước ngoài ở Ukraine, tận dụng lực lượng lao động có trình độ học vấn nhưng chi phí tương đối thấp của đất nước. Những công ty này hiện đang phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về tình hình địa phương. Cụ thể là Tập đoàn Nhật Bản Hitachi có khoảng 7.200 nhân viên của công ty con GlobalLogic tại Ukraine. Theo Nikkei Asia, trước tình hình leo thang trong nước, Hitachi đã lên kế hoạch sơ tán cho những nhân viên này vào hôm 25/2.

Hitachi đã mua lại GlobalLogic chỉ vào năm ngoái. Vào đầu tháng 2, Giám đốc tài chính Yoshihiko Kawamura nói với các phóng viên rằng công ty "rất lo ngại" về tình hình Ukraine. Tập đoàn thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten cũng có mặt tại Ukraine, với khoảng 125 nhà thầu ở Kyiv và Odessa. "Chúng tôi có một kế hoạch kinh doanh liên tục cho hoạt động của chúng tôi ở Ukraine và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình", công ty này cho biết.

Dù các công ty châu Á ít tiếp xúc với hai quốc gia Ukraine và Nga hơn so với các công ty châu Âu, nhưng cuộc xung đột vẫn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong khu vực này. Ảnh: @AFP.

Dù các công ty châu Á ít tiếp xúc với hai quốc gia Ukraine và Nga hơn so với các công ty châu Âu, nhưng cuộc xung đột vẫn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong khu vực này. Ảnh: @AFP.

Gián đoạn nguồn cung có thể đẩy giá ngũ cốc tăng vọt

Trong khi đó, Ukraine là nước xuất khẩu lớn lúa mì, ngô và các loại ngũ cốc khác. Trong khi những sản phẩm này chủ yếu hướng đến các nước châu Âu, nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm ẩn có thể khiến giá ngũ cốc tăng cao hơn, gián tiếp làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Á.

Vasu Menon, giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại Ngân hàng Oversea-Chinese của Singapore cho biết: "Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy của các loại ngũ cốc ra khỏi khu vực Biển Đen, do hành động quân sự hoặc lệnh trừng phạt, có thể có tác động lớn đến giá lương thực và lạm phát nhiên liệu".

Trong vài ngày qua, nhiều công ty thực phẩm châu Á đã công bố tăng giá sản phẩm của họ, cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc đối mặt với chi phí nguyên liệu thô, hậu cần và giá đóng gói đang tăng lên. Những phức tạp hơn nữa từ cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đè nặng lên các nhà sản xuất lương thực của châu Á.

Theo nhà nghiên cứu thị trường TrendForce, Ukraine là nhà cung cấp đáng kể khí nguyên liệu cho chất bán dẫn, bao gồm neon, argon, krypton và xenon. Ví dụ, Ukraine chiếm gần 70% công suất khí neon trên thế giới. "Nếu nguồn cung cấp nguyên vật liệu bị cắt đứt, nó sẽ có tác động đến ngành", TrendForce nói.

Sẽ không có tác động đến sản xuất chip trong ngắn hạn, vì vẫn còn nguồn cung từ các khu vực khác, nhưng nhà nghiên cứu cho biết, "việc giảm cung cấp khí này có thể sẽ dẫn đến giá cao hơn và có thể làm tăng chi phí sản xuất tấm wafer". Các công ty như nhà sản xuất chip SK Hynix của Hàn Quốc cho biết họ đã chuẩn bị cho những gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm ẩn.

Huỳnh Dũng – 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem