Chiến sự Ukraine: Nga đẩy Phần Lan, Thụy Điển vào vòng tay của NATO như thế nào?

Minh Nhật (theo The Hill) Thứ hai, ngày 18/04/2022 16:02 PM (GMT+7)
Phần Lan và Thụy Điển dường như đang tiến gần hơn đến việc gia nhập NATO - động thái mà các nhà lãnh đạo và chuyên gia xem là cách phản ứng trước việc Nga gia tăng bình luận về vũ khí hạt nhân, theo The Hill.
Bình luận 0
Chiến sự Ukraine: Nga đẩy Phần Lan, Thụy Điển vào vòng tay của NATO như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) đứng cạnh khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto (trái), Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde (phải) nắm tay nhau sau khi tổ chức một cuộc họp báo chung tại trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 24/1/2022. Ảnh Getty

Xung đột ở Ukraine được cho là đã buộc 2 quốc gia Bắc Âu phải xem xét lại khả năng gia nhập liên minh quân sự NATO được hình thành sau Thế chiến thứ hai, vốn cam kết rằng, các thành viên sẽ bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công.

Ông Sean Monaghan, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Phần Lan và Thụy Điển đều rất nghiêm túc trong vấn đề này (gia nhập NATO) và họ đang nhìn Nga bằng con mắt tinh tường. Và đó là lý do tại sao tôi nghĩ cuối cùng họ sẽ gia nhập NATO vì họ đã thấy mối đe dọa từ Nga đang hình thành. Và bây giờ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, họ (Phần Lan và Thụy Điển) nhận ra cách tốt nhất để tự bảo vệ mình trước mối đe dọa do Nga gây ra là gia nhập NATO".

Khi kết quả thăm dò ở hai nước cho thấy - sự ủng hộ đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã tăng cao sau nhiều thập kỷ trung lập, Moscow đã tiếp tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là cựu Tổng thống Nga cuối tuần trước nhấn mạnh rằng “không thể có chuyện phi hạt nhân hóa vùng Baltic” nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông Medvedev nhấn mạnh thêm rằng “ sự cân bằng phải được khôi phục ”.

Ông nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển trở thành một phần của liên minh, Moscow cần phải “tăng cường nghiêm túc việc tập hợp các lực lượng trên bộ và phòng không, triển khai các lực lượng hải quân đáng kể trong vùng biển của Vịnh Phần Lan".

Đó sẽ được xem là mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với Phần Lan - quốc gia có đường biên giới dài 1.287km với Nga.

Bộ trưởng Phần Lan phụ trách các vấn đề châu Âu, Tytti Tuppurainen cho biết cuối tuần trước rằng "rất có thể" đất nước của bà sẽ gia nhập NATO, đồng thời tuyên bố cuộc chiến Nga ở Ukraine là một "lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta".

Phản ứng của Phần Lan cũng có thể gây thêm áp lực lên Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu duy nhất nằm ngoài liên minh NATO và có thể khiến nước này phá vỡ thông lệ trung lập lâu đời bằng cách gia nhập liên minh.

“Thực tế các nước này không có ý định gia nhập NATO 3 tháng trước nhưng giờ đây họ có. Đây là một phản ứng trước các hành động "gây hấn" của Nga. Nga nên nhận ra hành động của mình đối với Ukraine đã khiến nhiều quốc gia khiếp sợ, thậm chí đến mức một quốc gia như Thụy Điển, vốn có lịch sử 200 năm không tham gia các liên kết chính trị, hiện cũng đang thực sự muốn gia nhập NATO", ông Kurt Volker, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, người cũng từng là đặc phái viên về Ukraine của Mỹ bình luận.

"Phần Lan sẽ thực hiện các lựa chọn về an ninh của họ bằng mọi cách. Đây chắc chắn là những phản ứng trước cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, và có lẽ tốt hơn Nga nên nhận ra điều đó”, ông Volker nói thêm.

Nhưng ngoài ý nghĩa phòng thủ thực tế, việc Thụy Điển và Phần Lan xem xét gia nhập NATO cũng sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, chắc chắn tư cách thành viên liên minh tiềm năng của Thụy Điển và Phần Lan sẽ thể hiện một hình ảnh phương Tây đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

"Nga sẽ nhìn thấy điều đó", ông Gene Germanovich, một nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế của Rand Corporation cho biết.

Không rõ Nga có thể phản ứng như thế nào trước sự mở rộng của NATO, mặc dù các chuyên gia cho rằng một cuộc chiến trên bộ là điều không thể.

“Nếu nhìn vào tình trạng khó khăn hiện tại của Nga, họ đang vật lộn với chiến dịch ở Ukraine, vì vậy sẽ rất khó để chuyển hướng các lực lượng đáng kể tới miền Bắc”, ông Germanovich nói.

Nhưng Nga sẽ tìm cách trừng phạt các thành viên liên minh thông qua việc thực hiện các biện pháp như các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng trước khi đưa ra mối đe dọa hạt nhân.

"Trước sự tuyệt vọng tiềm tàng của giới lãnh đạo Nga, với những thất bại mà họ đã phải đối mặt về mặt quân sự cho đến nay ở Ukraine, không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân năng suất thấp", Giám đốc CIA William Burns bình luận.

"Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều bằng chứng thực tế về các hành động triển khai hoặc bố trí quân sự (từ Nga) sẽ làm gia tăng mối lo ngại đó", ông Burns nói thêm và nhấn mạnh rằng, CIA sẽ cẩn thận theo dõi các động thái từ Nga và đây là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của CIA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem