Chiêu độc “làm chủ” giá tiêu, nông dân tự liên kết với... nông dân

Lê Kiến Chủ nhật, ngày 13/05/2018 19:10 PM (GMT+7)
Sau nhiều năm “thai nghén”, mới đây người trồng tiêu ở xã Nam Yang phấn khởi đón nhận sự ra mắt của Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang (huyện Đắk Đoa, Gia Lai). Mục tiêu của tổ là nông dân liên kết với nông dân để tìm đầu ra và nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Tiền thân của Tổ là mô hình Hội trồng tiêu xã Nam Yang.
Bình luận 0

Nông dân liên kết với… nông dân

Thời gian qua, thực trạng cây hồ tiêu chết trắng và giá cả tụt dốc không phanh (có thời điểm giá trên 200.000 đồng/kg giảm xuống 50.000 - 60.000 đồng/kg) khiến hàng nghìn hộ nông dân điêu đứng. Ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo liên quan nhưng kết quả vẫn còn mờ mịt, nhiều hộ giàu lên nhờ tiêu nay cũng phá sản vì tiêu. Thậm chí, không ít người dân quay lưng với cây tiêu chuyển sang cây trồng mới.

Trái ngược với tâm lý lo bệnh tật trên cây hồ tiêu và giá cả đang đi xuống, hàng chục hộ dân ở xã Nam Yang lại háo hức chờ đợi một hứa hẹn tươi sáng từ mô hình mới – Nông tự liên kết với nhau thành lập tổ sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ bền vững, giảm giá thành sản xuất, đồng thời tăng giá trị sản phẩm.

img

Nông dân tự tổ chức hội thảo để tìm hướng đi cho sản phẩm

Anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang chia sẻ: Hoạt động của Tổ là liên kết bà con nông dân với nhau, cùng chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay trong quá trình chăm sóc cây theo hướng hữu cơ bền vững.

Theo đó, nông dân tự liên kết với nhà doanh nghiệp cung ứng về kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh để có giá thành đầu vào ở mức thấp nhất. Tương tự, đầu ra cũng được nông dân lựa chọn đối tác để bán với mức giá cao nhất cho sản phẩm sạch, loại bỏ các chi phí không cần thiết qua các khâu trung gian.

Theo anh Tiên: “Tự nông dân nói với người nông dân thì mới dễ tiếp cận hơn và minh chứng cho lời nói là cách làm hay, hiệu quả cụ thể thì dân mới tin”. Anh Tiên tự hào mình là nông dân tiêu biểu được chọn tham gia hội thảo nông dân toàn quốc, từng tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Singapore” do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại thủ đô Singapore và học hỏi được nhiều điều mới lạ giúp ích cho bản thân.

Tại đây, sản phẩm hồ tiêu của anh được công nhận là “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”. Vì thế, hồ tiêu của người dân bán ra thị trường có giá 50-60.000/kg trong khi sản phẩm của anh bán được giá cao 100.000/kg. Hiện, gần 15.000 trụ tiêu của anh đều được chuyển đổi từ cách sản xuất truyền thống theo hướng hữu cơ bền vững, hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

“Nhà doanh nghiệp mong muốn thu mua sản phẩm có chất lượng và đảm bảo về số lượng, chính vì vậy từ nhiều năm nay tôi luôn ấp ủ ý tưởng liên kết nông dân với nhau, làm ra sản phẩm tốt nhất, bán được giá cao nhất. Chính vì vậy, nông dân chúng tôi tự liên kết với nhau, cùng nhau chia sẻ cách làm và cùng nhau tìm hướng ra. Ngày mới thành lập, tổ đã có 52 thành viên gia nhập và để có ngày hôm nay, chúng tôi ít nhất tổ chức 4 lần hội thảo lấy ý kiến”, anh Tiên chia sẻ.

img

Vườn tiêu áp dụng mô hình mới của anh Ngô Văn Tiên (bên trái)

Theo anh Tiên, muốn thay đổi từ cách làm truyền thống theo hướng công nghệ cao, sản xuất sạch không phải nói là làm được “mà phải thực hiện từ từ”. Có thể nói đây là cuộc cách mạng thay đổi tư duy, nếu thành công thì người nông dân sẽ đứng ở thế chủ động, ít phụ thuộc bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, giá thành đầu vào và các rủi ro khác.

Nông dân Trần Ngọc Mẫn (ở thôn 5) bày tỏ: “Đã đến lúc nông dân cần phải bắt tay nhau xây dựng mối liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và có đầu ra ổn định chứ không bấp bênh như trong thời gian qua”.

Tự tìm hướng đi bền vững

Ông Nguyễn Cường Quốc – Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Đắk Đoa cho rằng: “Đây là cách làm mới, là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành lập tổ liên kết nông dân với nông dân để tìm hướng đi cho mình. Hiện, nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính, khắc khe trong việc thu mua sản phẩm nên việc thành lập tổ sản xuất hồ tiêu sạch là hướng đi đúng đắn. Trước mắt, sẽ giảm các chi phí đầu vào, sau tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến sản xuất bền vững”.

Theo anh Ngôn Văn Tiên, cùng một sản phẩm nhưng nhiều nơi trong nước hoặc so sánh với sản phẩm của nước ngoài vẫn có sự chênh lệch rất lớn. Trong chuyến đi Hội thảo ở Singapore, anh nhận thấy: “Một ký hồ tiêu nước ngoài có giá 138.000 đồng những thời điểm đó ở trong nước chỉ bán giá 52.000 đồng”.

Nếu so với sản phẩm của anh làm ra cũng có giá tăng gấp đôi giá chung thị trường và mấu chốt là ở cách làm ra sản phẩm. Theo anh Tiên, một mình anh không thể duy trì lâu được mà cần có sự bắt tay của tập thể “mỗi người đều có lợi”, làm ra sản phẩm phải sạch, chất lượng mới được giá cao.

Cùng chí hướng thành lập tổ liên kết, anh Trần Quang Sơn (thôn 1) chia sẻ: “Không chỉ sản phẩm của anh Tiên bán được giá cao, mà tôi cũng có cách làm riêng cũng bán được mỗi kg hồ tiêu với giá siêu cao”. Anh tiết lộ: Mỗi kg tiêu anh làm ra, nếu qua công đoạn sơ chế, phơi sấy tỉ mỉ, đóng gói thì bán được giá từ 200-500.000/kg. Tuy nhiên, để bán được giá đó thì bản thân người sản xuất phải bỏ ra không ít công phu.

“Tôi tự sáng tạo ra máy máy sấy hồ tiêu nên sản phẩm sau khi được xử lý thì chất lượng, màu sắc, mùi vị của hạt tiêu tăng lên nhiều lần. Với công nghệ này, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với các thành viên trong Tổ không hề giấu diếm và đây cũng là cách làm chung của mọi người ở đây”, anh Sơn nói.

Ông Đoàn Ngân - thành viên Tổ liên kết cho biết: Hiện ông đang có 8.000 trụ tiêu, số chuẩn bị kinh doanh khoảng gần 3.000 trụ. Trước giờ, ông Ngân canh tác theo dạng "mạnh ai nấy làm”, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ mà còn bị tư thương ép giá. Việc gia nhập Tổ liên kết là nhằm mục đích chung, tạo liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững. Dần dần thay đổi thói quen canh tác cũ, ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

img

Lễ ra mắt Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu sạch

Chị Nguyễn Thị Sương – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang cho biết: Với mô hình trên, bà con tự sản xuất theo hướng tiêu sạch, tự tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào lẫn đầu ra, mang lại giá thành đầu tư thấp và giá trị sản phẩm tăng lên. Nếu thuận lợi, người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn, ít bị ảnh hưởng do tác động về giá cả thị trường.

Theo anh Ngô Văn Tiên, hiện tổ đã liên hệ được với 2 doanh nghiệp cung ứng phân bón là Công ty Phân bón Đồng Phú (thuộc tập đonà Hùng Nhơn, ở Bình Phước) và Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu VBAY BIO (ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cam kết bán phân bón chất lượng với nhà từ nhà sản xuất, không qua trung gian. Còn sản phẩm đầu ra, Tổ cũng đã liên hệ một vài DN ở TP Hồ Chí Minh hứa sẽ thu mua với giá cao nếu sản phẩm đủ số lượng và chất lượng đảm bảo.

Trao đổi với Dân Việt/NTNN, anh Lê Trọng Đại – Đại diện Công ty Phân bón Đồng Phú cho biết: Qua liên kết với người dân ở đây, chúng tôi đã có cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng với giá ưu đãi không qua trung gian nên người dân sẽ giảm được nhiều chi phí. Mặt khác, chúng tôi còn cho người hướng dẫn kỹ thuật và quy trình chăm bón để đạt hiệu quả cao nhất. Hiện sản phẩm của công ty đã được phân phối rất nhiều tỉnh thành ở miền Nam và Tây Nguyên, sản lượng hàng năm 20.000 tấn/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem