Chính phủ chủ trương tăng tín dụng gắn với kiểm soát lạm phát

Quảng - Hạnh (Vietnam+) Thứ năm, ngày 01/12/2022 22:16 PM (GMT+7)
Quan điểm của Chính phủ,l tăng tín dụng trên cơ sở rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý và hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát. Việc mở rộng chính sách tài khóa sẽ có trọng tâm, trọng điểm.
Bình luận 0
Chính phủ chủ trương tăng tín dụng gắn với kiểm soát lạm phát - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 chiều 1/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh Chính phủ sẽ iếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến tình hình, công tác điều hành sẽ chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát đồng thời bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm.

Trên thực tế việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, khi mà hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Về an sinh xã hội, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ song chưa được xử lý dứt điểm.

Trước tình hình đó, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới là tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không được phép lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường đoàn kết, thống nhất, nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ, các bộ ngành, địa phương cùng nhau gánh vác trách nhiệm phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp.”

Chính sách tiền tệ linh hoạt

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

“Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỷ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Cụ thể, tăng tín dụng trên cơ sở rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát. Mặt khác, việc mở rộng chính sách tài khóa sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Người phát ngôn của Chính phủ cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ trong việc thúc đẩy các thị trường tài chính-tiền tệ phát triển song phải đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.... Do đó, những “cái sai, những việc làm chưa đúng” tiếp tục được chấn chỉnh, từ đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

“Chính sách điều hành tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong số đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm, không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem