"Chính phủ mới đang thừa hưởng một nền tảng không thể tốt hơn"

Q. Nguyễn Thứ năm, ngày 08/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Ông Vicente Nguyễn, nhà quản lý quỹ AFC Việt Nam Fund, có quy mô tài sản 54 triệu USD, cho rằng nền kinh tế tư nhân trong nước đang phát triển cực thịnh và tin tưởng những tập đoàn tỷ USD này sẽ là động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Bình luận 0

Ngày 8/4, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng, 12 Bộ trưởng, trưởng ngành. Như vậy sau khi kiện toàn Chính phủ có 28 thành viên, gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, 5 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng, Trưởng ngành.

"Chính phủ mới đang thừa hưởng một nền tảng không thể tốt hơn" - Ảnh 1.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

Kỳ vọng sức mạnh nội tại của nền kinh tế với Chính phủ mới dưới góc nhìn của "Big Boy" trên thị trường chứng khoán về Chính phủ mới, PV Dân Việt đã trò chuyện với ông Vicente Nguyễn, nhà quản lý quỹ AFC Việt Nam Fund, có quy mô tài sản 54 triệu USD. Ông Vicente Nguyễn tốt nghiệp MBA tại Pháp, có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán.

Kỳ vọng Chính phủ mới tạo nên dấu ấn trong lĩnh vực kinh tế số và môi trường

Thưa ông, hôm nay, Chính phủ mới đã được kiện toàn. Về mặt con số, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận như là nền kinh tế tăng trưởng cao bậc nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng, kiểm soát được nợ công, kiểm soát lạm phát, giữ được chính sách tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối kỷ lục… Vậy ông kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tạo nên dấu ấn trong mảng/lĩnh vực/khu vực nào?

Chúng ta đã biết, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã đạt được những thành tựu về kinh tế đáng khen ngợi. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua được đại dịch Covid 19 một cách thành công, kiểm soát dịch bệnh, đẩy lùi suy thoái kinh tế và tạo được nền móng tăng trưởng vững chắc sau đại dịch. Các hiệp định thương mại nổi bật như EVFTA, CPTPP, RCEP hay UK/Vietnam FTA đã tạo một bước đệm không thể tốt hơn cho Chính phủ kế nhiệm. Ở góc độ kỳ vọng, tôi cho rằng với Chính phủ mới sẽ tạo ra những dấu ấn trong lĩnh vực kinh tế số và môi trường.

"Chính phủ mới đang thừa hưởng một nền tảng không thể tốt hơn" - Ảnh 2.

Ông Vicente Nguyễn, nhà quản lý quỹ AFC Việt Nam Fund, có quy mô tài sản 54 triệu USD

Về lĩnh vực kinh tế số, Chính phủ nhiệm kỳ trước đã phát động cuộc cách mạng số 4.0 tạo tiền đề tốt để các tổ chức kinh tế khởi động đầu tư và phát triển theo hướng hiện đại hóa công nghệ, đổi mới công nghệ và phát triển AI. Đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, tôi hi vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục phát huy hướng đi này, tập trung nâng cao năng lực kinh tế số của Việt Nam, từ khối kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước cho đến hành chính sự nghiệp.

Về môi trường, các nước trên toàn thế giới đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Ngay cả tổng thống Mỹ Biden cũng đã đưa ra hướng đi giảm tối đa năng lượng hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường một cách tối đa. 

Đây thực chất là công việc bảo tồn sự sống trái đất. Việt Nam trong mối quan hệ kinh tế hội nhập với phương Tây, đa dạng hóa quan hệ quốc tế thì việc bảo vệ môi trường, quan tâm vấn đề môi trường nên là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Trong những năm qua, một lượng vốn rất lớn (hàng chục tỷ USD) đã được đổ vào các quỹ đầu tư tập trung vào ESG, quỹ đầu tư vào những công ty có sản phẩm, sáng kiến bảo vệ môi trường, điều này cho thấy xu hướng tất yếu của dòng tiền trên thế giới. Các công ty gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường sẽ ít được quan tâm hơn và điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia. Do đó, tôi hi vọng Chính phủ mới sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường.

Ông kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tạo dấu ấn trong lĩnh vực kinh tế số và môi trường, vậy sức mạnh nội tại của nền kinh tế dưới sự điều hành của Chính phủ mới sẽ như thế nào?

Về góc độ sức mạnh nội tại nền kinh tế, tôi cho rằng Chính phủ hiện tại đang thừa hưởng một nền tảng không thể tốt hơn từ Chính phủ nhiệm kỳ trước.
Với những hiệp định thương mại đã ký kết, vai trò của Việt Nam trong thời đại kinh tế mới, quan hệ ngoại giao và cả sức mạnh của kinh tế trong nước, thì tất cả nhũng điều này là một giá trị thừa hưởng rất lớn.

Việt Nam dần có những doanh nghiệp ngang tầm quốc tế như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Vinamilk, Masan… điều đó cho thấy sức mạnh kinh tế nội địa đã tăng trường một cách mạnh mẽ, vững chắc trong suốt những năm qua.

Những doanh nghiệp tỷ USD sẽ là động lực phát triển kinh tế Việt Nam

Ông kỳ vọng gì về sự phát triển của khối doanh nghiệp trong nước ở nhiệm kỳ tới, kể cả doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân

Như tôi đã nói ở trên, nền kinh tế tư nhân trong nước đang phát triển cực thịnh, đã bước đầu có những doanh nghiệp tỷ USD, những tỷ phú USD. Đó là minh chứng cho sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân. Tôi tin rằng những tập đoàn này sẽ là động lực phát triển kinh tế rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới không chỉ ở vấn đề tạo ra công ăn việc làm, thăng dư kinh tế mà còn là lá cờ đầu giúp cho các doanh nghiệp khác noi theo, vững tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

"Chính phủ mới đang thừa hưởng một nền tảng không thể tốt hơn" - Ảnh 4.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân tỷ USD sẽ là động lực phát triển kinh tế (Ảnh: IT)

Về kinh tế nhà nước trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực tuy nhiên vẫn còn chậm chạp. Tư duy bảo thủ, ỷ lại, thậm chí là cửa quyền vẫn còn thấm trong dòng máu và cả gene. Nếu như không tự đứng trên đôi chân của mình, mà vẫn dựa vào luồng ngân sách như bầu sữa mẹ thì khó có thể lớn. Tôi nói điều này không phải tất cả doanh nghiệp nhà nước, vì vẫn có nhiều những doanh nghiệp làm ăn cực kỳ tốt, năng động, phát triển, tư duy kiến tạo tốt như Viettel, Vietcombank…

Một phần thành tích của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến từ dòng vốn FDI, ông có dự báo nào về xu hướng FDI vào Việt Nam sắp tới không?

Tôi cho rằng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Nếu như quan sát các bạn có thể thấy, ngay cả khi trong thời gian đại dịch Covid 19 diễn ra trong 2020, dòng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam vẫn rất ổn định, chỉ giảm nhẹ đôi chút trong khi các nước khác gần như giảm sút phân nửa. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng Việt Nam sẽ là điểm đến ổn định về chính trị, kinh tế và con người.

Ngoài ra, phân cực kinh tế Đông Tây giữa một bên là Trung Quốc và bên còn lại là Mỹ và các nước liên minh, thì việc dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc, đổ vào Việt Nam là một trong những cơ hội lớn và là một xu hướng tất yếu. Việt Nam xác định chiến lược ngoại giao ôn hòa, không gây sự với bất kỳ nước nào, thể hiện rõ lập trường không đứng về bên nào, điều này làm cho các nước phương Tây, Mỹ cảm thấy an tâm và tiếp tục cùng Việt Nam phát triển.

Có thể thấy các nước đối tác FDI lớn của Việt Nam trong suốt những thập kỷ qua gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan sẽ vẫn là những đối tác chính. Dưới liên minh kinh tế Mỹ, Hàn, Nhật, Đài, dòng vốn từ các nước này sẽ tiếp tục rời khỏi Trung Quốc và dần chuyển vào Việt Nam. Vấn đề là làm sao chúng ta tạo được cơ chế thu hút dòng vốn đầu tư và khuyến khích các ngành nghề phụ trợ phát triển thì đó sẽ là động lực lớn cho sự gia tăng FDI.

Về dòng vốn Trung Quốc dịch chuyển qua Việt Nam tôi cho rằng sẽ không lớn, và chỉ mang tính nhỏ lẻ vì bản thân Trung Quốc cũng đang tìm cách kìm hãm dòng vốn rút ra khỏi quốc gia này, vì vậy bản thân những doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên cho dù chỉ 1% dịch chuyển thôi, Việt Nam cũng đã hưởng lợi rất lớn.
Cám ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem