Mở nút thắt thị trường lao động ở thủ phủ công nghiệp -Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó?

Nha Mẫn - Trần Khánh Chủ nhật, ngày 26/03/2023 13:10 PM (GMT+7)
Tổ chức sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp với lao động là cách chính quyền TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai liên tục thực hiện, nhằm hỗ trợ tối đa cho người lao động. Tuy nhiên, số lao động cần tìm việc lớn hơn nhu cầu tuyển dụng.
Bình luận 0

Dù ít dù nhiều, việc hỗ trợ lúc này là rất cần thiết

Khảo sát của Sở LĐTBXH trong quý 2 tới, hơn 7% doanh nghiệp sẽ giảm lao động do thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng hết hạn...Trong khi tại Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng cũng chỉ 8.000-10.000 lao động. Đồng Nai thì dự báo cắt giảm thêm vì doanh nghiệp vẫn thiếu đơn hàng.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 1.

Công nhân Đồng Nai nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương thông tin, Sở đã triển khai nhiều biện pháp, kết hợp cả trực tiếp và gián tiếp, để hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, tận dụng triệt để mạng xã hội, internet kết nối nhanh chóng người lao động và doanh nghiệp, tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày.

Ngoài các kênh truyền thống, Trung tâm giới thiệu việc làm còn phỏng vấn online hàng ngày, thu thập, xây dựng dữ liệu của người lao động bị mất việc, để giúp họ tiếp cận ngay với việc làm mới.

Điểm hay là khi người lao động đến tìm hiểu thông tin, trung tâm sẽ yêu cầu người lao động quét mã vạch để cung cấp thông tin. Thông qua đó, Sở có thêm dữ liệu để nhanh chóng đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng lao động.

Người lao động khi quét vào mã vạch, sẽ có 3 lĩnh vực cần hỗ trợ, gồm: Tư vấn giới thiệu việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn học nghề. Tùy nhu cầu cá nhân, người lao động sẽ chọn để Sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 2.

Lao động vẫn loay hoay tìm việc, có những người dù đi nộp hồ sơ nhiều lần nhưng vẫn chưa được nhận việc. Ảnh: Tuệ Mẫn

Với những người mất việc làm, Bình Dương chia sẻ bằng cách nhanh chóng kết nối cung – cầu lao động, đồng thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định.

"Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Bình Dương cũng đang thu thập thông tin người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, để thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt theo Quyết định số 6696 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dù ít dù nhiều, việc hỗ trợ lúc này là rất cần thiết. Một miếng khi đói bằng một gói khi no", ông Tuyên nói.

Đồng Nai cũng nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ công nhân với phương châm "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Cụ thể, ngoài quà hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, công đoàn… Liên đoàn lao động tỉnh sẽ hỗ trợ người mất việc theo 3 nhóm, gồm bị giảm giờ làm việc, ngừng việc được hỗ trợ 1 triệu đồng/người; người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Với nhóm bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Đối với người lao động không phải là đoàn viên Công đoàn sẽ được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ lao động là đoàn viên.

Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ban hành quyết định hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hỗ trợ mỗi người lao động là 1,5 triệu đồng/người, trả 1 lần qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 3.

Lao động Đồng Nai mong chờ sự hỗ trợ của ngành chức năng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết từ đầu năm tới nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là khoảng 6.000 lao động, thấp hơn nhiều so với những năm trước.

"Trung tâm sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, nhất là lao động phổ thông, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các tỉnh, các địa phương có số lượng người lao động cần việc làm lớn, giúp người lao động sớm tìm được việc làm", bà Trâm nhấn mạnh.

TP.HCM cũng liên tục tổ chức rất nhiều hoạt động giao dịch việc làm từ đầu năm. Đặc biệt, Trung tâm dịch vụ việc làm đang tổ chức sàn giới thiệu việc làm 2 lần/tháng, và sẽ kéo dài cho đến hết năm 2023.

Đơn vị này cũng tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là phương án kết nối doanh nghiệp với lao động ở nhiều tỉnh thành, nhằm hỗ trợ người lao động khi chưa lên TP.HCM vẫn tiếp cận được việc làm.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, trước tình hình nhiều công ty tại TP.HCM tinh giảm lao động, từ đầu năm, Sở đã trao đổi với Trung tâm dịch vụ việc làm tại 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, để có thể giới thiệu việc làm, giới thiệu chính sách bảo hiểm cho những lao động ngay khi bị cắt giảm tại địa phương.

Nếu người lao động có nhu cầu về làm việc ở quê, trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh để giới thiệu việc làm. Với lao động muốn tiếp tục làm việc tại TP.HCM, trung tâm sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 4.

Dù vẫn treo biển quảng cáo tuyển dụng nhưng hầu hết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất ít. Ảnh: Tuệ Mẫn

Thị trường việc làm đã đổi thay, cơ hội của lao động phổ thông ngày càng hẹp

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, địa phương này có trên 1 triệu lao động nhưng trong số đó hơn 50% là lao động phổ thông không qua đào tạo.

Đa phần lao động chủ yếu làm gia công, lắp ráp đơn giản, chỉ biết làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Do đó lực lượng này nếu mất việc sẽ khó tìm được việc ưng ý, phù hợp.

"Hiện Đồng Nai bị thiếu đội ngũ lao động kỹ thuật cao, thừa lao động phổ thông. Vấn đề đặt ra là phải nâng chất lượng nguồn nhân lực, dạy nghề và trang bị kỹ năng làm việc cho người lao động để đáp ứng nhu cầu công việc. Khi lao động có tay nghề sẽ dễ tiếp cận với nhu cầu của doanh nghiệp, dễ dàng tìm việc hơn", ông Lĩnh nhấn mạnh.

Trên thực tế, từ sau Tết Quý Mão đến nay, trước thực trạng người đi tìm việc rất đông nhưng nhu cầu tuyển dụng ít, doanh nghiệp bắt đầu đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe, như yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, khiến lao động phổ thông khó tiếp cận công việc.

Vừa xem bảng thông báo dán ở cổng KCN Amata, anh Nguyễn Hoàng Anh quê tỉnh Quảng Ngãi lắc đầu ngán ngẩm, vì đây là lần thứ 3 đi tìm việc nhưng đành quay về. Theo như bảng thông báo thì anh không đủ điều kiện được tuyển dụng vào doanh nghiệp cơ khí mà anh muốn ứng tuyển.

"Công ty họ vẫn dán thông báo tuyển dụng nhưng bắt phải có tay nghề và kinh nghiệm làm việc 2 – 3 năm. Các vấn đề này tôi khó đáp ứng được", anh Hoàng Anh chia sẻ.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 5.

Lao động vẫn chật vật chờ việc. Ảnh: Tuệ Mẫn

Chị Nguyễn Thị Lành (quê Long An) được bạn bè giới thiệu có công ty ở KCN Đồng An (TP.Thuận An - Bình Dương) tuyển dụng với mức lương cao. Theo ảnh chụp bảng thông báo tuyển dụng, Công ty TNHH PUKU Việt Nam cần tuyển gấp công nhân may, công nhân QC, công nhân ủi và các bộ phận khác. Công nhân làm việc tại đây có mức thu nhập từ 8-14 triệu đồng/tháng.

Chị bắt xe lên thật sớm để nộp hồ sơ. Thế nhưng đến nơi, bộ phận tuyển dụng thông báo chị không đạt các tiêu chí công ty đưa ra vì thiếu bằng cấp.

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Win Win (TP.Thuận An), chia sẻ trong tình cảnh đơn hàng đồng loạt giảm thì nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi nhiều.

Doanh nghiệp sàng lọc lao động trước khi nhận vào làm việc rất khắt khe. Việc này đồng nghĩa với yêu cầu về số lượng lao động giảm nhưng chất lượng phải tăng.

Người lao động phải nâng cấp bản thân 

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên, một điểm yếu rất lớn có thể nhận ra ở Bình Dương là lực lượng lao động đang tìm việc mới chất lượng không cao, chỉ tìm kiếm những công việc giản đơn.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 6.

Dù đơn hàng xuất khẩu giảm, nhưng những lao động lành nghề tại Bình Dương vẫn được doanh nghiệp gốm sứ nỗ lực giữ chân. Ảnh: Trần Khánh

Đa số người lao động chỉ có trình độ THCS, không có tay nghề, độ tuổi trên 35. Đây là nhóm yếu thế trong môi trường cạnh tranh về việc làm như hiện nay. Những lao động có độ tuổi từ 18-30, có tay nghề trong lĩnh vực may, gỗ dễ tìm việc làm hơn.

Mặt khác, nguồn lực sinh viên mới ra trường tại Bình Dương, sinh viên ở một số tỉnh Tây Nam Bộ đổ về Bình Dương cũng tạo sự cạnh tranh cao. Nhóm lao động này cũng có lợi thế hơn trong thị trường tuyển dụng hiện nay.

Đào tạo trước khi doanh nghiệp có nhiều đơn hàng

Theo ông Phạm Văn Xô - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, tình hình khó khăn vẫn đang tiếp diễn với các ngành chủ lực như gỗ, dệt may và da giày. Giữ chân được người lao động trong lúc này là việc khó với nhiều doanh nghiệp. Nhưng một khi đơn hàng phục hồi trở lại, việc tuyển mới càng khó hơn khi đã cắt giảm hàng loạt.

Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương mong muốn tỉnh có chính sách tập trung nguồn lực lao động, để đào tạo trước khi doanh nghiệp có nhiều đơn hàng trong giữa hoặc cuối năm. Như vậy doanh nghiệp không bị động về nguồn lao động. Khi có lại đơn hàng và có sẵn lao động thì sẽ bắt tay vào sản xuất ngay.

Ông Tuyên cho biết lao động qua đào tạo ở tỉnh Bình Dương đạt hơn 80%. Tuy nhiên, lao động có chứng chỉ, bằng cấp chưa đầy 40%. Do đó, một lượng lớn người lao động khó đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp khi đi xin việc làm mới.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu mới cho người lao động, vừa làm việc vừa phải nâng cao tay nghề, "nâng cấp bản thân" bằng cách hoàn thành các chứng chỉ nghề nghiệp, hoàn thành các cấp học phổ thông.

Trước mắt, Sở LĐTBXH, công đoàn các khu công nghiệp vẫn tìm đủ cách để kết nối doanh nghiệp – người lao động, giúp người lao động phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi mất việc làm.

"Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp, Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề, trường cao đẳng và các trường trung cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp. Qua đó, Bình Dương sẽ có đội ngũ công nhân lành nghề, nắm bắt được công nghệ sản xuất mới tại doanh nghiệp", ông Tuyên cho biết.

Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động phổ thông. Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH Đồng Nai, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho gần 1.300 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bất ổn thị trường lao động đầu năm ở thủ phủ công nghiệp-Bài cuối: Chính quyền làm gì để công nhân, doanh nghiệp bớt khó? - Ảnh 8.

Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức sàn việc làm mỗi tháng 2 lần từ tháng 2 kéo dài đến hết năm 2023. Ảnh: TTDVVL

Các ngành nghề đào tạo gồm may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, tin học, điện công nghiệp, ô tô và điện gia dụng, kỹ thuật pha chế đồ uống…

Sau khi đào tạo, người lao động sẽ được cấp chứng chỉ nghề để tìm kiếm việc làm phù hợp. Cũng sau các khoá học, trung tâm kết nối với doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp.

Dự kiến trong năm 2023, Sở LĐTBXH Đồng Nai sẽ tập trung các giải pháp giải quyết việc làm cho trên 80.000 lao động.  Định kỳ ngày 10 và 25 hàng tháng tổ chức các sàn giao dịch việc làm và điều tra thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem