Thứ năm, 28/03/2024

Chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát

10/04/2022 1:00 PM (GMT+7)

Dù áp lực lạm phát đang tăng nhưng với sự linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua, giới chuyên môn đưa ra lời khuyên không quá lo ngại về lạm phát tiền tệ trong năm 2022.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát - Ảnh 1.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu, gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3 tăng.

Hiện tượng “té nước theo mưa” chưa xuất hiện

Xét mức thay đổi theo tháng, áp lực lạm phát dễ thấy nhất là ở nhóm giao thông với mức tăng 4,8% so với tháng trước, đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2020. Với 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 3, chỉ số giá xăng dầu tăng 13,4% và tác động đến CPI chung là 0,5 điểm %.

Việc tăng giá của mặt hàng liên quan đến dầu thô như dầu hỏa và gas cũng ảnh hưởng đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, khiến nhóm này tăng 1,5% so với tháng trước. Mặt hàng tăng đầu tiên do tác động của việc tăng giá xăng dầu là giá cước vận tải hành khách và một số sản phẩm lương thực chế biến.

Trong khi đó, việc tăng giá của các hàng hóa còn lại theo ước tính của Tổng cục Thống kê là khá khiêm tốn. Cụ thể, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; đồ uống và thuốc lá đều tăng 0,1% so với tháng trước. Đáng chú ý, nhóm thực phẩm giảm 0,5% trong tháng 3 giúp kiềm chế đà tăng của chỉ số CPI khoảng 0,1 điểm %...

Với các diễn biến trong nước và thế giới, các nhà phân tích của Công ty CK Rồng Việt (VDSC) nhận định, lạm phát đang định hình xu hướng đi lên, trong đó tác động rõ rệt nhất là do đà tăng của giá dầu thô, các mặt hàng liên quan trực tiếp đến dầu thô như (xăng dầu, gas) đóng góp hơn 2 điểm % đến mức tăng CPI chung.

“Hiện tượng “té nước theo mưa” chưa xuất hiện, và đà tăng giá của các mặt hàng còn lại là tương đối mờ nhạt do sức cầu trong nước vẫn còn yếu”, các chuyên gia VDSC nhận định.

Ở một góc nhìn khác, chỉ số điều chỉnh GDP (hay còn gọi là chỉ số giảm phát GDP) cho thấy mức giá trung bình của tất cả các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong đó mức thay đổi giá cao nhất thể hiện ở các ngành như khai khoáng, y tế, xây dựng và điện và khí đốt.

Riêng đối với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hóa, sự thay đổi GDP so với cùng kỳ do yếu tố giá là 4,5%, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quý 1/2022 tăng 4,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 1,6%, điều này cũng tương ứng với mức thay đổi giá cả hàng hóa đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khoảng 2,8%.

Tham chiếu thêm một số chỉ số giá khác của nền kinh tế, chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm nguyên vật liệu sử dụng cho nông lâm nghiệp, thủy sản (+9,1%); cho xây dựng (+8,3%) và cho công nghiệp chế biến chế tạo (+5,5%). Đối với vận tải, chỉ số giá vận tải đường biển tăng cao nhất (+17,9%), đường hàng không (+9,1%)…

Ở khía cạnh xuất khẩu, mặt hàng có chỉ số giá tăng cao so với cùng kỳ trong quý 1/2022 là phân bón, sắt thép, hóa chất, nhiên liệu, hạt tiêu, cà phê; so với quý 4/2021 thì mức tăng nổi bật nhất là mặt hàng phân bón và nhiên liệu.

Ở chiều nhập khẩu, chỉ số chung giá hàng hóa nhập khẩu tăng rất cao, khoảng 11,0% so với cùng kỳ nhưng chỉ tăng 2,7% so với quý 4/2021, nhóm hàng có mức tăng giá nổi bật nhất là xăng dầu, phân bón và sắt thép.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia của VDSC cho rằng: “mặt bằng giá cả chung của nền kinh tế mới thể hiện nhiều ở mức thay đổi trong giá đầu vào, một số ngành nghề có mức tăng giá nổi bật đều gắn bó mật thiết đối với giá dầu thô như vận tải biển, phân bón, hóa chất”.

Nhìn về tương lai, giá dầu thô vẫn đang neo ở mức cao trên 100 USD/thùng do bất ổn kéo dài từ xung đột Nga – Ukraine.

So với cùng kỳ, giá dầu Brent trong quý 1/2022 cao hơn 60,7%, giá xăng A95 thế giới cao hơn 69,9% còn giá xăng A95 trong nước cao hơn khoảng 47,8%. Điều này cho thấy, việc tăng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa theo kịp đà tăng của giá xăng dầu thế giới.

Có hai yếu tố để lạc quan hơn về triển vọng giá xăng dầu trong nước: thứ nhất, đà tăng của giá dầu thế giới có vẻ đang chững lại ở vùng 100 USD/thùng; thứ hai, từ ngày 1/4/2022, Chính phủ đã giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 700-2.000 đồng/lít, tùy mặt hàng xăng dầu.

Lấy giả định mức giá dầu 100 USD/thùng được duy trì từ nay đến hết năm, mức thay đổi tương ứng so với cùng kỳ là 41,5%, điều này sẽ khiến CPI chung tăng 1,5 điểm %. Còn nếu giá dầu duy trì ở mức 130-140 USD/thùng từ nay đến cuối năm sẽ là ngưỡng cảnh báo khiến lạm phát Việt Nam vượt qua mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

Ngoài ra, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp nhà điều hành có dư địa để kiểm soát đà tăng của giá dầu trong trường hợp giá dầu tiến lại vùng 120 USD/thùng.

“Đà tăng giá hàng hóa thế giới chỉ mới phản ánh vào một số mặt hàng tiêu dùng, chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước do đó vừa là yếu tố cần quan sát với triển vọng tăng trưởng kinh tế và triển vọng lạm phát từ nay đến cuối năm”, VDSC nhận định.

Cấu phần tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng

Chia sẻ tại buổi Đối thoại chuyên đề "Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.

Cụ thể, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Hay như tỷ giá luôn được giữ ổn định, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh.

“Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra”, ông Nguyễn Đức Long chia sẻ.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho rằng cấu phần tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng. Thông qua sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá đầy đủ khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định không có sự kích hoạt lạm phát.

“Tôi vẫn tin vào cách điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương (NHTW) như mấy năm nay khá vững vàng, chuyên nghiệp và rút kinh nghiệm được từ những năm trước. Do đó, chúng ta không quá lo ngại về lạm phát tiền tệ”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm và đưa ra minh chứng cho niềm tin này, đó là: “Bằng chứng là chỉ số lạm phát cơ bản trong mấy tháng gần đây vẫn ở mức thấp, không phải mức đáng lo ngại. Khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế khá nhanh”.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, để phục hồi kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai những gói kích thích kinh tế lớn, tổng giá trị các gói này lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tất cả dòng tiền này chảy vào trong dân và trở thành sức cầu. Khi biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng, những đồng tiền này phải được chi tiêu. Điều này đã tạo ra tâm lý toàn cầu về lạm phát.

Tại Việt Nam, dù giá phân bón có tăng nhưng giá lương thực thực phẩm không phải áp lực lớn với Việt Nam, bởi chúng ta chủ động được các yếu tố căn bản.

Còn về năng lượng, năm 2021 Việt Nam nhập siêu xăng dầu khoảng 7 tỷ USD, năm nay dự báo là khoảng 9-10 tỷ USD – con số cũng không phải quá lớn do Việt Nam có một lượng xăng dầu trong nước để cung ra thị trường để hạn chế bớt được tác động từ bên ngoài.

Một vấn đề nữa được ông Lê Xuân Nghĩa nhắc đến đó là toàn bộ lạm phát chi phí đẩy không bị kích hoạt thêm bởi lạm phát cầu kéo. “Cách Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo ngại rằng chúng ta sẽ “tứ bề gặp giặc” mà chỉ “một bề” thôi: đó là chi phí đẩy.

Chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Chúng ta cũng không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy”, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, ông Lê Xuân Nghĩa tin rằng: “Nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% là có thể đạt được”.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Chính sách chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng của Techcombank trình cổ đông là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.

VNDirect bị "tấn công" và lời cảnh báo nóng của chuyên gia

VNDirect bị "tấn công" và lời cảnh báo nóng của chuyên gia

Chuyên gia lưu ý, tất cả các công ty chứng khoán khác dù công nghệ có mạnh cỡ nào vẫn dễ gặp phải tình huống tương tự VNDirect nếu nhân viên của họ thiếu ý thức, mất cảnh giác với các đường link "lạ".

Nguồn vốn "khủng" mới cho các doanh nghiệp nền tảng số, đến 1 tỷ USD

Nguồn vốn "khủng" mới cho các doanh nghiệp nền tảng số, đến 1 tỷ USD

Ngân hàng HSBC toàn cầu vừa công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN (ASEAN Growth Fund) trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nền tảng số ở Việt Nam và khu vực mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế số đang bùng nổ.

Moody’s nâng bậc, nâng hạng cho 2 ngân hàng Việt Nam

Moody’s nâng bậc, nâng hạng cho 2 ngân hàng Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s vừa nâng bậc nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng cho một ngân hàng ở Việt Nam, và nâng hạng triển vọng cho một nhà băng khác.

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục năm thứ 7 liên tiếp, HAGL giải trình gì?

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục năm thứ 7 liên tiếp, HAGL giải trình gì?

Hoàng Anh Gia Lai báo lãi 1.125 tỷ đồng năm 2022 và vừa lãi tiếp 1.782 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, Công ty kiểm toán Ernst & Young vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này và đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp kiểm toán đặt nghi ngờ với DN nhà bầu Đức.

Nữ doanh nhân xinh đẹp đến từ Singapore gây sửng sốt với đũa chỉ huy dàn nhạc

Nữ doanh nhân xinh đẹp đến từ Singapore gây sửng sốt với đũa chỉ huy dàn nhạc

Chỉ huy dàn hợp xướng trong buổi hòa nhạc gần đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội là bà Michele Wee, một nữ doanh nhân tài năng và xinh đẹp. Trước đó, bà chưa từng xuất hiện trong vai trò nhạc trưởng như vậy.