Thứ bảy, 20/04/2024

Chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng

14/08/2022 6:00 PM (GMT+7)

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, Việt Nam phải nghiên cứu xem xét dự báo vấn đề này và có những kịch bản cụ thể.

Chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để ứng phó với lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm đến nay đã bốn lần tăng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2011 trong khi nhiều thể chế tài chính khác trên thế giới cũng phát tín hiệu tăng lãi suất. Vậy động thái này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia.

- Nhiều chuyên gia nhận định việc Fed, ECB và nhiều thể chế tài chính khác trên thế giới sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát có thể khiến đà phục hồi kinh tế của chính các quốc gia này chậm lại, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi: Tôi cho rằng các chuyên gia nhận định như vậy cũng đúng. Khi sử dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát thì đúng là có thể từng bước kéo lạm phát xuống thấp hơn nhưng ở một chừng mực nhất định, công cụ lãi suất này cũng làm thu hẹp đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc công ăn việc làm sẽ tạo ra ít hơn, doanh nghiệp không có điều kiện để mở rộng sản xuất do lãi suất cao thì chi phí vay vốn sẽ cao và như vậy thì dẫn tới hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của chính doanh nghiệp. Hệ quả là sự phục hồi của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu chính sách lãi suất cao kéo dài không được áp dụng linh hoạt hơn thì đôi khi lại phản tác dụng, khiến nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng.

- Thưa bà, chính sách tăng lãi suất của Fed và ECB đang tác động bất lợi như thế nào đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi: Trong bối cảnh hiện nay thì hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu giữa các quốc gia liên thông với nhau. Vì thế, việc Mỹ, ECB thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất lên cao sẽ tác động đến nhiều quốc gia khác, nhất là ở góc độ vai trò, vị trí của đồng tiền.

Thực tế là đồng đôla Mỹ liên tục tăng giá trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều đồng tiền nội tệ của nhiều nước mất giá. Điều này có nghĩa là các quốc gia xuất khẩu mà có đồng nội tệ mất giá so với đồng đôla Mỹ sẽ thiệt thòi nhưng nhập khẩu ở một chừng mực nhất định là có lợi.

Tuy nhiên, mức độ tác động là khác nhau và phụ thuộc vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của mỗi nước, trong đó có chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

- Việc lãi suất cơ bản tại Mỹ liên tục tăng và đồng đôla Mỹ mạnh lên sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động sản xuất trong nước cũng như thương mại của Việt Nam, thưa bà?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi: Ở khía cạnh xuất hàng hóa vào Mỹ thì rõ ràng khi đồng đôla Mỹ lên giá, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu có thể bị thiệt thòi vì chi phí đầu vào tăng lên. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy ảnh hưởng này cũng không quá lớn vì các hợp đồng thường đã được ký từ đầu năm.

Tuy vậy, nếu đồng đôla Mỹ tiếp tục mạnh lên từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2023 thì rõ ràng những doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thiệt thòi vì các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay dù ký với Mỹ hay với doanh nghiệp ở châu Âu hay các nước thì 90% các giao dịch vẫn bằng đôla Mỹ.

Nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất cơ bản tại Mỹ và EU tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam. Vậy bà nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi: Khi đôla Mỹ tăng lên thì hiển nhiên là ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nhưng mức độ ảnh hưởng như thế nào lại tùy thuộc vào nhiều vấn đề. Tại Việt Nam, đồng đôla Mỹ tăng giá sẽ có những tác động không nhỏ đến tỷ giá và lãi suất. Trong khi đó, đây là hai biến số vĩ mô rất quan trọng trong thu hút đầu tư hoặc là dòng vốn chạy tháo ra bên ngoài.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xử lý để biến động tỷ giá này nằm trong khuôn khổ cho phép nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư.

Nếu biến động tỷ giá được kiểm soát trong khuôn khổ cho phép thì việc chuyển dòng vốn ra nước ngoài không lớn. Tuy nhiên, nếu tỷ giá biến động quá mạnh mà không có biện pháp kiểm soát thì rất dễ dẫn đến hiện tượng tháo vốn ra nước ngoài. Do vậy mức độ tác động của biến động tỷ giá phụ thuộc khá lớn vào việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các chính sách vĩ mô.

- Bà nhìn nhận như thế nào về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ Việt Nam hiện nay và bà có đề xuất chính sách gì để ứng phó hiệu quả với những tác động không mong muốn của việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi: Theo tôi, các chính sách vĩ mô của Việt Nam đã được điều hành đúng hướng và ở một chừng mực nhất định rất linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế trong nước và sự tác động của nước ngoài vào kinh tế trong nước.

Minh chứng rõ nét là trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, điều hành lãi suất theo xu hướng tăng thì ở Việt Nam, việc điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ, được điều hành rất linh hoạt. Sự linh hoạt này được thể hiện ở chỗ lạm phát của Việt Nam trong bảy tháng qua vẫn trong giới hạn cho phép. Đặc biệt, lạm phát tại Việt Nam những tháng qua không hẳn do yếu tố cung tiền mà chủ yếu do chi phí đẩy và yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Với việc khẳng định được nguyên nhân lạm phát tại Việt Nam như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã không dùng công cụ tăng lãi suất để điều tiết lạm phát. Do vậy, lãi suất tại Việt Nam đã được giữ ở mức độ tương đối ổn định nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm vay vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND cũng được Ngân hàng Nhà nước điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, Việt Nam luôn phải nghiên cứu xem xét dự báo vấn đề này và có những kịch bản cụ thể.

Thực tế là khi các nước duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt thì Việt Nam không thể nới lỏng mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, các mục tiêu của nền kinh tế hướng tới để điều hành các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhưng phải thực sự thận trọng. Thắt lại nhưng thắt như thế nào để nền kinh tế vẫn có thể phục hồi và phát triển thì đây là nghệ thuật điều hành chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Xin cảm ơn bà!

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vẫn đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu Ngân hàng SCB

Vẫn đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu Ngân hàng SCB

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu SCB từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động.

Cổ phiếu tăng phi mã, tài sản của gia đình Cường Đô La tăng gần 1.360 tỷ đồng sau 1 tháng

Cổ phiếu tăng phi mã, tài sản của gia đình Cường Đô La tăng gần 1.360 tỷ đồng sau 1 tháng

Cổ phiếu QCG đã tăng phi mã tới 89%, từ mức 9.160 đồng/CP lên tới 17.350 đồng/CP. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, tài sản của gia đình Cường Đô La đã tăng gần 1.360 tỷ đồng, lên hơn 2.880 tỷ đồng.

Lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện, VN-Index giảm tới hơn 23 điểm

Lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện, VN-Index giảm tới hơn 23 điểm

Sát giờ nghỉ trưa, VN-Index có thời điểm giảm sâu tới hơn 23 điểm khi lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện.

Quý đầu năm, kiều hối về TP.HCM hơn 2,8 tỷ USD

Quý đầu năm, kiều hối về TP.HCM hơn 2,8 tỷ USD

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của kiều hối trong 3 năm gần đây.

Giá vàng bật tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, vượt 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng bật tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, vượt 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay (19/4) đã đảo chiều tăng trở lại do lo ngại rủi ro địa chính trị, nhà đầu tư cũng tăng nhu cầu trú ẩn với vàng.

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (19/4): Vì sao cổ phiếu "quốc dân" HPG có tiềm năng tăng giá tới 21%?

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (19/4): Vì sao cổ phiếu "quốc dân" HPG có tiềm năng tăng giá tới 21%?

Ngành thép kỳ vọng đi vào hồi phục từ năm 2024 nhờ sự ấm dần lên của ngành bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công. Từ đó, SHS đặt giá mục tiêu của HPG là 34.300 đồng trong vòng 12 tháng tới, tiềm năng tăng giá 21% (giá hiện tại của cổ phiếu này là 28.000 đồng).