Chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp dự kiến vẫn xuất khẩu được 41 tỷ USD: Bùng nổ ở thị trường EU

Khương Lực Thứ hai, ngày 26/10/2020 10:36 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Quốc Toản-Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, trong những tháng cuối năm, chúng ta phải duy trì được khối lượng cung ứng, sự ổn định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điều quan trọng để giữ đà tăng và thực hiện mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm 2020.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong bối cảnh vô cùng khó khăn của kinh tế toàn cầu, sức mua vẫn chịu ảnh hưởng bởi tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 - đặc biệt các khu vực thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam - chúng ta giữ vững được nhịp xuất khẩu nông sản và không để xảy ra tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Xuất khẩu nông sản sẽ tốt hơn, nhưng cần chủ động giữ chất lượng để tránh bị trả về - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT): Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

"Chúng ta vui mừng nhận thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 30,05 tỷ USD và trong đó điều quan trọng chúng ta thấy có tới 9,5 tỷ USD mặt hàng nông sản đã qua chế biến. Đây là một tỷ trọng tương đối cao. Nếu nhìn nhận so với 2 năm trước đây tỷ lệ này khoảng 10% thì hiện nay con số các mặt hàng xuất khẩu qua chế biến rơi vào xấp xỉ 30%.

Đặc biệt, thặng dư thương mại nông sản hiện chiếm tới 80% thặng dư thương mại của cả nước. Điều này cho thấy, thị phần xuất khẩu nông sản được khẳng định và chúng ta quản lý tốt vấn đề nhập khẩu các nguyên liệu đều vào để tổ chức sản xuất trong nước" – ông Toản chia sẻ.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT tập trung chỉ đạo khai thác tốt nhất các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Liên minh Châu Âu (EU), phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu nông sản cả năm đạt 41 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ này?

Qua 9 tháng chúng ta thấy rằng chặng đường trong quý IV/2020 còn nhiều  khó khăn, thách thức. Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ rất chủ động, quyết liệt phối hợp với các địa phương và các hiệp hội ngành hàng.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt một số nước Châu Âu dịch Covid-19 đã quay trở lại, còn phức tạp; rồi tình hình Covid-19 và đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị, tình hình bầu cử của Mỹ cũng là một yếu tố sẽ quyết định rất lớn tới xuất khẩu của chúng ta.

Vấn đề đặt ra trong quý IV/2020 là chúng ta tiếp tục khẳng định và kiên trì phát huy những thành quả đã đạt được của 6 nhóm mặt hàng chủ đạo, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, gạo, rau quả, hạt điều, cà phê. Nhu cầu của nhóm ngành hàng này còn đều đặn và cao trong quý IV.

Xuất khẩu nông sản sẽ tốt hơn, nhưng cần chủ động giữ chất lượng để tránh bị trả về - Ảnh 2.

Công ty CP Nafoods Group vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 40% trong dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chúng ta tận dụng, chắt chiu từng thời cơ, cơ hội đối với thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Đây có thể là một điểm sáng, một cú hích để cho các sản phẩm rau quả, thủy sản của chúng ta được đẩy mạnh vào thị trường này, đặc biệt là đạt mức độ cao về mặt giá trị. Trong 9 tháng, chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường EU 2,81 tỷ USD.

Cùng với đó, chúng ta tiếp tục kiên trì nhóm các mặt hàng công nghiệp như cà phê, hồ tiêu vẫn thể hiện sức tăng trưởng vào thị trường EU. Trên thực tế, ngay cả khi dịch Covid-19 xảy ra, các nước Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan… vẫn duy trì nhập khẩu khối lượng, sản lượng và giá trị hồ tiêu, cà phê ở mức tốt, tích cực.

Đối với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt các sản phẩm cô đặc từ rau, củ, quả (chanh leo, thanh long, xoài…) cũng cần được đẩy mạnh toàn diện ở khu vực EU, Mỹ.

Trong quý IV, chúng ta cần phải chuẩn bị tích cực để không bị động, đó là cùng với các đơn hàng trong quý IV thì cũng mong các doanh nghiệp chú trọng những đơn hàng để vắt sang được quý I/2021 để không có độ trễ của các đơn hàng đầu năm sau. Với những giải pháp này, chúng ta sẽ nỗ lực hết sức làm sao cán đích xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 tỷ USD.

Ông đánh giá như thế nào về việc bắt nhịp và tiếp cận đối với các thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay?

Trong 3 quý đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, nhưng điều đáng mừng là họ rất kiên trì, sáng tạo để vượt khó. Trong hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp luôn có sự liên kết, hợp lực để cùng phục vụ các đối tượng khách hàng. Đó là điều đáng quý, trân trọng.

Mặc dù sức bật quý IV/2020 không bằng quý IV/2019, nhưng chúng tôi thấy rằng Covid-19 là một phép thử để chúng ta thay đổi một số phương thức trong tổ chức sản xuất, đó là chú trọng, rà soát lại tất cả những phần điều hành, chi phí của doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm. Thông qua đó, các doanh nghiệp phần nào nâng được sức cạnh tranh của mình.

Dự kiến trong tháng 11/2020, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương tổ chức một hội nghị lớn về thị trường Halal - khối các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có công dân theo đạo Hồi – nơi có nhu cầu nhập khẩu nông sản rất lớn. Khối thị trường Halal có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới, họ ở cả EU, Châu Mỹ, chứ không riêng gì Trung Đông, rồi Indonesia, Malaysia... Đây là thị trường mà nhiều mặt hàng của chúng ta có lợi thế, gồm: gạo Japonica, hạt tiêu, cà phê, thủy sản, các nhóm gia vị.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT)

Trong năm 2020, có 12 dự án chế biến được khánh thành, khởi công với số vốn lên tới 11.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp vẫn xác định thị trường của các sản phẩm chế biến vẫn có sức sống bền bỉ và có giá trị vẫn cao.

Trong đại dịch Covid-19, Công ty CP  thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao mỗi tuần vẫn xuất khẩu đều đặn 10 conteiner hàng chanh leo cô đặc được sản xuất từ Gia Lai, rồi đưa xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định) để xuất khẩu sang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).  

Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã bắt nhịp, Bộ NNPTNT chỉ đạo rất quyết liệt, từ Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, các đơn vị của Bộ cũng xúm tay vào cùng với cộng động doanh nghiệp có rất nhiều những hội thảo chuyên đề từ khâu sản xuất cho đến khâu thị trường.

Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mai tự do Việt Nam- EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8, bản thân các doanh nghiệp đã nỗ lực nối lại các đơn hàng để tổ chức những đợt xuất khẩu, đem lại giá trị cao, nhất là các mặt hàng như chanh leo, cà phê… Ngay các đối tác Châu Âu cũng nhìn thấy Việt Nam là nhà cung cấp nông sản có vị thế và giá trị. Điều đó rất quan trọng và được thế giới đánh giá cao.

Tóm lại, trong khó khăn nhưng chúng ta vẫn kiên trì con đường thực hiện sản xuất, chế biến, gắn với tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu theo hướng bền vững, chứ chúng ta không làm theo phong trào. Trong đại dịch Covid-19, chúng ta tìm mọi cách để có thị trường ngách là các sản phẩm chế biến vẫn xuất khẩu đi đều đặn.

Như ông vừa nói, hiện nay tình hình dịch Covid-19 ở các thị trường tiêu thụ nông sản chính của Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp. Để duy trì đà tăng xuất khẩu vào các thị trường này, chúng ta cần lưu ý điều gì và có giải pháp thực hiện như thế nào?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 chúng ta rất chủ động, nhưng không được quyền chủ quan. Đầu tiên, chúng ta phải duy trì được khối lượng cung ứng và duy trì được sự ổn định về mặt chất lượng. Bởi, nếu một lô hàng nào bị trả về hoặc vi phạm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm thì đó là điều thiệt hại cho cả ngành hàng.

Chúng ta có một số nhóm sản phẩm có lợi thế ở tầm thế giới như chanh leo - đang canh tranh với Ecuador, Peru – nên phải đảm bảo và giữ được mạng lưới khách hàng, liên kết được các nhà phân phối bán lẻ tại bản địa, đặc biệt khu vực EU, Đông Bắc Á. Đồng thời, phải tuyên truyền một cách tích cực, đặc biệt là về giá trị văn hóa của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý… Chúng ta phải minh bạch hóa điều này và đảm bảo thực hiện tốt.

Điều cuối cùng rất lưu ý là tập trung xuất khẩu nhưng không được phép bỏ quên thị trường nội địa. Đây là giai đoạn chúng ta chuẩn bị cho cuối năm và Tết nguyên đán, nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Người Việt Nam yêu thích, lựa chọn những sản phẩm nông sản Việt Nam là một xu hướng tích cực.

Người Việt Nam cũng đã rất vui mừng vì chúng ta đã khống chế Covid-19 ở trong nước, thành tựu đó là chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhưng cũng là dư địa lớn để kích cầu, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đẩy mạnh và nhiều chuỗi siêu thị ra đời. Đây là cơ hội để chúng ta đưa hàng nông sản vào các khu vực siêu thị phân phối, bán lẻ từ thành thị tới nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Chúng tôi rất mong các gói hỗ trợ tín dụng kịp thời để có sự hấp thụ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến của chúng ta rất cần hấp thụ vốn này để làm sao vòng quay của tín dụng phù hợp với vòng quay vốn lưu động của các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm ra thị trường, phục vụ xuất khẩu.

Đây là điều rất quan trọng vì cuối năm, các nhu cầu về tổ chức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất về đích. Do vậy, nguồn vốn cần kịp thời, rất mong các định chế tài chính và các tổ chức tín dụng chúng ta cùng đồng hành vào cuộc, hỗ trợ doanh nghiệp, bà con nhân dân trong quý IV/2020 về đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ đặt ra.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem