Chợ bạc tỷ biến dạng

Thứ tư, ngày 21/04/2010 10:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chợ trung tâm đầu mối trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư hàng mấy chục tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động được một thời gian đã biến dạng thành siêu thị bán mắm, chợ bán hàng tạp hóa...
Bình luận 0
img
Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp nay thành nơi bán hàng tạp hóa.

Chợ “hóa” siêu thị mắm…

Hơn 4 năm trước, người dân trồng cây ăn trái ở ĐBSCL phấn khởi khi hay tin trên Trung tâm Thương mại trái cây tầm cỡ quốc gia nằm ven Quốc lộ 1A thuộc ấp Hoà Phú, xã Hoà Khánh (Cái Bè, Tiền Giang) đi vào hoạt động.

Trung tâm này có diện tích gần 12ha, do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) làm chủ đầu tư, có hệ thống kho lạnh 2.000m2, siêu thị bán sỉ trái cây với 170 gian hàng; các chi nhánh bưu điện, ngân hàng…

Theo Sở Công Thương Tiền Giang, địa phương đã rót vào dự án này 36 tỷ đồng, về phía Satra cũng đầu tư hơn 26 tỷ đồng...

Tuy nhiên, khai trương chưa được bao lâu thì Trung tâm lâm vào cảnh đìu hiu. Khách đường dài ghé vào lèo tèo, các nhà vườn ngại vào siêu thị dù tỉnh đã công bố nhiều chính sách ưu đãi… Sau một thời gian hoạt động cầm chừng, đến tháng 5-2008, siêu thị trên được "hô biến" thành siêu thị mắm Trí Hải. Và cũng sau một thời gian ngắn, siêu thị mắm được "hô biến" thành trạm dừng chân của xe khách.

Chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp được đầu tư hơn 18 tỷ đồng với quy mô 5ha bao gồm nhiều chức năng như khu vực kiểm tra dự lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân…Tuy nhiên, hiện toàn bộ khu nhà lồng trung tâm chợ được phân ra thành nhiều lô sạp nhỏ để bán tạp hóa…

Nhiều tiểu thương cho biết: "Ban đầu đăng ký vào đây bán trái cây cho người dân và khách du lịch nhưng ngày càng ế ẩm quá nên chuyển sang bán các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho… dân địa phương".

Đánh giá về hoạt động của chợ, ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thừa nhận, khi xây dựng chợ đã có sự "sai lầm" trong tính toán nên nhà lồng trung tâm vừa bán trái cây lẻ, phục vụ du lịch, vừa làm nơi giao dịch bán sỉ, sau một thời gian không phù hợp đành chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác…

Được chợ, thiếu kho

Nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp cho rằng để chợ đầu mối phát triển, cần sự trợ lực rất lớn về chính sách sử dụng đất, hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, miễn giảm thuế...

Theo khảo sát, tại ĐBSCL hiện còn 7 địa phương chưa có chợ đầu mối nông thủy sản. Các tỉnh, thành còn lại có 13 chợ đầu mối nông thủy sản. Theo đánh giá của nhiều người, thành công nhất trong các chợ đầu mối trái cây ở ĐBSCL là chợ trái cây Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Tuy nhiên, thực tế hoạt động tại chợ này còn nhiều hạn chế, như tình trạng nhiều tiểu thương bán buôn cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, trong khu vực chợ không có kho lạnh, hỗ trợ kỹ thuật, các dịch vụ vay vốn ngân hàng...

Ông Đoàn Văn Phương-Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết: Hầu hết chợ nông sản thiếu các dịch vụ có liên quan như kho lạnh, đóng gói, tư vấn kỹ thuật… Phải có các dịch vụ này mới giải quyết đầu ra mạnh hơn, nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân, thương nhân được lợi nhiều hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem