Chợ lớn nhất và chợ nhỏ nhất hay là 'bảo tàng sống' ở Sài Gòn

Ngữ Yên Thứ năm, ngày 11/11/2021 07:43 AM (GMT+7)
Mọi khi, cần nấu cháo lòng hoặc một món gì đòi hỏi nhiều thành phần, chúng tôi nghĩ ngay đến chợ Bàn Cờ (quận 3). Ngôi chợ Cầu Cống nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ nối dài ở quận 4 gần nhà ít khi tính đến, thường đi chợ Hãng Phân hơn.
Bình luận 0

Nhưng nay chợ Hãng Phân không có dưa cải. Thói quen lâu nay là chợ Bàn Cờ chắc không thiếu. Nhưng tới nơi, mới vỡ ra một lẽ: không có người mua nên người bán cũng không.

Chợ Bàn Cờ vắng như "bãi thị"

Sáng 9/11, chúng tôi dạo thử chợ Bàn Cờ, mắt dáo dác tìm mua miếng dưa cải. Con đường hàng rau củ vắng tanh.

Chợ Bàn Cờ là ngôi chợ tuy nhà lồng nhỏ nhưng chợ mở rộng thiệt bự. Có thể nói đó là ngôi chợ lớn nhất ở Sài Gòn. Nó bao bốn mặt đường gồm Bàn Cờ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiện Thuật và Điện Biên Phủ.

Chợ lớn nhất và chợ nhỏ nhất - 'bảo tàng sống' ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Một đoạn chợ Cầu Cống nằm trên đường Đoàn Văn Bơ nối dài, quận 4. Ảnh: Ngữ Yên

Người rành đi chợ Bàn Cờ, đường ngang nào chuyên bán gì đều thuộc lòng. Từ đường Nguyễn Đình Chiểu tính vào đường ngang đầu tiên giới hạn bởi đường Bàn Cờ và Nguyễn Thiện Thuật chuyên bán giày dép, ba lô và túi xách hàng 'xi' (gọi tắt từ sida, tức là hàng đã qua sử dụng). Đường ngang thứ hai cũng bán giày dép, nhưng có thêm quần áo. Đường ngang thứ ba bán bánh kẹo. Đường ngang thứ tư bán rau củ quả, thịt thà...

Chúng tôi tìm mua dưa cải và cá nên vào sâu thêm đường thứ tư, trong đó lại chằng chịt ngang dọc như bàn cờ. Có một con đường dọc chuyên cá. Gần sát đầu đường ngang từ đường Bàn Cờ đi vào là một đống chân trụ dù chồng chất và xích lại. Những chân trụ dù này thuở yên vui chưa có dịch sẽ cõng những chiếc dù nằm san sát nhau cho các quầy hàng hoạt động. Sáng nay vắng ngắt. Chỉ còn một sạp thịt bò.

Vào đến con đường cá, chỉ có một người bán cá. Chị có đúng hai thứ: cá ngừ và cá cam. Mỗi thứ có chừng chục con mà đến 10 giờ còn một nửa. Đồng giá 60.000/kg. Con cá ngừ một ký tôi trả 50.000 đồng. Chị không lắc đầu mà than: hàng ế quá anh ơi, cho em thêm 5.000 đồng. 

Chợ lớn nhất và chợ nhỏ nhất - 'bảo tàng sống' ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Những chân đế để cắm dù nằm xếp đống vì ‘thất nghiệp’ ở đường ngang thứ tư tính từ đường Nguyễn Đình Chiểu vào chợ Bàn Cờ. Ảnh: Ngữ Yên

Những người bán hàng ở chợ Bàn Cờ không phải hàng ế mà thân thiện. Họ thân thiện hơn so với nhiều người bán hàng ở chợ Bến Thành. Lạng quạng khách không mở hàng được là dân Bến Thành kiếm giấy đốt 'phong long'. Dĩ nhiên là phải khuất mặt ban quản lý, vì nguy cơ cháy nổ.

Cải chua bữa nay hiếm như... xăng dầu nên giá lên y như xăng dầu. Hiếm vì không có mấy người mua. Chỗ rau này bữa nay 15.000đ, giá ngày trước chưa tới 10.000đ. Chắc nó không nằm trong danh mục thiết yếu của những người đi chợ.

Khu chợ Bàn Cờ từ đường Bàn Cờ đến Nguyễn Thiện Thuật có tất cả tám đường ngang chưa kể những đường dọc bên trong dày đặc để nó có tên Bàn Cờ.

Chợ Cầu Cống - bảo tàng sống

Trước một hôm, tôi chạy thử chợ Cầu Cống, ngôi chợ ngày xưa của người nghèo tứ xứ né chiến cuộc tụ về. Chợ tự phát mọc lên trên con đường Đoàn Văn Bơ nối dài. Trước đây, con đường mang tên Đỗ Thanh Nhơn, một tướng tài của Gia Long.

Có ai ngờ cái chợ "nhỏ hơn con thỏ" của người nghèo lại sầm uất vô cùng. Lần đầu tiên đi ngang và quan sát ngôi chợ này, tôi thấy nó giống một cái "bảo tàng" sống động. Những thứ gì phía bên kia cầu ông Lãnh không còn lưu thông nữa thì nơi đây có. 

Dễ gì kiếm được hàng bánh thuẫn trong mấy cái chợ quận Nhứt. Bánh thuẫn là thứ bánh đóng chắc như đinh vào trí nhớ của thế hệ tôi. Thứ bánh chỉ đến cận Tết người lớn mới đổ. Đó cũng là lúc những chiếc mai mực má để dành giắt trên mái tranh chái bếp trở nên hữu dụng. Má thường hay giã nhuyễn mai mực trộn với bột trứng đỗ bánh cho bánh giòn...

Chợ lớn nhất và chợ nhỏ nhất - 'bảo tàng sống' ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Con đường vào hàng thịt cá ở chợ Bàn Cờ vắng hơn cả chùa Bà Đanh. Ảnh: Ngữ Yên

Bánh in ở những chợ lớn tìm không ra ở đây cũng có. Bánh oản gói giấy bóng kiếng đủ màu càng không thiếu. Hồi còn trẻ đi viết báo, Tết nào cũng cúng bánh in cho ông tổ báo Trương Vĩnh Ký. Để báo được in và thoát nạn xọt rác.

Ngay cái món thịt không nơi nào thấy bán lẻ, chợ Cầu Cống có luôn. Đó là thịt dê. Thứ thịt mà ngày xưa người ta gọi là "thịt sư phụ". 

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ từng hỏi tôi tại sao gọi là thịt sư phụ. Tôi trả lời lấy được: "Thường trong bầy dê chỉ có một con dê chúa là dê đực. Còn lại phần lớn là dê cái. Nó mà trốn nghĩa vụ trả bài với mợ dê nào, thì hôm đó nó đói, vì mợ ấy theo quấy rối không tha. Giỏi vậy nên được phong sư phụ". 

Bây giờ từ hàng thứ hai trong "tam cương" quân - sư - phụ, dê xuống còn là "bạn tôi" trong các quán ăn gia đình. Ăn miếng thịt mà thấy tội!

Chợ Cầu Cống còn có hàng bánh tôm đặc biệt. Khách muốn ăn phải chờ chẳng khác nào khách muốn ăn hủ tiếu mì ở quán Phát Mập bên kia cầu Calmette, quận 1. Tôi là người khách thứ ba. Một anh xe ôm tốt bụng thấy tôi chỉ mua hai cái bánh tôm, nhường: "Ảnh mua ít, làm cho ảnh trước đi!". Anh xe ôm ấy tôi biết chắc là dân Sài Gòn "cụ", nên phong cách rất Sài Gòn.

Chợ Cầu Cống bình thường giá nới hơn một hai ngàn so với chợ Hãng Phân hay chợ Xóm Chiếu. Nhưng đó là giá thực phẩm. Bạn muốn mua giá kim khí, điện máy, lên mạng mua, giá rẻ khoảng 70% cùng mặt hàng, nhãn hiệu. Tiền ship ở quận Tư lại nới hơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem