Cho một loạt đặc sản Cà Mau "ngồi chễm trệ" trên mạng, người mua đặt hàng online tới tấp, người bán vui ra mặt

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 28/05/2021 19:09 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh hàng đặc sản Cà Mau chọn cách bán hàng online. Với hình thức này, vừa góp phần phòng chống dịch bệnh, vừa giúp tăng doanh thu.
Bình luận 0

Nở rộ hình thức bán đặc sản Cà Mau qua mạng

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh đặc sản Cà Mau gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tâm lý khách hàng cũng khá e ngại khi đến mua hàng trực tiếp, hoặc tập trung ở chỗ đông người như chợ, siêu thị.

Nắm được tình hình đó, nhiều hợp tác xã (HTX), cơ sở kinh doanh đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau mạnh dạn đẩy mạnh bán hàng online. Cụ thể, các cơ sở này đăng tải hình ảnh về các đặc sản thông qua các website, mạng xã hội. Với cách làm này, đông đảo khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, lại an toàn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Chương – Giám đốc HTX Tân Phát Lợi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho biết: "Từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, HTX tăng cường đăng bán các mặt hàng trên website, như: Các loại tôm khô, muối tôm, bánh phồng tôm, chà bông tôm…Với hình thức này, khi có nhu cầu, khách hàng có thể liên hệ qua số điện thoại, HTX sẽ tư vấn nhiệt tình. Hàng hóa cũng được gửi đến tận nhà khách, rất tiện lợi".

Đặc sản Cà Mau lên ngôi nhờ hình thức bán hàng online - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Hồng Đạm đăng tải thông tin bán hàng qua Zalo. Ảnh: Chúc Ly.

"Các mặt hàng đều được đăng tải một cách rõ ràng về giá cả và các thông tin liên quan. Bên cạnh đó, các sản phẩm của HTX đã được khách hàng biết đến từ lâu. Nhờ đó, đa số khách hàng không xa lạ. Hình thức này vừa tiết kiệm chi phí, thời gian của người mua, vừa hạn chế đi lại, tập trung đông người", ông Chương cho biết.

Cũng theo ông Chương, hình thức bán hàng online hiện nay rất minh bạch. Nếu khách sỉ, người mua hàng sẽ nhận ưu đãi giá gốc như mua tại HTX. Còn khách lẻ, HTX sẽ cộng thêm phí nếu những nơi không có đại lý phân phối. Theo đó mỗi sản phẩm chịu phí từ 10.000-30.000 đồng tuỳ vào địa điểm.

Doanh số hàng đặc sản Cà Mau không giảm mà còn tăng

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), chia sẻ: "Các mặt hàng của cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu tận gốc, đều là đặc sản Cà Mau. Nhờ đó, giá cả rất phải chăng. Việc bán hàng online, khách hàng có thể xem và so sánh giá rất dễ dàng. Chính vì vậy, khách rất chuộng mua hàng đặc sản của cơ sở".

Đặc sản Cà Mau lên ngôi nhờ hình thức bán hàng online - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền bán các loại đặc sản Cà Mau như tôm khô, cua,...Ảnh: Chúc Ly.

Từ cách bán hàng qua mạng xã hội, cơ sở kinh doanh Đặc sản Mũi Cà Mau Mỹ Hiền của chị Hiền không bị sụt giảm doanh thu. "Để có được sự tin tưởng của khách hàng, trước đó cơ sở tham gia nhiều hội chợ, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, khách hàng biết đến mặt hàng của mình. Về sau khi cần mua, họ chỉ cần gọi điện", chị Hiền chia sẻ.

Với ưu thế bán hàng online hiện nay, người dùng sẽ trực tiếp tìm kiếm sản phẩm một cách nhanh chóng, tiện lợi. Do vậy, doanh số các mặt hàng đặc sản của cơ sở ở Cà Mau không sụt giảm, thậm chí còn tăng.

"HTX Tân Phát Lợi mỗi ngày bán ra thị trường các sản phẩm đặc sản vẫn giữ mức ổn định như trước đây, từ 100-200kg, có lúc tăng lên 300kg. Nhiều khách hàng ở xa, qua mạng xã hội đã mua được đặc sản Cà Mau một cách dễ dàng", ông Chương cho hay.

Đặc sản Cà Mau lên ngôi nhờ hình thức bán hàng online - Ảnh 4.

HTX Tân Phát Lợi luôn cố gắng đa dạng sản phẩm, đăng tải rõ ràng trên website, mạng xã hội để khách hàng dễ tiếp cận mua hàng. Ảnh: Chúc Ly.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Ðạm (ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), người có nhiều kinh nghiệm trong việc bán hàng đặc sản qua mạng, cho hay: "Để khách hàng tin tưởng, mình có nhiều cách làm. Ngoài đăng tải các thông tin giá cả rõ ràng, tôi còn quay clip, phát trực tiếp. Với cách đó, khách có thể xem và lựa chọn luôn mặt hàng. Nhờ vậy, cơ sở không giảm doanh thu mà còn tăng".

Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh, tạo sự tin tưởng cho khách hàng trước hàng ngàn người bán hàng trên mạng, nhiều cơ sở tăng cường tương tác trên mạng xã hội. Ngoài ra, các cơ sở đa dạng sản phẩm để khách hàng có thể "đi chợ" trên mạng, và giao hàng tận nơi khi khách hàng có nhu cầu.

"Bắt đầu từ đợt dịch Covid-19 bùng phát năm rồi, tôi đã bán hàng đặc sản online. Lâu dần, khách vào các trang cá nhân của mình trên mạng xã hội sẽ thấy được lịch sử đăng bài và bán hàng của mình. Bán hàng online trước tiên phải đảm bảo uy tín. Khi đã được tin tưởng thì một người truyền tai nhau 10 người", chị Đạm cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, thông tin: Trên địa bàn có 2 HTX, 2 doanh nghiệp, 5 cơ sở sản xuất và 10 hộ có kinh doanh mặt hàng đặc sản địa phương. Từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết các cơ sở và hộ kinh doanh đều có bán hàng online. Hình thức này được xem là giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, còn là biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem