Chỗ nào cũng quá tải, TP.HCM đổi gấp phương án cho shipper tự xét nghiệm

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 24/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng quy định doanh nghiệp tự xét shipper đã xảy ra quá tải. Sở Công Thương TP.HCM đã họp gấp và đề nghị các doanh nghiệp phát kit test cho shipper tự xét nghiệm.
Bình luận 0

Ngày đầu tiên TP.HCM để doanh nghiệp quản lý shipper tự tổ chức xét nghiệm Covid-19, đã xảy ra tình trạng quá tải tại nhiều nơi. Nguyên nhân là số lượng điểm xét nghiệm do doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở y tế chưa nhiều, shipper đổ dồn về vào đầu ngày nên không thể xử lý kịp.

Shipper trả phí xét nghiệm

Sau hai ngày chuẩn bị, sáng 24/9, các doanh nghiệp quản lý shipper tại TP.HCM đều đồng loạt tổ chức xét nghiệm cho tài xế. Hầu hết doanh nghiệp đều chọn phương án kết hợp với các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm và hỗ trợ một phần chi phí cho tài xế.

Đại diện Grab cho biết từ hôm nay, tài xế có thể đăng ký xét nghiệm nhanh Covid-19 có thu phí tại 2 bệnh viện. Thứ nhất tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, địa điểm xét nghiệm tại Sân vận động Quân khu 7, với mức phí 160.000 đồng/người. Thứ hai là bệnh viện Lê Văn Thịnh, trụ sở chính và điểm xét nghiệm lưu động tại Nhà Thiếu nhi Thủ Đức với mức phí 75.000 đồng/người. Hãng cũng vừa cập nhật thêm một số địa điểm xét nghiệm khác dành cho tài xế.

Chỗ nào cũng quá tải, TP.HCM đổi gấp phương án cho shipper tự xét nghiệm - Ảnh 1.

Những shipper chờ xét nghiệm sáng 24/9. Ảnh: Hồng Phúc

Phía Grab cho hay sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế 2 bánh tại TP.HCM có mức độ gắn kết cao và hoạt động tích cực. Cụ thể, tài xế hoàn thành đủ số khung giờ hoạt động cần thiết trên ứng dụng sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/tuần để thực hiện xét nghiệm theo quy định của cơ quan chức năng.

AhaMove, Be cũng kết hợp các cơ sở y tế để xét nghiệm cho tài xế với mức phí 75.000 đồng/lần. Kết quả xét nghiệm được sử dụng trong 3 ngày nên được xem là mức hợp lý cho tài xế.

"Chúng tôi phối hợp cùng chính quyền địa phương, đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của ứng dụng. Tài xế được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến", đại diện Be nói.

Gojek cho hay ngày 23/9, hãng đã nhận đủ số bộ xét nghiệm nhanh cho số lượng hàng chục nghìn tài xế đã đăng ký với Sở Công Thương. Bộ xét nghiệm nhanh được công ty phân phối tại 36 địa điểm, hoạt động từ 6-16h hàng ngày. Công ty đã chuẩn bị tài liệu tập huấn, quy trình tự xét nghiệm với minh hoạ cụ thể, rõ ràng, đảm bảo an toàn theo đúng các hướng dẫn của cơ quan y tế, gửi tới các tài xế thông qua mã QR. 

"Toàn bộ bộ xét nghiệm được cung cấp miễn phí bởi các cơ quan chức năng, từ nay cho đến ngày 30/9, tài xế Gojek sẽ không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào để thực hiện xét nghiệm nhanh", đại diện Gojek nói.

Baemin cũng hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm cho toàn bộ shipper của hãng tại TP.HCM từ ngày 23/9 đến hết ngày 30/9. Ứng dụng này cũng đang cân nhắc để có thể hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm cho các đối tác nhà hàng.

Đổi phương án cho shipper tự xét nghiệm

Dù các hãng cho biết đã tổ chức các điểm xét nghiệm cho tài xế nhưng thực tế trong ngày đầu tiên vận hành vẫn quá tải. Ngay sáng 24/9, Sở Công Thương TP.HCM đã có buổi làm việc với 34 doanh nghiệp quản lý shipper. 

Chỗ nào cũng quá tải, TP.HCM đổi gấp phương án cho shipper tự xét nghiệm - Ảnh 3.

TP.HCM đổi phương án cho shipper tự xét nghiệm. Ảnh: V.C.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện công tác tổ chức xét nghiệm theo phương thức: Các doanh nghiệp tổ chức phát các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho các shipper để mỗi shipper tự xét nghiệm, chịu trách nhiệm về tầm soát dịch bệnh của bản thân.

Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm, shipper gửi kết quả (thông tin, hình ảnh) cho doanh nghiệp quản lý để tiếp nhận thông tin và cập nhật dữ liệu lên Kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

Về cách thức triển khai, các doanh nghiệp tổ chức phát các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho lực lượng shipper để các shipper tự xét nghiệm theo nguyên tắc mẫu đơn hoặc mẫu gộp ba người với tần suất 3 ngày/lần.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tính toán để có chính sách phù hợp về mặt kinh tế (chi phí, giá dịch vụ) để cùng chia sẻ, hỗ trợ với lực lượng shipper trong quá trình hoạt động cũng như phát huy vai trò cung cấp dịch vụ này cho người dân thành phố.

"Việc thực hiện theo phương thức này để đảm bảo phù hợp và thích ứng với quá trình phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn cho các lực lượng shipper trong tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp phối hợp các đơn vị y tế để tổ chức tập huấn cho các shipper tự xét nghiệm", lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem