Chó thả rông ở TP.HCM (bài cuối): Chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội "vô ý làm chết người”

Chinh Hoàng Thứ bảy, ngày 06/08/2022 08:27 AM (GMT+7)
Nuôi chó thả rông, thiếu kiểm soát gây hậu quả nhãn tiền, nhưng thực tế cho thấy việc chấn chỉnh tình trạng này vẫn quá chậm chạp...
Bình luận 0

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên Dân Việt xoay quanh vấn đề: Quy định nuôi chó, hoạt động của Chi cục về cách ngăn chặn chó thả rông ở TP.HCM, khuyến cáo và phương án xử lý đối với những con chó dữ như: Bergie, Pitbull, Ngao Tây Tạng…

Chó thả rông ở TP.HCM luôn tiềm ẩn những mối nguy hại, chủ của con chó có thể bị xử lý hình sự nếu chó cắn chết người. Clip: Chinh Hoàng

Nuôi chó mèo chủ vật nuôi phải tuân thủ những gì?

Theo ông Bảo, hiện nay, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Người nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Chó thả rông ở TP.HCM (bài cuối): Những khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y  - Ảnh 2.

Chủ dẫn chó đi phóng uế bậy trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (đoạn quận Bình Thạnh). Ảnh: Chinh Hoàng

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Cũng theo ông Bảo, khi nuôi chó phải chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định. Chủ nuôi chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.

Chó thả rông ở TP.HCM (bài cuối): Những khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y  - Ảnh 3.

Không kiểm soát chó thả rông sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Chinh Hoàng

Trường hợp chó cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật (Phụ lục 15 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn).

"Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra một số trường hợp vi phạm khi đưa chó ra đường không có rọ mõm, không có dây xích, không có người dắt, không đăng ký đầy đủ với chính quyền địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của một số người dân chưa cao. Bên cạnh đó, nhân sự của chính quyền địa phương cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý chăn nuôi như bắt buộc phải đăng ký. Chưa làm tốt nhiệm vụ bắt và xử lý chó thả rông; xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, chưa tạo được sự răn đe để người dân chấp hàng đúng quy định", ông Bảo nói.

Có nên nuôi các loài chó dữ?

Rất nhiều người trên địa bàn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang nuôi những con chó dữ như Pitbull, Becgie, Ngao Tây Tạng với nguy cơ tấn công người rất cao. Thời gian gần đây đã có một số vụ chó dữ kể trên cắn chết người đặc biệt là trẻ em. 

Chó thả rông ở TP.HCM (bài cuối): Những khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y  - Ảnh 5.

Chó thả rông ở khắp nơi trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng

Ông Bảo chia sẻ: Hiện nay, ở Việt Nam đang có một người nuôi các loài "chó chiến", chó dữ như Pitbull, Becgie, Ngao Tây Tạng… Tuy nhiên, các chủ chó không quản lý chặt chẽ, dẫn đến chó cắn người, khiến dư luận bức xúc.

Các quy định của Việt Nam hiện nay, chỉ quy định chung về quản lý chó, mèo nuôi tại điều 2 Phụ lục 15 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT. TP.HCM đã ban hành Quyết định số 54/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 quy định về kiểm tra vệ sinh thú y, hoạt động chăn nuôi, vận chuyển kinh doanh động vật trên địa bàn TP.HCM, trong đó có quy định về quản lý chó mèo.

Ông Bảo chia sẻ thêm: Hiện nay, Bộ NNPTNT đang thực hiện điều chỉnh, bổ sung các Thông tư quy định trong lĩnh vực thú y, trong đó có Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT.

"Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ có ý kiến để bổ sung các quy định quản lý các đối tượng "chó chiến", chó dữ, nhằm quản lý chặt chẽ hơn, góp phần giảm thiểu tình trạng chó cắn chết người và những rủi ro đối với người tiếp xúc, kể cả chủ chó", ông Bảo nhấn mạnh.

Thời gian gần đây đã xảy ra một số trường hợp chó nuôi cắn chết người. Khi chó nuôi cắn chết người, chủ chó hoặc người đang quản lý chó phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015.

Bên cạnh đó, chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội “vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015. Vì vậy, để tránh những chuyện đau lòng xảy ra và cũng là để bảo vệ chính mình, người chủ chó phải tìm hiểu rõ về giống chó mà mình nuôi và quan trọng là phải tuân thủ các quy định của pháp luật như: tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, đeo rọ mõm cho chó khi đưa chó ra nơi công cộng…

Luật sư Nguyễn Bá Tùng (Đoàn luật sư TP.HCM)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã có những chương trình, hoạt động gì để ngăn chặn tình trạng chó thả rông trên địa bàn TP.HCM?

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết, đơn vị nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan liên quan, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về phòng chống bệnh dại trên động vật; vận động các hộ nuôi chó, mèo đăng ký, khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, chấp hành việc xích, nhốt khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.

Cũng theo ông Bảo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP luôn sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong công tác chuyên môn như: Tiếp tục tập huấn công tác bắt chó thả rông cho các đơn vị theo quy, công tác tiêm phòng vaccine cho đàn chó…

"Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tham mưu Sở NNPTNN trình UBND Thành phố "Chương trình phòng, chống bệnh dại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó có nhiều giải pháp để khống chế và loại trừ bệnh trên địa bàn, đặt biệt chú trọng giải pháp về tiêm phòng vaccine, quản lý đàn và quản lý kiểm soát chó thả rông", ông Bảo nói.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng còn quá lơi lỏng!

Sau khi đăng tải 2 bài viết về chó thả rông ở TP.HCMnhững phiền lụy, nguy hại từ tình trạng này, Dân Việt đã nhận nhiều ý kiến từ bạn đọc bức xúc cũng như kiến nghị cơ quan hữu trách cần mạnh tay hơn để chấn chỉnh:

Nhu cầu nuôi chó mèo của cư dân đô thị ngày càng tăng mạnh. Thử quan sát trên các tuyến đường, cửa hàng bán thức ăn, "trang phục" cho thú, các phòng khám, bệnh viện thú cưng mọc lên ngày càng nhiều là biết số người nuôi thú cưng càng tăng. Tôi cũng rất yêu động vật, nhưng để nuôi nhốt chúng trong môi trường chật hẹp, mất vệ sinh thì quá tội nghiệp. Còn thả rông chạy khắp nơi, phóng uế bừa bãi, cắn người thì tội lỗi này thuộc về chủ vật nuôi. Tuy nhiên, tôi theo dõi thấy các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... việc ngăn chặn tình trạng nuôi chó mèo thả rông của cơ quan chuyên môn hình như làm theo kiểu "phong trào", rầm rộ "ra quân" bắt chó thả rông rồi đâu lại vào đấy. Không hiệu quả!

(Bạn đọc Trần Thanh Vân, 45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh)

Tôi nhận thấy dường như những nội dung văn bản, quy định của cơ quan chuyên môn về nuôi chó mèo vẫn còn "quá xa" so với nhận thức của nhiều người dân. Ví dụ, quy định người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Thử hỏi, tại TP.HCM có mấy ai chủ động đăng ký? Rồi chuyện bắt chó thả rông cũng làm theo kiểu cho có. Hẻm nơi tôi đang ở, chó chạy rông khắp, có mấy ai ở chính quyền phường quan tâm đâu.

(Bạn đọc Nguyễn Văn Tẻo, 40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức)

Rất mong chính quyền địa phương, cơ quan thú y làm mạnh tay để chấn chỉnh tình trạng nuôi chó thả rông. Tôi thấy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng còn quá lơi lỏng với việc này! Đã có nhiều vụ nuôi chó thiếu kiểm soát, gây hậu quả nhãn tiền! Chỉ vì sở thích, thú vui của một số người nhưng họ không tuân thủ quy định, thiếu kiểm soát vật nuôi dẫn đến tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, thậm chí gây chết người, đặc biệt là trẻ em bị tấn công rất thương tâm.

(Bạn đọc Diệu Hiền, 55 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận)




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem