Cho vay ngang hàng 'cộng sinh' tiệm cầm đồ và nỗi lo DN Trung Quốc thao túng

Nhật Minh Thứ ba, ngày 08/12/2020 10:35 AM (GMT+7)
Trên thực tế, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thị trường dịch vụ P2P lending đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối. Cũng như các mô hình kinh tế chia sẻ khác, cho vay ngang hàng nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và lũng đoạn là hiện hữu.
Bình luận 0

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế.

Đây là lần đầu tiên, một báo cáo đầy đủ về kinh tế chia sẻ, trong đó có cho vay ngang hàng (P2P lending) được xây dựng nhằm đề xuất với Chính phủ giải pháp tiếp tục thúc đẩy mô hình này theo hướng phát huy tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Cho vay ngang hàng 'cộng sinh' với tiệm cầm đồ, rủi ro về thuế và nỗi lo rửa tiền - Ảnh 1.

Một số công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho vay công ty tài chính, công ty cầm đồ (Ảnh minh họa)

Cho vay ngang hàng Trung Quốc tìm cách sang Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) được phát triển trên app (ứng dụng) hoặc website với sự tham gia của công ty P2P lending, người đi vay, người cho vay, ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), công ty bảo hiểm, thu hồi nợ...

Theo dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế - trong đó có cho vay ngang hàng (P2P lending) – của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, nhưng các công ty P2P lending có sự tăng trưởng mạnh về số lượng công ty tham gia thị trường, số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và số phí dịch vụ thu được.

Chẳng hạn, chỉ tính riêng Tima - sàn kết nối giữa người vay và người đi vay, sau 4 năm có mặt trên thị trường đã giải ngân hơn 96.000 tỷ đồng cho 4,89 triệu người vay; thu hút hơn 46.000 người cho vay.

Hiện thị trường có khoảng 100 công ty, bao gồm công ty đã hoạt động chính thức lẫn trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan... 

Trên thực tế, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thị trường dịch vụ P2P lending đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối. Cũng như các mô hình kinh tế chia sẻ khác, cho vay ngang hàng nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và lũng đoạn là hiện hữu.

Đặc biệt, trong bối cảnh một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Indonesia... đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending, các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Cho vay ngang hàng 'cộng sinh' với tiệm cầm đồ, rủi ro về thuế và nỗi lo rửa tiền

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, P2P lending ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập, nhiều mô hình P2P lending đã biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Đơn cử như, một số công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho vay công ty tài chính, công ty cầm đồ. Thậm chí, công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay.

Hay như việc một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của P2P lending nhằm thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp...); thậm chí đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân.

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rủi ro về thuế và quản lý ngoại hối còn xảy ra đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng trong trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu. Nếu người tham gia không cho vay bằng VNĐ mà bằng tài sản ảo, tiền kỹ thuật số thì việc quản lý, giám sát, thu thuế thu nhập, quản lý ngoại hối... trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cho vay ngang hàng 'cộng sinh' với tiệm cầm đồ, rủi ro về thuế và nỗi lo rửa tiền - Ảnh 3.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều tồn tại của mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending), trong khi NHNN cho biết, cơ chế về sandbox (trong đó có P2P lending) đang được trình Bộ Tư pháp thẩm định. (Ảnh minh họa)

Từ thực tế kể trên, trong Dự thảo trình Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, hoạt động của mô hình P2P lending mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng kiến nghị, cần sớm có hành lang pháp lý áp dụng để bảo vệ cả người đi vay lẫn đảm bảo các doanh nghiệp P2P hoạt động đúng hướng. Đặc biệt là những biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trách nhiệm của công ty P2P lending với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ...

Trong đó, bắt buộc các công ty P2P lending phải đăng ký là hình thức kinh doanh có điều kiện, được cơ quan quản lý cấp phép, phải khai báo chính xác nguồn gốc vốn đầu tư, phòng ngừa rửa tiền và đầu tư nước ngoài trái phép. Riêng về tiệm cầm đồ, cần phải có thêm hành lang pháp lý để ngành này cung cấp dịch vụ đúng quy định.

"Nếu phát hiện đối tượng cá nhân, công ty nào tham gia P2P lending không có giấy phép, hoạt động trá hình phải được xử lý rất nghiêm, có thể hình sự hóa truy tố nếu phạm luật ở mức độ cao...", ông Hiếu kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem