Cho vay tiêu dùng: Quyền lợi của công ty tài chính chưa được bảo vệ đầy đủ?

Huyền Anh Thứ năm, ngày 21/05/2020 15:04 PM (GMT+7)
Thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, theo các công ty tài chính, các quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công ty tài chính khiến cho hoạt động gặp khó khăn.
Bình luận 0

Kích thích tài chính tiêu dùng tái khởi động nền kinh tế

Phát biểu tại Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng", ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội Việt Nam. Mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài; đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.

"Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng (TCTD)", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, lĩnh vực TCTD, tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, và thúc đẩy tiêu dùng xã hội. Thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp một cách trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty TCTD. Tính đến cuối năm 2019 đã 18 công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 6 công ty nước ngoài.

Cho vay tiêu dùng: Quyền lợi của công ty tài chính chưa được bảo vệ đầy đủ? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng"

Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận định, hoạt động TCTD của các công ty tài chính (CTTC) có vai trò góp phần phục hồi phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch thông qua các phương diện như tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh. Từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến hết năm 2019, ước tính các CTTC tạo ra khoảng 50.000 việc làm; trong đó, riêng 3 CTTC hàng đầu đang sở hữu khoảng 38.000 nhân viên.

Theo nghiên cứu của PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với nền kinh tế, sự phát triển của TCTD đã tạo động lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế thông qua gia tăng mức tiêu dùng của người dân và tác động tăng tổng cầu. TCTD đã góp phần rút ngắn chu kỳ sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, đồng thời đảm bảo cho quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục với quy mô ngày càng tăng. Thực tế ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam trong thời gian qua, TCTD đã và đang trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy tỷ trọng tiêu dùng trong GDP.

"Đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp và không có tài sản thế chấp, TCTD đã mang lại khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, cơ hội cải thiện và nâng mức sống hoặc có thể thỏa mãn những nhu cầu tài chính cấp bách mà không bị vướng vào những "cạm bẫy tín dụng đen". Liên quan đến nhận định này còn có thể thấy rằng, TCTD chính là công cụ để phát triển tài chính toàn diện, một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới. TCTD mở ra các cơ hội cải thiện đời sống, sự công bằng và bình đẳng, do vậy tạo ra động lực thúc đẩy tất cả mọi người tham gia vào đời sống xã hội và quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực của toàn bộ nền kinh tế", PGS. TS. Đặng Ngọc Đức phân tích.

Công bằng hơn với công ty tài chính tiêu dùng

TCTD được xem là một yếu tố quan trọng trong tái khởi động nền kinh tế hậu Covid-19 nhưng làm thế nào để kích cầu tài chính tiêu dùng lại không phải bài toán dễ dàng?

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các bên liên quan cần xem xét một số giải pháp để phát triển thị trường TCTD Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các CTTC; Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Đối với các công ty TCTD cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh; Tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, qua đó tăng sức cạnh tranh so với các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng…); Tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng…

Nhấn mạnh về vấn đề pháp lý, dưới góc độ doanh nghiệp cho vay, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính SHB (SHB Finance) cho biết, hoạt động cho vay của công ty tài chính tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN điều chỉnh về hoạt động cho vay tín dụng cá nhân.

Mặc dù công ty tài chính phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân, nhưng các quy định pháp luật hiện hành lại chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công ty tài chính trong hoạt động thu hồi nợ của các khách hàng không trả nợ đúng hạn do cố tình chiếm dụng tiền vay của công ty tài chính.

Thực trạng trên dẫn đến việc các công ty tài chính đều tự xây dựng cho riêng mình nhiều cách thu hồi nợ khác nhau để có thể thu hồi vốn đã bị khách hàng chiếm dụng không đúng quy định pháp luật. Điều này vô hình trung đã làm cho hình ảnh của các công ty tài chính bị xấu đi từ góc độ quan hệ với khách hàng cũng như cách nhìn nhận vấn đề của giới truyền thông.

Cho vay tiêu dùng: Quyền lợi của công ty tài chính chưa được bảo vệ đầy đủ? - Ảnh 3.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy (Ảnh: Chí Cường)

Thậm chí, theo bà Vy, có trường hợp khách hàng chậm trả nợ hoặc không muốn trả nợ đã hành hung nhân viên thu hồi nợ tại địa bàn khi được yêu cầu trả nợ. Do chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ nên các sự vụ này vẫn chưa được chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc giải quyết thỏa đáng. Hơn nữa, với Thông tư 18/NHNN, khách hàng thấy mình được bảo vệ vì vậy các công ty tài chính muốn dùng biện pháp mạnh hơn đối với một số khách hàng chây ì trả nợ gặp khó khăn. Vì lẽ đó, thiệt hại cả về vật chất lẫn con người lại thuộc về công ty tài chính.

Việc không trả nợ đúng hạn của một nhóm khách hàng làm phát sinh các khoản nợ quá hạn, nơ xấu tại công ty tài chính. Với tiêu chí hạn chế tối đa các ghi nhận lịch sử tín dụng xấu đối với khách hàng cũng như hạn chế tối đa mức trích lập dự phòng cao đối với các khoản nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì các công ty tài chính luôn phải dùng nhiều biện pháp ở các mức độ khác nhau để tối đa hóa việc thu hồi nợ nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ Thông tư số 18/2019/TT-NHNN của NHNN quy định về việc nhắc nợ, đòi nợ. Điều này cũng tạo ra không ít khó khăn đối với hoạt động thu hồi nợ nói riêng của công ty tài chính.

"Với thực trạng nêu trên, các công ty tài chính mong muốn Ngân hàng Nhà nước có nhiều chế tài pháp lý chặt chẽ hơn nữa đối với các khách hàng không trả nợ đúng hạn để các công ty tài chính có thể xây dựng các phương án thu hồi nợ an toàn, toàn diện và hiệu quả hơn nữa", bà Vy nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem