Chờ xây cầu bằng… lời hứa, đành qua sông bằng săm ô tô

Trương Hồng – Minh An Thứ bảy, ngày 02/04/2016 06:12 AM (GMT+7)
Nhiều năm qua, muốn qua được sông Tranh về lại làng, hơn 100 hộ đồng bào Ca Dong, làng Tăk Rối, thôn 4, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) phải tìm đủ kế, bất chấp nguy hiểm để qua sông. Ước mơ có một chiếc cầu vượt sông đã bao năm vẫn chưa trở thành hiện thực.
Bình luận 0

Hiểm nguy săm xe, ghe nhỏ vượt sông

Những ngày giữa tháng 3.2016, đứng trên Quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Mai, đường lên trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi có thể nhìn thấy những ngôi nhà gỗ nhỏ của làng Tăk Rối, thôn 4, xã Trà Tập, nằm dọc theo các sườn núi của đại ngàn Trường Sơn. Làng Tăk Rối bị biệt lập là bởi dòng sông Tranh rộng gần 100m ngăn cách, quanh năm nước chảy xiết, với nhiều ghềnh đá trơn trượt. Do không có cầu bắc qua sông nên người dân đã nghĩ ra cách dùng săm xe ô tô, ghe nan nhỏ để vượt sông.

imgMuốn về làng Tăk Rối, người dân phải dùng ghe nan hoặc săm ô tô để qua sông. ảnh:T.H-M.A

Đang chuẩn bị dùng ghe nhỏ vượt sông Tranh để trở về làng, ông Trường Quang Thiều cho biết, ở thôn 4 (xã Trà Tập) có hơn 70 em học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở, muốn qua trường ở trung tâm xã học chỉ có cách vượt sông Tranh. Mùa nắng các cháu nhỏ được ba mẹ đặt lên săm xe ô tô hay dùng ghe nhỏ vượt sông đến trường, còn mùa mưa, các cháu phải nghỉ học do nước chảy xiết rất nguy hiểm. “Cả làng chỉ có một chiếc ghe này và săm xe ô tô để làm phương tiện vượt sông, nhưng gần đây săm xe bị thủng chưa vá được. Mùa này dòng sông Tranh chảy yếu hơn nên tôi dùng ghe nhỏ vượt sông, chứ mùa mưa nước sông chảy ầm ầm thì đành chịu, chấp nhận bị cô lập…” - ông Thiều nói.

"Hàng ngày người dân phải dùng săm xe ô tô hay ghe nhỏ vượt sông nên rất nguy hiểm. Mong các cấp chính quyền và ngành giao thông sớm quan tâm xây dựng cầu treo dân sinh để giúp cho đồng bào đi lại thuận lợi,   góp phần phát triển kinh tế địa phương”.
Ông Nguyễn Đình Tân

Ông Hồ Văn Út (trú làng Tăk Rối) cho biết thêm: “Những đàn ông có sức khỏe như tôi, có khi mỗi ngày phải vượt sông 3 - 4 lần để đem bán đót rừng, quế, khoai sắn hoặc lên trung tâm huyện mua nhu yếu phẩm cho gia đình. Hồi trước hầu như nhà nào cũng có săm xe ô tô để vượt sông, nếu có người bị đau ốm, bệnh tật gì cũng được đưa lên Trạm Y tế xã Trà Mai bằng ghe hay săm xe. Nhưng do thường xuyên sử dụng, săm xe bị thủng hoặc hư hỏng không tiền sửa đành bỏ.

“Trước đây nghe thông tin sẽ xây cầu treo bắc qua đoạn sông Tranh nối hai bờ của xã Trà Tập và xã Trà Mai cho người dân đi lại, chúng tôi mừng lắm. Thế mà chờ mấy năm rồi chẳng thấy động tĩnh gì” - ông Út nói.

Mòn mỏi đợi xây cầu

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 3 làng Tăk Rối, Tu Nương và Răng Dí với hơn 100 hộ dân người Ca Dong, thường xuyên đối mặt nguy hiểm khi hàng ngày phải vượt qua sông Tranh bằng các phương tiện thô sơ. Chính quyền địa phương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên cấp trên xin xây dựng cầu treo vượt sông để người dân đi lại an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ, nhưng họ chờ mãi vẫn không thấy ngành chức năng có hồi âm, và chiếc cầu mơ ước đó vẫn chỉ là lời hứa với dân…

Ông Nguyễn Đình Tân - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, Bộ GTVT đã triển khai chương trình cầu treo dân sinh và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện. Trong đó, huyện Nam Trà My được 10 cây cầu treo. Sau đó, huyện tổ chức giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy xây dựng cầu, không rõ nguyên nhân gì. “UBND huyện Nam Trà My cũng đã làm văn bản gửi lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam mà vẫn thấy chưa hồi âm. Họ có hứa với đồng bào dân tộc nơi đây, tháng 5.2015 sẽ có cầu treo ở xã Trà Tập, nhưng hiện giờ không thấy có động tĩnh gì”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem