dd/mm/yyyy

Chọn hướng làm giàu sau khi được Tổng Bí thư ghé thăm

Trong thời điểm “tranh tối tranh sáng” của thời kỳ đổi mới những năm 1986 - 1987, lão nông Thái Văn Tâm (sinh năm 1951) là một trong 3 hộ gia đình ở TP.HCM vẫn phát triển mạnh nghề chăn nuôi trâu bò sữa với số lượng lớn, dù thời điểm đó, nguy cơ bị quốc hữu hóa lơ lửng trên đầu…

Niềm vui một ngày đầu năm 1990

Sáng chủ nhật ngày 25/2/1990, gia đình anh Thái Văn Tâm bất ngờ đón một vị khách vô cùng đặc biệt - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Theo lời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó: “Đảng và Nhà nước đến thăm hỏi, động viên vì gia đình anh đã quán triệt rất tốt Nghị quyết 6 của Đảng trong thời kỳ đổi mới, dám nghĩ dám làm để phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng đất nước…”.

Lão nông Thái Văn Tâm khoe tư liệu là bài báo Sài gòn Giải phóng viết về chuyến thăm  của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ghé thăm gia đình ông những năm 1990. Quốc Hải
Lão nông Thái Văn Tâm khoe tư liệu là bài báo Sài gòn Giải phóng viết về chuyến thăm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ghé thăm gia đình ông những năm 1990. Quốc Hải

Hớp vội tách trà, lão nông Thái Văn Tâm bắt đầu câu chuyện về quá trình vươn lên làm giàu của mình với đoạn ký ức như thế.

“Quy mô khi đó của gia đình tôi lên tới 70 con trâu, bò sữa. Là hộ gia đình có quy mô chăn nuôi lớn nhất đất Sài thành lúc bấy giờ. Khi đó, nhiều người cũng lo lắng sao tôi dám mở rộng quy mô chăn nuôi như thế, bởi thời kỳ mới đổi mới cũng nhiều khó khăn, trăn trở lắm” - ông Tâm chia sẻ.

Nhưng chuyến ghé thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó một lần nữa đã chứng minh lựa chọn tin tưởng vào đường đổi mới của Đảng mà ông Tâm lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn.
“Trong chuyến ghé thăm của mình, Tổng Bí thư đã động viên gia đình tôi rất nhiều. Tôi ấn tượng nhất là khi đó sau khi hỏi thăm tôi còn gặp khó khăn gì, sau khi nghe tôi trình bày là bà con nông dân chúng tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ các loại giống trâu bò tốt, cho năng suất cao, Tổng Bí thư đã chỉ đạo ngay ông Nguyễn Công Tạn, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm, lập tức tìm giải pháp tháo gỡ ngay cho gia đình tôi và bà con nông dân” - ông Tâm nhớ lại.

Rồi câu chuyện về quá trình chăn nuôi trâu bò sữa của gia đình lão nông Thái Văn Tâm cũng dần hé mở. Năm 1986, khi vẫn đang công tác tại Công ty Xây dựng và Sản xuất vật liệu điện của TP.HCM, thành phố lúc đó khuyến khích bà con ở ngoại thành phục hồi và phát triển nghề nuôi bò sữa vốn có tập quán và kinh nghiệm từ lâu. Lúc này, ông Tâm quyết định bỏ ra 20 lượng vàng mua 2.500 m2 đất ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn để xây dựng chuồng trại nuôi 10 con bò sữa và 2 con bò giống.

Trong quá trình chăn nuôi, ông Tâm nhanh chóng tiếp cận và có mối quan hệ hợp tác với Công ty trâu bò sữa Miền Nam, Viện Chăn nuôi, Trại trâu Sông Bé, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp và các chuyên gia Cu Ba… Nhờ đó, ông dễ dàng giải quyết các khó khăn về con giống, thức ăn và phòng dịch bệnh cho đàn trâu bò. Đặc biệt, ông Tâm cũng xây dựng quy trình sản xuất khép kín gồm 1 máy xay xát công suất 5 tấn/ngày để lấy cám cho chăn nuôi, một chuồng heo có quy mô lên tới 120 con và hồ cá rộng để tận dụng các phụ phẩm của chăn nuôi…

Khi quy mô chăn nuôi chỉ vài chục con trâu bò sữa, ông Tâm tìm cách giải quyết đầu ra cho sản phẩm bằng cách tự đóng chai và bỏ mối trong vùng. Thời điểm đó, khi Vinamilk chưa có mặt trên thị trường, với mức giá bán khoảng hơn 1.000 đồng/lít, gia đình ông Tâm đã bỏ túi được khoản tiền khá lớn để tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, mua thêm đất trồng cỏ…

“Khi quy mô đàn bò sữa tăng tới 130 con - là hộ gia đình có đàn bò sữa lớn nhất đất Sài thành - Lúc đó, ngoài việc đóng chai bỏ mối cho bà con nông dân trong vùng, tôi tự mình mang sản phẩm vào các quận huyện nội thành để bỏ mối cho người dân làm sữa chua với mức giá từ 3.000 - 4.000 đồng/lít. Khoản tiền lời từ việc mở ra hướng đi này giúp tôi mở rộng diện tích đất đai từ 2,5 ha lên tới 6,5 ha như hiện tại”, ông Tâm tự hào.

Con đường trở thành “tỷ phú cây cảnh”

Khi đã quyết định đóng cửa trại bò sữa, lão nông Thái Văn Tâm quyết định “đi đây đi đó” để tìm mô hình làm kinh tế mới. Năm 2004, trong một lần về miền Tây sông nước, ông bất ngờ thấy được tiềm năng của nghề làm cây cảnh, vậy là quyết định làm dù một tý kiến thức cũng chẳng có.

“Lúc đó tôi quyết định khăn gói đi về miền Tây và các vùng khác để học hỏi, cứ nghe nơi nào có nghệ nhân nổi tiếng thì đến tận nơi xin học tập. Vậy mà có cái nghề lúc nào không hay”, ông Tâm chia sẻ. Tuy nhiên, khi chính thức bắt tay vào làm, ông lại chọn các loại cây cảnh “siêu to khổng lồ”. Ông bảo: “Cây cảnh thì nhiều người làm, nhưng cây cảnh cỡ lớn để trồng tại các khu đô thị, sân gôn, cảnh quan nhà hàng, quán cà phê… thì lúc đó ít người làm, nên tôi quyết định chọn nó. Nhiều người nghĩ làm cây cảnh lớn là dễ, chỉ mua về rồi uốn nắn, chăm sóc rồi bán không dễ đâu. Nhiều người mua về mà không chăm sóc đúng cách thì cây sẽ chết, mất hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng như chơi”.

Lão nông Thái Văn Tâm bên vườn cây “siêu to khổng lồ” của mình.
Lão nông Thái Văn Tâm bên vườn cây “siêu to khổng lồ” của mình.

Chỉ về vườn cây sum xuê những sây sanh, cây sala, cây khế, nhãn… cổ thụ trong vườn, ông Tâm nói: “Tôi lấy giá thấp nhất thì với những cây cảnh hiện tại, giá trị của chúng khoảng hơn 20 tỷ đồng. Còn với diện tích 6,5ha đất thì bây giờ tôi… không định giá được”.

Hiện tại, khách hàng chủ yếu của Vườn kiểng Hai Tâm (do ông Thái Văn Tâm làm chủ) đa số là các khách hàng lớn. Chẳng hạn, giai đoạn 2004 - 2009, doanh thu lão nông Thái Văn Tâm thu được từ việc bán cây cảnh cho TP mới Bình Dương và Sân Golf Long Thành vào khoảng hơn 10 tỷ đồng; hoặc ông Tâm chuẩn bị giao lô hàng hàng tỷ đồng cho Công ty Đại Quang Minh để trồng trong Khu đô thị SaLa (Thủ Thiêm)…

“Mỗi năm, doanh thu của tôi khoảng 6-7 tỷ đồng, thế nhưng điều tôi tự hào nhất bây giờ là hai đứa con trai tôi đều đã thành đạt. Đứa lớn thì đang làm cho Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM, còn đứa nhỏ thì hiện đang theo nghề tôi và đang thể hiện rất tốt”, ông Tâm tự hào.
Được biết, Vườn kiểng Hai Tâm hiện đang tạo việc làm liên tục cho 18 lao động tại địa phương với mức lương từ 8-12 triệu đồng.

Quốc Hải