Chồng chéo quy định dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 03/12/2022 07:02 AM (GMT+7)
Bộ Xây dựng tổ chức phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó, Bộ Xây dựng cho rằng thực tế 2 dự thảo luật này còn những nội dung giao thoa, chồng chéo, chưa thống nhất.
Bình luận 0

Thời gian qua, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, đồng thời tổ chức các hội thảo ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để tiếp thu ý kiến góp ý của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trên cả nước. Bộ Xây Dựng cũng đã làm việc với các hội, hiệp hội chuyên ngành để tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi trình bày tóm tắt dự thảo của 2 dự án Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các địa phương, bộ, ngành qua các hội thảo. Theo đó, Bộ Xây dựng đã thể chế hóa 8 nhóm chính sách và Chính phủ đã trình Quốc hội trong 13 chương của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 222 điều.

Tại dự thảo Luật Nhà ở, trong chương 1, qua tiếp thu ý kiến đóng góp, Bộ Xây dựng đã bổ sung một số khái niệm giải thích từ ngữ như nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà lưu trú cho công nhân…; một số hành vi nghiêm cấm trong quản lý sử dụng chung cư; một số yêu cầu về phát triển và quản lý sử dụng nhà ở. Trong chương 2, Bộ Xây dựng đề xuất quy định bổ sung về thời hạn sở hữu nhà chung cư; bổ sung làm rõ quyền của chủ sở hữu căn hộ sau khi hết thời hạn sở hữu nhà ở.

Tại chương 6, Bộ Xây dựng bổ sung khái niệm nhà lưu trú công nhân; quy định rõ hơn về điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; bổ sung hình thức phát triển nhà ở xã hội do Quỹ đầu tư phát triển… Cùng với đó, Bộ Xây dựng dự kiến thể chế hóa 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 11 chương của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), với 100 điều.

Chồng chéo quy định dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)  - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) còn chồng chéo nhiều quy định (Ảnh: TN)

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản đưa vào kinh doanh tại Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm: Nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai; công trình xây dựng có sẵn và công trình xây dựng hình thành trong tương lai (các công trình dân dụng theo pháp luật về xây dựng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú); nhà ở, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn có nội dung quy định về quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản đưa vào kinh doanh thì phải là quyền sử dụng đất đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, dự án được duyệt.

Tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào những vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Cụ thể, về Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu đã đóng góp ý kiến về các vấn đề: Nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở; nhà ở cho công nhân; diện tích của nhà chung cư…

Về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), theo ý kiến của các đại biểu, cần tập trung vào vấn đề huy động và sử dụng vốn; pháp lý của căn hộ du lịch, chuyển nhượng dự án bất động sản, thời hạn sở hữu nhà chung cư, chung cư mini; thu thập thông tin, đánh giá và điều tiết thị trường bất động sản…

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao các ý kiến đóng góp và đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ. Thứ trưởng cũng lưu ý Ban soạn thảo, Tổ biên tập rà soát lại để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật có liên quan, thực tế còn những nội dung giao thoa, chồng chéo, chưa thống nhất; rà soát lại các nội dung còn mâu thuẫn giữa các Bộ, ngành… Đồng thời hoàn chỉnh đánh giá tổng kết, bảng tiếp thu giải trình ý kiến; xác định lại một số nội dung còn ý kiến khác nhau từ đó lựa chọn các phương án để trình cấp có thẩm quyền thẩm định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem