Chống đói rét cho đàn gia súc: Tăng hướng dẫn, siết hỗ trợ thiệt hại

Ánh Nguyệt - Thiên Hương Thứ hai, ngày 25/01/2021 21:35 PM (GMT+7)
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống đói, rét cho gia súc trong vụ đông, vừa qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hà Giang tổ chức tọa đàm tại hiện trường về “Các giải pháp tổng hợp về kỹ thuật phòng chống đói, rét cho trâu, bò” ở xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên.
Bình luận 0

Vẫn còn thả rông gia súc

Theo bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG, từ đầu mùa đông năm 2020 đến nay, TTKNQG đã phối hợp Sở NNPTNT và trung tâm khuyến nông các tỉnh tổ chức một số chương trình tuyên truyền, tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về công tác phòng chống đói, rét cho trâu, bò trong mùa đông. 

Các tọa đàm đã tập trung nhiều vào nội dung giải quyết những vấn đề cấp bách trong chế biến, dự trữ thức ăn thô, xanh cho gia súc trong những đợt rét đậm, rét hại; phương pháp bổ sung thức ăn tinh, giữ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt là khuyến cáo bà con không thả rông gia súc, không cho gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C...

Chống đói rét cho đàn gia súc: Tăng hướng dẫn, siết hỗ  trợ thiệt hại - Ảnh 1.

Bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi toạ đàm.

Chống đói rét cho đàn gia súc: Tăng hướng dẫn, siết hỗ  trợ thiệt hại - Ảnh 2.

Nông dân và cán bộ khuyến nông địa phương tham dự buổi toạ đàm “Các giải pháp tổng hợp về kỹ thuật phòng chống đói, rét cho trâu, bò” ở xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên

Thực trạng dễ thấy ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung là người chăn nuôi vẫn còn thờ ơ với việc phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc. Theo thống kê của ngành chăn nuôi và thú y Hà Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 111.100 hộ đang chăn nuôi trâu bò với tổng đàn trên 286.500 con. 

Qua rà soát, trong số các hộ chăn nuôi trâu bò kể trên, chỉ có hơn 90.200 hộ có chuồng trại kiên cố, chiếm 81,26%. Còn lại hơn 20.800 hộ vẫn nuôi nhốt trong chuồng tạm. Đặc biệt có 13 hộ tại huyện Hoàng Su Phì vẫn chăn nuôi theo hình thức thả rông, chưa có chuồng trại.

Ông Trịnh Văn Bình - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, một bộ phận người dân vẫn chưa chủ động làm chuồng trại đảm bảo kín gió cho đàn gia súc. Vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét cho đàn gia súc tại một số địa phương chưa sâu sát, thường xuyên. 

Hệ quả là đợt rét đậm, rét hại đầu tháng 1/2021 vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc có khoảng 2.250 con gia súc bị chết rét, riêng Hà Giang bị chết 7 con trâu.

Chống đói rét cho đàn gia súc: Tăng hướng dẫn, siết hỗ  trợ thiệt hại - Ảnh 3.

Bà Hạ Thuý Hạnh (ngồi giữa) trao đổi với cán bộ khuyến nông và bà con nông dân về các phương pháp dự trữ thức ăn cho gia súc. Ảnh: Ánh Nguyệt

"Trâu, bò chết là mối thiệt thòi lớn đối với bà con vùng cao, tuy nhiên đi cùng với đó, chính sách hỗ trợ thiệt hại cũng cần được thắt chặt để bà con nông dân vùng cao nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của chính mình" - ông Trịnh Văn Bình cho hay.

Chủ động kế hoạch từ sớm

Tại buổi tọa đàm diễn ra tại xã Trung Thành, một cán bộ thú y của xã gặp lúng túng khi con trâu, bò bị cứng chân rồi lăn ra chết. Vị cán bộ này nhận định là trâu, bò bị bệnh bại não. 

Sau khi hỏi rõ tình trạng bệnh lý, thời gian mắc phải, triệu chứng… của đàn gia súc, TS Phùng Quang Trường - Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi) lý giải: Bò, trâu bỗng dưng bị ngã, chân cứng, không đứng dậy được và thường gặp vào mùa nóng là bệnh cảm nắng và cảm nóng. Nguyên nhân là gia súc được chăn thả trên đồi, hay cánh đồng nhiệt độ thời tiết cao, không có bóng râm tránh nắng nên phát bệnh.

Chống đói rét cho đàn gia súc: Tăng hướng dẫn, siết hỗ  trợ thiệt hại - Ảnh 4.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con phương pháp ủ chua thức ăn để dự trữ cho gia súc. Ảnh: A.N

"Khi thấy gia súc có hiện tượng đó thì cần đưa nhanh con vật vào nơi có bóng râm rồi dùng quạt để quạt mát, sau đó truyền nước muối sinh lý để gia súc ổn định huyết áp. Sau đó truyền tiếp đường 5% và các loại thuốc bổ… Khi đã truyền xong cũng không nên để chúng vận động ngay vì gia súc sẽ rất dễ bị chết, mà cần có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục dần" - TS Trường khuyến cáo.

Thực tế câu chuyện phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua, tuy nhiên hầu như năm nào cũng vẫn xảy ra trường hợp trâu bò bị chết rét. 

Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan của người chăn nuôi, không quan tâm đúng mức tới việc dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, chuồng trại xây dựng tạm bợ, không thực hiện tiêm phòng vaccine cho vật nuôi… 

Bà Hạ Thúy Hạnh nhận định, chỉ khi nào bà con nông dân thật sự coi con trâu, bò là tài sản lớn, yêu quý như thành viên trong gia đình thì mới biết chủ động các biện pháp chăm sóc, bảo vệ con vật.

Chống đói rét cho đàn gia súc: Tăng hướng dẫn, siết hỗ  trợ thiệt hại - Ảnh 2.

Nông dân cần chủ động che chắn chuồng trại khi mùa đông về. Ảnh: T.L

Chị Nông Thị Vinh (ở thôn Đồng, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên), cho biết, nhà chị thường xuyên chăn nuôi 10 con trâu, bò. Ngoài bán trâu bò thịt, gia đình chị còn dùng sức trâu vào việc cày cấy tại các thửa ruộng bậc thang. Vì vậy chị ý thức được việc giữ gìn sức khỏe cho chúng rất quan trọng.

Tham gia tọa đàm, chị Vinh và bà con đã được các chuyên gia hướng dẫn các quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cách thức chế biến, ủ chua thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và bảo quản được lâu, bớt đi nỗi lo thiếu thức ăn cho vật nuôi khi mùa rét về. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem