Chống hạn mặn mùa khô 2020-2021: Chủ động trữ nước ngọt, tỉa bớt trái trên cây

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 17/09/2020 10:55 AM (GMT+7)
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt đánh giá như thế tại hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả ĐBSCL tổ chức tại Tiền Giang, ngày 17/9.
Bình luận 0

Cụ thể, vẫn còn nhiều nông dân trồng sầu riêng cũng như cây ăn trái nói chung chưa nhận thức hết về tác hại của hạn, mặn. Nông dân chủ quan lấy nước mặn để tưới, không củng cố bờ bao để nước mặn rò rỉ vào vườn cây và thiếu chủ động tích trữ nước.

Nhiều nông dân còn chủ quan với hạn mặn - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại hội nghị.

Trước đó, đánh giá về diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2019 - 2020, Cục Trồng trọt cho biết, do điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước ngọt không thể đảm bảo đủ cho nhu cầu của toàn bộ diện tích cây sầu riêng dẫn đến một số diện tích cây sầu riêng bị thiệt hại.

Diện tích cây trái vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn hơn 25.120ha (gồm: sầu riêng 9.640 ha, bưởi 5.740 ha, chanh 2.340ha, chôm chôm 4.610 ha...).

Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến thiệt hại nêu trên như do tình hình khô hạn kéo dài; nước mặn xâm nhập rò rỉ qua bờ bao; cây bị sốc do môi trường bất lợi; hoặc cây bội nhiễm dịch bệnh...

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng lưu ý trong các nguyên nhân chủ quan khiến cây chết, ngoài mật độ tưới, kỹ thuật tưới thì ý thức của một bộ phận người dân trước tình hình xâm nhập mặn còn nhiều lơ là, chủ quan.

Ông Tùng cho biết, nhiều nông dân chưa thật sự chủ động trong công tác phối hợp ứng phó cùng với chính quyền địa phương, không chủ động trữ nước ngọt để tưới cây trước khi có mặn. Việc này dẫn đến không đủ nước để tưới.

Nhiều nông dân còn chủ quan với hạn mặn - Ảnh 2.

Nhiều diện tích sầu riêng bị thiệt hại do xâm nhập mặn

Vẫn còn nhiều nhà vườn chưa thực hiện việc tủ gốc giữ ẩm cho cây. Trong lúc hạn, mặn kéo dài, nông dân vẫn còn để nhiều trái trên cây dẫn đến cây bị suy kiệt nhanh và chết.

"Bằng chứng là qua khảo sát, ngay gần bên những vườn cây bị chết, vẫn có các vườn cây không bị thiệt hại do người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng hợp lý nguồn nước và áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật chăm sóc bảo vệ cây", ông Tùng cho biết.

Dự báo tình hình mùa khô năm 2020-2021 có khả năng tương đương mùa khô năm 2015-2016, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần sớm có bước chuẩn bị cho các vườn cây ăn quả trong thời gian tới.

Nông dân cần nhận thức đầy đủ tác hại của hạn, mặn ảnh hưởng đến cây sầu riêng, chủ động lấy nước mặn để tưới, củng cố bờ bao để nước mặn rò rỉ vào vườn cây.

Nhiều nông dân còn chủ quan với hạn mặn - Ảnh 3.

Một nông dân ở tỉnh Long An nhờ áp dụng trồng cỏ trong vườn chanh để giữ ẩm cho đất trồng nên năng suất trái không bị ảnh hưởng trong đợt hạn mặn 2019-2020 vừa qua

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019-2020.

Còn theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NNPTNT, có 2 kịch bản có khả năng xảy ra xâm nhập mặn:

Kịch bản 1: các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức nặng đến rất nặng; phạm vi xâm nhập mặn 4 g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021.

Mức sâm nhập này thấp hơn năm đợt hạn mặn 2015-2016 từ 5-8 km; thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km.

Kịch bản 2: Mưa trên lưu vực sông Mê Kông tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức rất nặng đến nghiêm trọng, phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70 km; xuất hiện từ tháng 2, 3/2021.

Mức xâm nhập này ở mức tương đương với năm 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem