Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: "Ngấm đòn" biến đổi khí hậu, dân vùng ĐBSCL mong được hỗ trợ sinh kế

Trần Quang Thứ năm, ngày 26/05/2022 18:31 PM (GMT+7)
Do biến đổi khí hậu, xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều biến động đã tác động đến nguồn lợi thủy sản, sinh kế của người dân. Bà con ở đây rất mong Thủ tướng Chính phủ có thêm chính sách, biện pháp thiết thực để hỗ trợ, đảm bảo sinh kế cho người dân yên tâm sản xuất.
Bình luận 0
Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: "Ngấm đòn" biến đổi khí hậu, dân vùng ĐBSCL mong được hỗ trợ sinh kế - Ảnh 1.

Ông Lý Văn Bon thu hoạch cá đặc sản tại lồng bè của gia đình ở khu 1 Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Đó là kiến nghị của ông Lý Văn Bon ở khu 1 Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, Cần Thơ gửi đến Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra vào ngày 29/5 tới tại Sơn La.

Thiệt hại tiền tỷ vì xâm nhập mặn

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bon cho hay: ĐBSBL là vùng trọng điểm sản xuất nông - ngư nghiệp của cả nước, đang phải hứng chịu tất cả những loại hình thiên tai như lũ lớn, hạn hán khắc nghiệt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất. 

Mặc dù là một trong những vùng đất có đa dạng sinh học phong phú nhất trên trái đất, môi trường nơi đây đang bị suy thoái nghiêm trọng. (Ước tính ĐBSCL mất khoảng 500ha đất mỗi năm do xói lở, theo thống kê Bộ NNPTNT). Ngoài ra, hoạt động quản lý đất và nước không bền vững đang làm ô nhiễm mạng lưới sông ngòi và kênh rạch chằng chịt ở đây. 

Vào mùa khô năm 2020, có những thời điểm mức độ xâm nhập mặn ở nhiều nơi đã tăng lên đến 4 g/lít, cao gấp 4 lần so với ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng chính, gây ra cuộc khủng hoảng thiếu nước ngọt trên toàn vùng.

"Mặc dù BĐKH và nước biển dâng là nguyên nhân đằng sau những thay đổi này, các hoạt động của con người như xây dựng đập ở thượng nguồn và khai thác cát và nước ngầm ồ ạt cũng đang tác động tiêu cực đến ĐSBCL. Đặc biệt, suy thoái môi trường đang đe dọa mạng sống và sinh kế của hàng triệu người dân trên khắp 13 tỉnh thành", ông Bon nói.

Dẫn chứng cụ thể, chủ trang trại nuôi cá đặc sản trên sông Hậu cho biết, mấy năm gần đây môi trường chăn nuôi thủy sản của ông và bà con ở đây đã bị đảo lộn, thay đổi rất nhiều vì BĐKH. 

"Nếu như trước đây bà con chỉ tập trung nuôi và làm giàu từ các loài cá nước ngọt như xác sọc, rô phi... nhưng giờ mọi người đang phải chuyển đổi và tìm nuôi các loại cá khác thích nghi được với nguồn nước bị xâm nhập mặn như thát lát... Nếu không sẽ lâm nguy", ông Bon ngậm ngùi.

Chính bản thân gia đình ông Bon cũng đã thiệt hại nặng vì hiện tượng xâm nhập mặn bất thường. Đó là vào năm 2021, vợ chồng ông thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng khi hơn 10 tấn cá xác sọc chết vì ngộp do xâm nhập mặn. 

"Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ nuôi thủy sản khác ở đây cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nên bà con đành phải bỏ nuôi loại cá này... Đến giờ giá cá lên đến 300.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để bán", ông Bon bộc bạch.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng xâm nhập mặn còn gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở các bè của bà con trên sông thuộc địa bàn tỉnh An Giang và làm hư hỏng, thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, cây ăn quả... của nhiều hộ dân sống bên bờ sông.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: "Ngấm đòn" biến đổi khí hậu, dân vùng ĐBSCL mong được hỗ trợ sinh kế - Ảnh 2.

Ông Bon cho cá ăn tại bè của gia đình ở Cần Thơ. Ảnh: Bảo Kỳ

Lo ngại lũ lớn "đánh úp" bất ngờ

Để thích ứng với BĐKH, ông Bon đang nghiên cứu và chuyển hướng sang nuôi cá thát lát kết hợp với chế biến sản phẩm, vừa liên kết với gần 30 hộ dân trên địa bàn làm du lịch cộng đồng. Hiện, trung bình mỗi năm, trang trại của ông đưa ra thị trường khoảng 300 tấn cá tươi, 300 tấn sản phẩm qua chế biến phục vụ khách du lịch như chả cá, cá rút xương, cá muối sả.

"Từ khi làm du lịch đến giờ khách đến các bè của chúng tôi xem cá ăn, hưởng thụ đặc sản... rất nhiều. Ngày cao điểm có hàng nghìn người đến trải nghiệm cũng giúp tiêu thụ nhiều sản phẩm cho bà con", ông Bon khoe.

Trong chăn nuôi cá, ông Bon còn tìm tòi thêm các giải pháp để cải thiện môi trường như nuôi cá ét, cá he cùng với cá thát lát để tận dụng hết các nguồn rong rêu, thức ăn thừa, phân thải trong các bè. Khi chế biến cá, các phụ phẩm thừa như xương, đuôi... lại được trang trại xử lý dùng làm thức ăn nuôi các loại cá đặc sản khác.

Để hạn chế rủi ro, ông Bon còn tìm tòi tài liệu và nghiên cứu kỹ nguồn nước và hiện tượng xâm nhập mặn để kịp thời điều chỉnh mật độ chăn nuôi. 

"Nước mặn thường xuất hiện theo con nước về khoảng ngày 30 và 17 hàng tháng từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm. Theo đó, chúng tôi sẽ chủ động nuôi cá với mật độ thấp hơn và thu hoạch trước thời điểm trên sẽ hạn chế được rủi ro", chủ trang trại cá đặc sản ở Cần Thơ tiết lộ.

Do nguồn nước sông nuôi cá thường xuyên xuất hiện hiện tượng lạ, bất thường nên ông luôn phải túc trực 24/24h ở trại để theo dõi sức khỏe của vật nuôi. Có thời điểm nguồn nước ngọt trên sông bị nhiễm mặn, cá thiếu oxy ngóc đầu lên ngớp hàng loạt, trại lại phải huy động máy bơm oxy xuống bè mới tránh được thiệt hại.

Dù có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng ông Bon vẫn tỏ ra lo ngại vì thời gian gần đây lũ lớn trên sông xảy ra nhiều hơn, lượng nước đổ về cũng nhanh và rút đi cũng rất bất thường. "Hiện tại ở các thường nguồn xuất hiện nhiều đập thủy điện làm thay đổi con nước. 

Nghiêm trọng hơn là vào thời điểm tháng 7-8 các đập thủy điện xả nước sẽ gây ra lũ kèm theo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể gây ra thảm họa khiến bà con sinh sống và chăn nuôi thủy sản trên sông có thể bị thiệt hại nặng nề", ông Bon nêu vấn đề và kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ ngành cần thường xuyên kết nối với các quốc gia có thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông cung cấp thông tin xả lũ để người dân kịp thời điều chỉnh sinh hoạt và sản xuất cho phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Bon đề nghị các cơ quan chuyên môn cần có nghiên cứu và có thông tin dự báo chính xác về tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng ĐBSCL. Thông qua đó hỗ trợ bà con các chính sách, giải pháp để thích ứng an toàn và sản xuất, chăn nuôi thủy sản hiệu quả hơn.

Thông qua hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam ngày 29/5 tới tại Sơn La, ông Bon cũng kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan cần sớm xây dựng vùng quy hoạch chăn nuôi thủy sản đặc thù cho ĐBSCL và kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến, xuất khẩu sản phẩm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và bền vững.

Ông Lý Văn Bon cho biết thêm, hiện việc khai thác cát quá mức trên sông đang tác động lớn đến cuộc sống, sản xuất của bà con sống và chăn nuôi bên sông Mê Kông; làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông; gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao.

"Có nhiều hộ dân sống trên cồn trên sông Hậu hàng chục năm được cấp "sổ đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nay bị sạt lở mất nhà, đất, bơ vơ không còn chỗ ở, nhiều hộ dân ở đây cũng đang sắp rơi vào tình cảnh tương tự... chúng tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp hiệu quả, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát để đảm bảo cuộc sống của người dân", ông Bon nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem