Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Mua, bán và cho thuê bất động sản bắt buộc giao dịch qua ngân hàng

PVKT Thứ năm, ngày 20/10/2022 15:59 PM (GMT+7)
Đề cập về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập doanh nghiệp...
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 20/10/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bên cạnh việc kế thừa thì phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.

Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, trong đó có tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Mua,bán và cho thuê bất động sản bắt buộc giao dịch qua ngân hàng - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: BCQH)

Về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, quy định này được kế thừa từ quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và luật hóa các quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Bên cạnh đó, để đáp ứng thực tiễn công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền, dự thảo luật cũng bổ sung nguyên tắc: trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền, việc trao đổi, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Quy định về đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo luật bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Theo đó định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.

Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia, kế hoạch thực hiện sau đánh giá…

Bổ sung quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định; các nội dung của dự thảo luật phù hợp với quy định của hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo luật về các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan, như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Mua,bán và cho thuê bất động sản bắt buộc giao dịch qua ngân hàng - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Liên quan đến nội dung về đánh giá rủi ro rửa tiền của đối tượng báo cáo và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là quy định mới và cần thiết trong bối cảnh các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, đồng thời phù hợp với khuyến nghị của FATF.

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về báo cáo kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và khoản 1 Điều 16 về xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo bảo đảm tính khả thi và tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các đối tượng khi triển khai.

Đồng thời cần báo cáo rõ về chế tài xử lý trong trường hợp không báo cáo hoặc không cập nhật kịp thời theo quy định tại dự thảo luật, để tăng tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của các quy định này.

Bên cạnh đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định tại khoản 1 về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, tuy nhiên, cần cân nhắc nội hàm "chức vụ cấp cao" do khái niệm này còn định tính, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm về kỹ thuật, bảo đảm việc xác định danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là rõ ràng, minh bạch, khả thi trong thực tiễn triển khai; cân nhắc thuật ngữ "quản lý cấp cao" tại điểm b khoản 2; nhấn mạnh hơn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị.

Đối với một số dấu hiệu đáng ngờ cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản tại Điều 27 và phân định phù hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chứng khoán, ý kiến của cơ quan thẩm tra là cần có quy định về thời gian cụ thể khi xác định các dấu hiệu đáng ngờ.

Hiện nay dự thảo luật sử dụng nhiều thuật ngữ định tính như "thường xuyên", "ngắn" , "dài" có thể dẫn đến có cách hiểu và cách áp dụng khác nhau giữa từng đơn vị. Bên cạnh đó, cần cân nhắc quy định tại khoản 3 và khoản 7 vì các hoạt động quy định tại các khoản này đều thực hiện thông qua ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, hiện nay trong dự thảo luật còn nhiều thuật ngữ như "giao dịch có giá trị lớn", "giao dịch đáng ngờ", "giao dịch có giá trị lớn bất thường" và "giao dịch phức tạp" chưa có định nghĩa, giải thích tại dự thảo luật và những cụm từ như "mối quan hệ rõ ràng", "tăng bất thường" hầu hết mang tính định tính, cần cân nhắc bổ sung những yếu tố định lượng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch và có cơ sở triển khai trong thực tiễn.

Về trách nhiệm của một số cơ quan, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ vì đây là cơ quan có trách nhiệm thực thi chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng; đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường do liên quan đến phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực đất đai, bất động sản.

Bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản

Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm.

Đồng thời, nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập doanh nghiệp...

Bổ sung quy định về việc quản lý, quyền sử dụng thông tin dữ liệu thu được từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bổ sung quy định về bảo mật và công bố thông tin trong quá trình thực hiện phòng, chống rửa tiền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Dự thảo luật đã quy định nhiều biện pháp phòng, chống rửa tiền, từ đó gắn với quyền và trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức, do vậy cần rà soát để quy định chặt chẽ nhưng cũng không để lợi dụng, lạm dụng quyền hạn; có quy trình thực hiện đầy đủ, chặt chẽ; có cơ chế thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, cần cân nhắc quy định về hình thức, phương thức lưu trữ hồ sơ, tài liệu cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem