Chủ tịch Bình Định Phạm Anh Tuấn: "Gần 8.000 vụ lấn chiếm đất đai, chờ giải quyết"

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 10/05/2023 07:06 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nói rằng, Bình Định có gần 8.000 vụ lấn chiếm đất đai, tới đây phải phân loại để giải quyết dứt điểm.
Bình luận 0

Đi giỗ chạp, hay cưới xin… cũng là lúc giải quyết khiếu nại của bà con

Thường trực HĐND tỉnh Bình Định vừa tổ chức phiên họp lần thứ 7, vào ngày 9/5. Nhiều vấn đề về đất đai, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, xử lý nghiêm người chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được các đại biểu đưa ra bàn luận.

Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thơm nhận định, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng tại một số địa phương, nhất là cấp xã còn buông lỏng, việc xử lý các vi phạm chưa thường xuyên, triệt để. 

Do đó, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng.

Nội dung khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua chủ yếu vẫn liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (chiếm hơn 70%). 

"Một số vụ việc công dân chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại, tố cáo; tập trung khiếu kiện đông người, có tính chất gay gắt; một số công dân ra Hà Nội đến các cơ quan trung ương khiếu nại nội dung cũ đã được UBND tỉnh và các Bộ ngành trung ương xem xét, giải quyết", ông Thơm cho hay.

Chủ tịch Bình Định Phạm Anh Tuấn: "Gần 8.000 vụ lấn chiếm đất đai, chờ giải quyết" - Ảnh 1.

Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thơm. Ảnh: Dũ Tuấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, đất đai là vấn đề phức tạp và có hiện tượng phân biệt, trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Cụ thể, đối với dự án lớn việc giải phóng mặt bằng được thực hiện rất kỹ, ngoài bồi thường còn có chính sách định canh. 

Nhưng với dự án bình thường, chỉ mới dừng lại ở việc bồi thường, còn việc bố trí công ăn việc làm lâu dài, cho bà con khi mất đất sản xuất, lại đang có vấn đề.

"Khi tiếp dân, chúng tôi nhận thấy rất nhiều trường hợp thu hồi đất, đã bồi thường xong hết rồi, nhưng cuối cùng bà con lại cầm đống tiền nhưng không biết làm ăn gì cả. Có tiền cầm tiêu, nhưng về sinh kế lâu dài thì không có, đây là vấn đề nguy hiểm cho bà con", ông Tuấn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận, việc tuyên truyền chính sách còn yếu, dẫn đến khiếu nại nhiều lần, có một số trường hợp lợi dụng kiện tụng kéo dài.

Ngoài ra, công tác kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường còn sai sót, thậm chí có sự thiên vị, không đảm bảo sự công bằng, như liên quan đến yếu tố quen biết, người nhà, con em cán bộ….

8.000 vụ lấn chiếm đất đai chờ phân loại giải quyết dứt điểm

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, công tác tiếp công dân từ cấp xã trở lên còn kém, chưa ý thức được việc ngăn chặn khiếu nại từ dưới cơ sở. 

"Chủ tịch xã, chính quyền xã phải xác định tiếp nhận ý kiến bà con hằng ngày, vướng đâu giải quyết đấy. Kể cả đi giỗ chạp, hay cưới xin, uống với nhau cốc rượu…, đấy cũng là lúc đi giải quyết khiếu nại. Nhân tiện nói chuyện thẳng thắn, trao đổi với bà con về các vấn đề vướng mắc, như vậy mọi việc tự dưng lại giải quyết triệt để, từ dưới cơ sở", ông Tuấn đề xuất.

Vẫn theo ông Phạm Anh Tuấn, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép đang rất phức tạp. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn tỉnh Bình Định có khoảng gần 8.000 vụ việc lấn chiếm đất đai, sắp tới phải phân loại, để giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Bình Định: "Chủ tịch xã đi giỗ chạp, hay cưới xin… cũng là lúc giải quyết khiếu nại của bà con" - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại phiên họp thứ 7 của thường trực HĐND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Từ nay trở đi, các địa phương kiên quyết quản lý vấn đề đất đai, xây dựng thật tốt. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Khi có hệ thống dữ liệu, quản lý bằng số hoá, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng trên thì kỷ luật từ cấp xã đến huyện, thậm chí cơ quan cấp tỉnh quản lý không ổn thì cũng bị xử lý", ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn nói rằng, tỉnh Bình Định đang chú trọng đào tạo trình độ và đạo đức công vụ đối với cán bộ, đặc biệt là cấp xã, huyện để tìm ra người làm việc có tâm, có trách nhiệm với pháp luật và người dân. 

"Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và quan điểm chúng tôi khi xử lý các vụ việc, luôn thiên về lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài chính sách bồi thường, phải có chính sách tái định cư cho tất cả các dự án. Đây là việc làm căn cơ lâu dài, đảm bảo khi bị thu hồi đất không bị bần cùng hoá, bà con có công ăn việc làm, có thu nhập, không để xảy ra tình trạng tiêu hết tiền, lại trắng tay", ông Tuấn quả quyết.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng kiện tụng kéo dài, mà trước đó đã xác định rõ, không phải là lỗi của chính quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem