Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So: Nuôi lợn bây giờ có thể... mất trắng bất kể lúc nào

Thiên Hương Thứ tư, ngày 20/05/2020 06:34 AM (GMT+7)
Dù giá lợn tăng cao và đang thu lãi lớn, song ông Nguyễn Như So- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho rằng, nếu các trại chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, thì có thể mất trắng bất kể lúc nào.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (có trụ sở ở Bắc Ninh) cho biết, mặc dù quý I/2020 doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chỉ tính trong 3 tháng đầu năm thì chưa thể nói lên điều gì vì dịch bệnh vẫn đang phức tạp, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.

Trong khi không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể vì khó khăn do vừa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa bị dịch tả lợn châu Phi tấn công thì Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco vẫn hoàn thành và đưa các dự án mới vào hoạt động như Khu chăn nuôi Dabaco Tuyên Quang, Phú Thọ (giai đoạn 2), Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy Thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước, Nhà máy dầu thực vật Dabaco…

Rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào? - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất trứng gà của Dabaco. I.T

Đặc biệt, theo báo cáo tài chính của Dabaco, doanh thu và lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất giống lợn, chăn nuôi lợn, gà của công ty tăng, theo đó lợi nhuận của các công ty con cùng tăng. Cụ thể, trong quý I, doanh thu của tập đoàn này đạt 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỉ đồng, lần lượt tăng 84% và tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận đã hoàn thành 84% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Như So tỏ ra không mấy lạc quan về tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới do dịch Covid-19 và dịch bệnh trên động vật vẫn diễn biến phức tạp.

"Những ngày này, toàn bộ trại gà, trại lợn của chúng tôi đều tích cực áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học. Đó là cách sống sót duy nhất. Trang trại nào không đảm bảo an toàn sinh học thì có thể mất trắng vì dịch bệnh. Nhìn chung, nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực có nhiều rủi ro nhất. Đầu tiên là dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó xuất hiện cả những dịch bệnh thế giới chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa như dịch tả lợn châu Phi. Sau đó là thiên tai, thời tiết bất thường, giá cả thì lên xuống bấp bênh. Vì thế, ai có tiền thừa, họ mới đi đầu tư vào nông nghiệp"-ông So nói.

"Người ta nói nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng tôi thấy cũng khó khăn lắm, trụ đỡ không nổi. Như khi xảy ra dịch Covid-19, chỉ có mỗi giá lợn là tăng, còn phần lớn các loại hoa quả, thủy sản không bán được do xuất khẩu bị đình trệ, giá trái cây, giá các mặt hàng thủy sản đều giảm từ 10-50%. Chúng ta có thể thấy, giá gia cầm sau Tết Nguyên đán liên tục giảm vì không tiêu thụ được"- ông So nói thêm.

Nói về những giải pháp mà tập đoàn này đang áp dụng để chống đỡ, giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 cũng như chiến lược khôi phục sau dịch, ông Nguyễn Như So khẳng định: "Đã tham gia ngành nông nghiệp, phải xác định cực kì nhiều rủi ro. Vì thế trong hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực đảm bảo an toàn dịch bệnh, liên tục cải tiến năng suất, chất lượng. Đơn cử như trại lợn của chúng tôi ở Hà Nam, sau khi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi thì đến thời điểm này cũng mới tạm vào giống, lấp đầy các ô chuồng, còn vẫn đang lỗ nặng".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem