Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: "Doanh nghiệp nghĩ tới pháp lý là sợ"

Trần Kháng Thứ bảy, ngày 06/06/2020 19:09 PM (GMT+7)
"Pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ", Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chia sẻ tại toạ đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới".
Bình luận 0

'Doanh nghiệp nghĩ tới pháp lý là sợ'

Tại toà đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức chiều ngày 6/6, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC nhìn nhận, 10 năm thăng trầm của bất động có thể khái quát chung thành 2 giai đoạn, nổi bật là 6 năm gần đây.

Thứ nhất, từ giữa năm 2010 đến 2013, đây là giai đoạn bất động sản "đắp chiếu', cần những chính sách giải cứu từ Chính phủ. Cuối năm 2013, các nhà bất động sản "ngủ đông, không biết bao giờ dậy".

Ông Quyết dẫn chứng, từ 2011-2012, FLC thậm chí phải khởi kiện lại những người mua nhà vì không trả tiền để nhận nhà trong bối cảnh giá bất động sản đi xuống, các doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ đều đắp chiếu.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: 'Doanh nghiệp nghĩ tới pháp lý là sợ' - Ảnh 1.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chia sẻ tại toạ đàm.

Tới năm 2014, bất động sản bắt đầu khởi sắc. "6 năm gần đây, bất động sản phát triển chưa bao giờ rực rỡ đến vậy", ông Trịnh Văn Quyết nhận định. "Nếu như trước đây, toà FLC tại Mỹ Đình là một trong những toà nhà hiếm hoi sáng đèn thì bây giờ, chỉ cần nhìn từ toà tháp đôi của FLC tại Cầu Giấy ra toàn cảnh khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm Trung Hoà, có hàng nghìn toà nhà, xây san sát, bình quân trên dưới 30 tầng", Chủ tịch FLC nói thêm, cho đó là tín hiệu tích cực sau 10 năm của bất động sản.

Chia sẻ thêm pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản, 2 năm trở lại đây, ông nhận định tính pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, hầu hết mọi sự cố gần như dính đến pháp lý. "Luật pháp đi theo thị trường nhưng lại khá chậm trễ", vị Chủ tịch bày tỏ.

Ngoài ra, theo Chủ tịch FLC, với cơ chế như bây giờ khi không cho phép vừa xây vừa xin giấy phép, phải mất ít nhất 3 năm mới đủ giấy phép để thi công sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý. 

"Có những dự án đầu tư hàng trăm ha, đầu tư xong được hướng dẫn đấu thầu, xong đến đấu giá, mỗi nơi một cách hiểu khác nhau, doanh nghiệp khốn khổ nhưng phải chấp nhận. Đơn cử với FLC Sầm Sơn, khởi công năm 2015, FLC mất 11 tháng vừa hoàn thiện pháp lý về giấy tờ thủ tục vừa thi công cho từng công đoạn ép cọc, xây thân..., "n thứ trong 1", ông Trịnh Văn Quyết lấy ví dụ.

"Pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ", chủ tịch FLC nói.

Khung pháp lý… đi sau xu thế của thị trường

Tại toạ đàm, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, 10 năm là sự phát triển nỗ lực từ mặt luật pháp với Luật đất đai năm 2013, sau đó Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư 2014, một loạt tiếp sau đã vênh với luật năm 2013, vừa là lực đỡ nhưng cũng là lực cản cho bất động sản.

Luật quy hoạch, luật quản lý tài sản công năm 2017 đã tương tác và hỗ trợ cho Luật kinh doanh Bất đống sản, tuy nhiên sự lệch pha đã gây nên lực cản nhất định. Ngoài ra, vấn đề tài chính với Nghị định 20 lại là sự bất cập với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tăng áp lực lớn với các mô hình kinh doanh.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: 'Doanh nghiệp nghĩ tới pháp lý là sợ' - Ảnh 3.

Nhiều đại biểu tại toà đàm cho rằng, khung pháp lý cho bất động sản hoàn thiện nhưng đi sau xu thế của thị trường.

Với thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, cơ chế siết chặt tín dụng với bất động sản trong xu thế ảnh hưởng Covid-19 và phải đón đầu bất động sản về công nghiệp, và văn phòng. Thông tư đã thiết chặt nguồn vốn chính của nhiều doanh nghiệp.

"Có thể thấy rằng, khung pháp lý đang được hoàn thiện nhưng vẫn đi sau hơi thở, dòng chảy, xu thế của thị trường bất động sản", bà Hà Thu Thanh nói.

Từ góc độ của một tư vấn pháp luật, bà Hà Thu Thanh cho rằng: "Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế... Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc", bà Thanh nói.

Trước những yêu cầu mới thì khung pháp lý của Việt Nam chưa đủ. "Trong giai đoạn này, thị trường nên chạy chậm lại một chút xíu và giành thời gian để tăng cường cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn, phát hành trái phiếu", bà Thanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem